30/04/2021 07:50 GMT+7

Dấn thân đòi hòa bình trên đường phố Sài Gòn

LÊ VĂN NUÔI
LÊ VĂN NUÔI

TTO - Đường phố Sài Gòn suốt 20 năm 1955 - 1975 thường vang động những bước chân của dân chúng, đông nhất là sinh viên - học sinh. Hội thảo, bãi khóa, xuống đường tuần hành... nhằm bày tỏ khát vọng hòa bình, dân chủ, tự do.

Dấn thân đòi hòa bình trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 1.

Lê Văn Nuôi - bí thư Thành đoàn và đoàn sinh viên phong trào Peace Boat - Con tàu hòa bình - Nhật Bản cùng tuần hành Vì hòa bình vào dịp 30-4-1992 trên đường phố TP.HCM - Ảnh NGUYỄN CÔNG THÀNH

Thập niên 1965 - 1975, lực lượng sinh viên - học sinh tranh đấu chúng tôi thường hẹn nhau tập hợp biểu tình trước trụ sở Hạ nghị viện (Nhà hát thành phố hiện nay) trên đường Tự Do (Đồng Khởi hiện nay).

Dân biểu đối lập

Tôi nhớ mãi hình ảnh cuộc biểu tình của nhóm nòng cốt phong trào khoảng 20 người trước trụ sở Hạ nghị viện. Chúng tôi mời các dân biểu đối lập cùng tuần hành đến trụ sở Thượng nghị viện ở bến Chương Dương (nay là tòa nhà Chứng khoán Việt Nam) nhằm trình thỉnh nguyện thư của phong trào lên Thượng nghị viện đang nhóm họp.

Nội dung: đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trả tự do cho hàng chục sinh viên bị bắt giữ, chấm dứt đàn áp, bắt bớ, bãi bỏ chế độ quân sự học đường...

Các dân biểu đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc tuần hành từ trụ sở Hạ viện xuống bến Bạch Đằng, tiến thẳng đến Thượng viện. Họ bảo vệ chúng tôi trước vòng vây dày đặc của hàng trăm cảnh sát dã chiến, nhân viên an ninh, mật vụ bằng cách câu chặt tay nhau, mỗi hàng 5 người. Các dân biểu đi dọc hai bên đoàn tuần hành, trên ngực áo họ đeo chiếc thẻ "Dân biểu Việt Nam Cộng hòa - Bất khả xâm phạm".

Chúng tôi gồm Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Xuân Thượng... được các dân biểu Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung câu tay, đi xen giữa và phía ngoài bảo vệ. Nhờ đó, đoàn sinh viên - học sinh tiến đến được trụ sở Thượng viện.

Ông chủ tịch Thượng viện - nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền ra tận thềm tòa nhà để tiếp xúc, nhận thỉnh nguyện thư và hứa chuyển đến Phủ tổng thống.

Dấn thân đòi hòa bình trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 2.

Cuộc mittinh của 1.000 sinh viên - giáo sư Nhật Bản và đoàn đại biểu thanh niên - sinh viên Việt Nam cùng phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 tại Đại học Tokyo, Nhật Bản tháng 7-1979 (người đứng bìa phải là Lê Văn Nuôi) - Ảnh tư liệu cá nhân

Một cách tự nhiên, trong tôi hình thành tình cảm sâu đậm với các bậc trí thức, nhân sĩ, dân biểu chung một mặt trận yêu nước, đã bao lần cùng sát cánh đấu tranh trên đường phố Sài Gòn.

Từ sau năm 1975, tôi tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp với họ. Mặt khác, tôi còn được Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) gửi gắm, giao nhiệm vụ giữ mối quan hệ thân thiết nhằm tìm hiểu tâm tư, đời sống của nhân sĩ trí thức, để ông có thể giúp đỡ khi cần.

Trí thức dấn thân

Tôi nhớ hoài câu chuyện giáo sư Trần Kim Thạch (1934 - 2009). Trước năm 1975, ông là giáo sư hàng đầu ngành địa chất học miền Nam - giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn.

Giáo sư Thạch đã cùng ký tên trong "Thư ngỏ của một số giáo sư, giáo chức gửi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu trả tự do cho các sinh viên". Giáo sư Thạch cũng có mặt trong các cuộc tuyệt thực của nhiều giáo sư đại học tại thềm trụ sở Viện Đại học Sài Gòn đòi trả tự do cho sinh viên - học sinh yêu nước.

Những năm 1980, giáo sư Trần Kim Thạch đã sát cánh cùng ông Võ Văn Kiệt băng rừng vượt thác khảo sát địa chất và tìm vị trí xây dựng thủy điện Trị An, tiếp theo là các công trình khảo sát địa chất vùng Tây Nam Bộ.

Một hôm, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt gọi tôi đến trao đổi một băn khoăn: "Chú đã nói Văn phòng Thành ủy cấp cho giáo sư Trần Kim Thạch một chiếc xe hơi và 20 lít xăng mỗi tháng để tiện đi lại. Nhưng không hiểu sao anh Thạch từ chối. Vậy Nuôi tìm gặp anh Thạch hỏi, rồi báo lại chú biết!".

Dấn thân đòi hòa bình trên đường phố Sài Gòn - Ảnh 3.

Lê Văn Nuôi (cầm loa) thuyết minh tại khu Chuồng Cọp - Côn Đảo trong chuyến “Hành trình Côn Đảo”, do Thành đoàn và báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1995 - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

Tôi mời giáo sư Thạch đi cà phê và hỏi dò chuyện ôtô. Ông Thạch cười hiền: "Do thấy anh đi chiếc Mobylette cà tàng nên ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) có nhã ý cấp cho anh xe hơi. Nhưng anh thấy hiện giờ kinh tế khó khăn, giới trí thức ai cũng đi làm bằng Honda, xe đạp, làm sao anh có thể ngồi một mình trên chiếc ôtô. Nhờ Nuôi chuyển lời cảm ơn chân thành đến ông Sáu Dân".

Nhiều trí thức tài hoa của Sài Gòn được đào tạo từ Âu Mỹ trở về phụng sự quê nhà như giáo sư Trần Kim Thạch, giáo sư Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Trọng Văn, luật gia Ngô Bá Thành, luật sư Nguyễn Long... Họ còn là những dân biểu, nghị sĩ đối lập dấn thân vào cuộc đấu tranh của dân chúng.

Trong những năm tháng đầy sóng gió thời cuộc đó, họ đã tự nguyện từ bỏ quyền lợi riêng tư, dấn thân vì tự do, dân chủ, hòa bình.

Khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng hòa bình

Tôi còn có may mắn làm việc nhiều năm với giáo sư Lý Chánh Trung khi cùng trúng cử đại biểu Quốc hội sau năm 1975 (khóa 6, 1976 - 1982).

Giáo sư Lý Chánh Trung (1928 - 2016) giảng dạy môn triết học tại ĐH Văn khoa Sài Gòn những năm trước 1975.

Vào những năm 1970 - 1973, ông thường có những cuộc diễn thuyết về dân tộc, dân chủ, nỗi thao thức của giới trí thức trước vận nước tại giảng đường ĐH Văn Khoa, thu hút hàng ngàn sinh viên đến nghe.

Những phân tích sâu sắc qua giọng nói từ tốn của ông đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước thương dân và khát vọng hòa bình, độc lập trong nhiều người trẻ.

Nhà báo Lê Văn Nuôi kể chuyện bảo vệ nguồn tin Nhà báo Lê Văn Nuôi kể chuyện bảo vệ nguồn tin

TT - LTS: Nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Lê Văn Nuôi - cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã nhớ về một câu chuyện bảo vệ nguồn tin hơn 20 năm trước. Và đây chính là một trong những bản sắc mà đội ngũ làm báo Tuổi Trẻ luôn nỗ lực gìn giữ, vun đắp.

LÊ VĂN NUÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên