29/06/2018 17:14 GMT+7

Dân Thái giận truyền thông cản trở việc cứu hộ đội bóng kẹt trong hang động

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nhà chức trách Thái Lan đã phải phát đi thông báo yêu cầu các nhà báo phải giữ khoảng cách an toàn khi tác nghiệp để không ảnh hưởng tới việc cứu hộ 13 thành viên đội bóng bị mắc kẹt trong hang động từ ngày 23-6.

Dân Thái giận truyền thông cản trở việc cứu hộ đội bóng kẹt trong hang động - Ảnh 1.

Cảnh sát phong tỏa một lối vào động Tham Luang trong ngày 29-6 - Ảnh: REUTERS

Đã gần một tuần trôi qua, đội cứu hộ vẫn chưa phát hiện được dấu vết 12 cầu thủ U-16 và huấn luyện viên được cho là bị mắc kẹt trong hang Tham Luang thuộc tỉnh Chiang Rai. 

Mưa lũ đã tràn vào hang động dài hơn 10km khiến tính mạng của đội bóng bị đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Chưa ai dám khẳng định nhóm này thực sự an toàn ở những nơi khô ráo trong hang khi nước lũ tràn vào. 

Thời gian trôi qua, mọi ánh mắt sốt ruột đều đổ về hang động Tham Luang. Công tác cứu hộ được tiến hành với sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm cả các thành viên quân đội Mỹ.

Sự tức giận bất ngờ nổi lên từ ngày 28-6 khi tỉnh trưởng Chiang Rai, ông Narongsak Osotthanakorn - người chỉ huy chiến dịch cứu hộ, yêu cầu các nhà báo không nên cố gắng trà trộn vào đội cứu hộ để tiến vào hang động.

Ông Narongsak nhấn mạnh vì lý do an toàn, người ta đếm tất cả những người tiến vào hang động và trở ra. Tuy nhiên, có một số nhà báo không được cấp phép vẫn tìm cách trà trộn vào đoàn chuyên môn, làm phức tạp và khó khăn thêm cho đội cứu hộ vốn đã chịu rất nhiều áp lực.

Tuyên bố của tỉnh trưởng Chiang Rai đã thổi bùng lửa giận dữ của người dân Thái. Thapanee Ietsrichai, một phóng viên truyền hình nổi tiếng của Thái Lan, bị chỉ thẳng mặt để chỉ trích. 

Cô này hứng chịu đủ gạch đá sau khi đăng một tấm hình và một đoạn clip về các thành viên của đội đặc nhiệm SEAL (Mỹ) tham gia công tác cứu hộ lên các tài khoản xã hội cá nhân.

Dân Thái giận truyền thông cản trở việc cứu hộ đội bóng kẹt trong hang động - Ảnh 2.

Truyền thông chờ đợi một cuộc họp báo bên ngoài hang động ngày 28-6 - Ảnh: REUTERS

Cư dân mạng Thái cho rằng điều này là không thể chấp nhận được bởi các thành viên đội đặc nhiệm SEAL phải được giữ kín danh tính vì lý do an ninh. 

Cô Thapanee sau đó đã phải đăng đàn thanh minh, khẳng định mình là một trong hai người được cho phép tháp tùng đội cứu hộ tiến vào hang từ một hướng khác và không hề cản trở công việc tìm kiếm.

Rất nhiều tờ báo, đài truyền hình Thái đã đổ về động Tham Luang và cố gắng truyền tải liên tục những thông tin mới nhất về chiến dịch cứu hộ. Nhiều nhà báo trong số này đã phát trực tiếp các hoạt động tại hiện trường. Điều này cũng đã khiến các tín hiệu và đường truyền liên lạc giữa các thành viên của đội cứu hộ bị ảnh hưởng.

Ủy ban phát thanh và viễn thông Thái Lan phải lên tiếng, yêu cầu các phóng viên/nhà báo chỉ được chụp ảnh và quay các đoạn clip ngắn.

Dân Thái giận truyền thông cản trở việc cứu hộ đội bóng kẹt trong hang động - Ảnh 3.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha rơi nước mắt khi gặp thân nhân thành viên đội bóng bị mắc kẹt trong hang động - Ảnh: REUTERS

Các bình luận và câu hỏi của những phóng viên cũng khiến họ nhận một đống chỉ trích. Chẳng hạn, người dẫn chương trình Phakkapong Udomkayarak của đài Channel 8 bị chửi thẳng là "hỏi ngu" khi hỏi mẹ của một cầu thủ bị mất tích rằng "bà có mơ thấy con trai mấy ngày hôm nay không?".

Trong quan niệm của người Thái, chỉ có người chết mới xuất hiện trong giấc mơ của người thân còn sống để trò chuyện. Phakkapong sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi người phụ nữ trên và nói rất lấy làm tiếc vì câu hỏi đó.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên