Phóng to |
Phóng to |
Mấy tháng qua, tôi cùng với nhiều đồng nghiệp - đã và đang làm báo Tuổi Trẻ - được ban biên tập mời cùng ngồi lại để hồi tưởng, sưu tầm, ghi chép mọi sự kiện về lịch sử hình thành và phát triển báo Tuổi Trẻ 39 năm qua nhằm chuẩn bị in tập sách “Báo Tuổi Trẻ 40 năm hình thành và phát triển (1975 - 2015)”.
Trong tôi bỗng trào dâng nỗi bồi hồi, cảm xúc về nghề báo và báo Tuổi Trẻ. Và tôi nhớ một câu chuyện nghề nghiệp đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm báo của mình.
Chuyện vụ án “cướp 5 con vịt”
"Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ nguồn tin. Vì nếu chúng ta khai ra nguồn tin này đã do bạn đọc nào cung cấp, họ sẽ bị liên lụy rắc rối và bạn đọc sẽ mất hết niềm tin đối với báo Tuổi Trẻ" LÊ VĂN NUÔI |
Đầu năm 1993, báo Tuổi Trẻ đã đăng một loạt tin, bài về việc xảy ra vào năm 1992 ở một huyện TP.HCM: Có một thanh niên 23 tuổi cầm đầu sáu đứa trẻ từ 14-17 tuổi, đột nhập một trại vịt, dùng dao khống chế ông chủ cướp đi năm con vịt đem bán trả nợ cho một tiệm mì mà chúng vừa ăn xong nhưng thiếu tiền trả. Sau đó, các em bị bắt. Cuối năm 1992, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên mức hình phạt: kẻ cầm đầu 5 năm tù giam, sáu em kia mỗi em từ 3-4 năm tù giam. Báo Tuổi Trẻ đã đăng bài “Cướp 5 con vịt: 3 đến 5 năm tù!” và bình luận rằng án xử vậy là quá nặng so với tội trộm vài con vịt, nhất là làm tương lai các thiếu niên này trở nên mờ mịt. Báo đã so sánh, phê phán: Trẻ em ăn trộm năm con vịt thì bị xử nặng thế, còn một số kẻ tham nhũng, buôn lậu bạc tỉ lại được xử án treo! Trong phiên họp Hội đồng nhân dân TP ngày 20-2-1993, chính ông chủ tịch HĐND TP cũng đã phát biểu: “Điều đáng chú ý là tham nhũng, hiếp dâm thì xử nhẹ, nhưng trẻ em cướp năm con vịt thì xử 5 năm tù giam”.
Kết quả là ban biên tập và phóng viên nhận lệnh phải kiểm điểm trách nhiệm về việc đã viết và đăng loạt bài “Vụ án cướp 5 con vịt” có tính đả kích ngành tòa án, công an địa phương. Đồng thời, một vị lãnh đạo ngành báo chí còn gọi điện thoại cho tổng biên tập - là tôi - để truyền đạt một ý: Có một ông “cấp trên” hỏi là nếu ông yêu cầu tổng biên tập khai ra ai là người đã cung cấp cho Tuổi Trẻ nguồn tin “Vụ án 5 con vịt” này thì anh có khai không. Tôi suy nghĩ vài phút rồi trả lời: “Tôi chỉ biết tin, bài này do phóng viên săn tin và tôi quyết định đăng vì nhận thấy bài viết có chính kiến đúng về bảo vệ quyền trẻ em. Còn việc khai báo nguồn tin, theo Luật báo chí, chỉ có chánh án Tòa án tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao hoặc chánh án tòa án, viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh, thành mới được quyền - qua văn bản - yêu cầu tổng biên tập báo cung cấp nguồn tin. Vì vậy, tôi xin lỗi không thể tiết lộ nguồn tin cho ông được”.
Cùng ngày, tôi lại nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ một chị bạn đọc thân quen với tôi đang là cán bộ một ban ngành TP: “Nuôi ơi, chị báo em tin mật này: Bên cơ quan chị, các sếp đang bàn việc sẽ ra quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng của tổng biên tập Lê Văn Nuôi, để chuẩn bị khởi tố “vụ án các bài báo về mấy đứa trẻ cướp 5 con vịt” đó...”.
Tôi lặng người trước tin dữ này, nhưng vẫn bình tĩnh quay vào cuộc họp kể lại cho ban biên tập và ba phóng viên liên quan nghe câu chuyện và động viên: “Chúng ta phải cố gắng chịu đựng vượt qua “trận” này, phải kiên quyết bảo vệ nguồn tin. Tuy đang có nhiều áp lực rất căng, nhưng tôi đánh giá vụ việc này rất ít khả năng đưa ra tòa án xét xử công khai, bởi vì lẽ phải và công luận đứng về phía báo chúng ta. Mặt khác, tôi nghĩ cấp trên sẽ phải hết sức cân nhắc lợi hại khi đưa một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ ra tòa chỉ vì đã đăng bài báo bảo vệ quyền sống của trẻ em”.
Quả thật, sau hơn ba tháng bão tố, vụ án “5 con vịt” đã khép lại với kết quả cuối cùng là vào đầu tháng 6-1993, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xử kẻ cầm đầu y mức án 5 năm; các em khác đều được giảm án và hưởng án treo. Về phía báo Tuổi Trẻ, tổng biên tập và ba phóng viên đã nhận một số quyết định kỷ luật, từ khiển trách đến phê bình.
Bản sắc và giá trị riêng biệt
Tất cả những con người trực tiếp và gián tiếp làm báo Tuổi Trẻ, bằng trí tuệ, tâm huyết và sự dũng cảm, đã gầy dựng nên bản sắc và giá trị riêng biệt của tờ báo Tuổi Trẻ và các sản phẩm truyền thông mang tên Tuổi Trẻ trong gần 40 năm qua. Bản sắc đó là: tính kịp thời, tính chính kiến, tính phản biện, tính chiến đấu, tính dự báo.
Có nghĩa: Tuổi Trẻ phải là người đưa tin nhanh nhất; Tuổi Trẻ phải tỏ rõ chính kiến trước những vấn đề thời sự; Tuổi Trẻ phải dám và biết phản biện và mời gọi bạn đọc tham gia phản biện đối với những vấn nạn về quốc kế, dân sinh; Tuổi Trẻ phải dũng cảm đưa ngòi bút công phá vào những vụ tham nhũng, lãng phí tài sản công; Tuổi Trẻ phải can đảm thâm nhập và đưa ra ánh sáng công luận những tiêu cực xã hội còn ẩn nấp trong bóng tối; Tuổi Trẻ không chỉ phản ánh sự kiện mà còn phải đủ tri thức để kiến giải lối ra và dự báo tương lai.
Tổng cộng gần 20 năm dấn thân và trưởng thành từ nghề báo, chính báo Tuổi Trẻ đã mang lại cho tôi một đời sống trí tuệ và thú vị. Hào khí Tuổi Trẻ đã thôi thúc, buộc tôi phải không ngừng động não, phải dũng cảm vượt qua thử thách, phải đua tốc độ với quỹ thời gian làm việc để cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển Tuổi Trẻ.
Vẳng bên tai tôi giọng ca sĩ Lệ Quyên hát ca khúc Trả lại thời gian. Tôi thích nghe bài hát này. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi không bao giờ hối tiếc và đòi ai “trả lại thời gian” đã cống hiến cho Tuổi Trẻ. Tôi chỉ mong mỏi, kỳ vọng là thế hệ trẻ đang làm báo Tuổi Trẻ hôm nay hãy nỗ lực giữ gìn và vun đắp những bản sắc và giá trị riêng biệt của báo Tuổi Trẻ. Để Tuổi Trẻ mãi mãi là Tuổi Trẻ, dù tờ báo của chúng ta đang sắp bước vào tuổi 40 hay đến tuổi 50 đi nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận