Theo nghiên cứu mới đây, các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu khiến nhiều loài sinh vật biển bị giảm 1/2 chỉ trong một thế hệ |
Theo nghiên cứu do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London công bố, trong số các loài bị suy giảm "dân số", cá ngừ và cá thu - hai loài cá được con người ăn nhiều - giảm đến 74%.
Hải sâm - được xem như thực phẩm cao cấp ở châu Á - cũng suy giảm đáng kể về số lượng trong vài năm qua, đặc biệt tại Galapagos (giảm đến 98%) và Biển Đỏ (giảm 94%).
Nghiên cứu cũng ghi nhận sự thu hẹp môi trường sống của các sinh vật biển, nơi cung cấp thức ăn cho các loài.
Thủ phạm dẫn đến tình trạng này, theo nghiên cứu, là do hoạt động khai thác quá mức của con người và do biến đổi khí hậu.
"Hoạt động của con người đã phá hoại nghiêm trọng các đại dương. Con người đánh bắt cá mà không kịp cho chúng sinh sản cũng như phá hủy nơi sinh sản của chúng" - Marco Lambertini, giám đốc quốc tế của WWF, nói.
Biến đổi khí hậu cũng góp phần làm suy giảm dân số các loài sinh vật biển. Theo nghiên cứu, carbon dioxide (CO2) được hấp thụ vào các đại dương, làm đại dương bị axit hóa và gây hại cho một số loài.
"Việc đánh bắt quá mức, phá hủy môi trường biển và biến đổi khí hậu gây những hậu quả thảm khốc cho toàn bộ loài người, trong đó các cộng đồng nghèo nhất sống nhờ vào biển bị ảnh hưởng sớm nhất và nghiêm trọng nhất", ông Lambertini cảnh báo trên Telegraph ngày 16-9.
"Cần có những thay đổi toàn diện để đảm bảo sự sống phong phú ở các đại dương cho các thế hệ tương lai", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận