28/02/2021 10:30 GMT+7

Đàn ông không nói ngọt bị vợ chê 'khô như ngói', hoạt ngôn thì vợ lo 'có người theo'

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Đàn ông không nói ngọt, nói chuyện không hay thì các chị bảo khô như ngói, còn ông chồng hoạt ngôn thì các bà vợ lại lo sợ "ổng ra đường có nhiều người theo". Làm sao để 'trong ấm ngoài êm'?

Đàn ông không nói ngọt bị vợ chê khô như ngói, hoạt ngôn thì vợ lo có người theo - Ảnh 1.

Một gia đình chụp ảnh lưu niệm tại đường hoa Nguyễn Huệ dịp tết - Ảnh minh họa: T.T.D.

Câu hỏi này không chỉ của những người trẻ chuẩn bị thành gia lập thất, mà còn của nhiều người đang có một gia đình. Câu hỏi ấy có sức gợi để người trong cuộc có những gạch đầu dòng cho mối quan hệ "trăm năm" mà họ chọn sống... Một số bạn trẻ trước và trong hôn nhân đã cùng Tổ ấm giải đáp câu hỏi này.

Chuẩn bị cho hôn nhân

"Hôn nhân là dấu mốc để bắt đầu một cuộc sống mới, từ một mình sang hai, rồi sẽ ba, bốn - khi có thêm con cái, những thành viên mới được tạo ra từ tình yêu thương. Do vậy phải chuẩn bị nhiều thứ" - anh Nguyễn Thái Bình ở Quảng Nam chia sẻ. 28 tuổi, anh cho rằng đã đến lúc cần xây dựng gia đình cho ổn định, hơn nữa anh và người thương cũng có thời gian tới gần 5 năm tìm hiểu, đủ tin tưởng để về chung một nhà.

Dự tính cuối năm 2021 cả hai sẽ làm lễ cưới. Nhưng đầu năm, dịp Tết Tân Sửu này hai gia đình đã có cuộc gặp để "tính cho bọn nhỏ". 

Việc chuẩn bị cho hôn nhân ngoài công việc hai người ổn định, đủ chững chạc để có thể đảm bảo sống cùng nhau, vượt qua vui buồn thì còn những khoản tài chính, tâm lý, kỹ năng cho những thay đổi trong cuộc sống. 

Anh Bình cho biết đã tìm hiểu về hôn nhân - gia đình từ chính ba mẹ mình và thấy "đó không hề là việc đơn giản, cưới nhau dễ rồi nhưng sống với nhau mới khó".

Cùng suy nghĩ đó, anh Minh Phú (Quảng Ngãi) cưới vợ được 8 tháng cho biết trong đời sống vợ chồng sẽ có những lúc mâu thuẫn, trái ý phật lòng, nhưng nhờ đã lắng nghe lời khuyên của người lớn nên không "bùng nổ".

"Tôi thấm thía ý nghĩa chữ nhẫn ông bà mình gửi gắm khi vợ chồng trao nhau chiếc nhẫn. Đó vừa là tình thương vừa là trách nhiệm của vợ và chồng. Khi một trong hai hết thương, cởi bỏ trách nhiệm xây tổ ấm thì lúc đó ngôi nhà sẽ thiếu vững chắc, có nguy cơ đổ vỡ", anh Minh Phú nói. Do vậy với anh, sự chuẩn bị cho hôn nhân quan trọng nhất vẫn là về mặt tinh thần, tình cảm.

Học bao dung, hành tha thứ

Con người không thể hoàn hảo không tì vết. Do đó, một lời nói thiếu ý nhị, một sự hờ hững, vô tâm lẽ ra cần được nhắc khéo, chia sẻ, định hướng để thay đổi, hoàn thiện lại bị đẩy đi quá xa. Có người ghim trong lòng câu nói vô ý, thốt ra trong lúc nóng giận của chồng/vợ, rồi xem đó là cả con người của người chung chăn.

Chị L. ở Bình Thạnh (TP.HCM) từng có kinh nghiệm trong chuyện này cho biết: "Phụ nữ thường có suy diễn rất siêu. Chẳng hạn chuyện nhỏ xíu như chồng nói dạo này em có vẻ ít vận động, thế là kết luận ngay chồng chê mình. Tôi từng như thế đến khi tư duy tích cực hơn là anh ấy quan tâm sức khỏe vợ, muốn vợ đi tập thể dục, yoga".

Chị Thủy ở Đà Nẵng kể chồng ít nói lời ngọt ngào nhưng lo cho gia đình, đi làm về đều đưa tiền lương cho vợ giữ - "má mi cất rồi lo cho con cái, đóng tiền học, tiền chợ". 

Đàn ông không nói ngọt, nói chuyện không hay thì các chị bảo khô như ngói, còn ông chồng hoạt ngôn thì các bà vợ lại lo sợ "ổng ra đường có nhiều người theo". 

Vừa mong muốn chồng/vợ có ưu điểm này, nhưng cũng sợ chính ưu điểm đó là nguyên nhân để họ thu hút "người ngoài" là một nỗi lo thầm kín cần vượt qua để "trong ấm ngoài êm" thực sự.

Bao dung trong đời sống vợ chồng ngoài chấp nhận lỗi của người bạn đời thì còn là chấp nhận khiếm khuyết thuộc về tính cách, thói quen. "Chắc chắn bản thân mình cũng có lỗi, cũng có chỗ chưa hay, chưa được. Hãy hiểu rằng họ cũng đang cố gắng chấp nhận mình", chị Đ. trải lòng sau khi đã "ngộ" ra. Đó chính là cách "kê cho bằng" trong hôn nhân.

Vậy xây tổ ấm có khó không? Để tìm được đáp án đòi hỏi ở mỗi người sự nỗ lực cho mục tiêu chung. Ngoài sự ổn định công việc, tài chính thì tinh thần vững vàng, tình yêu, nhẫn nhịn… là những yếu tố quyết định một cuộc hôn nhân lâu bền. Và câu trả lời đôi khi không hẳn đã đồng nhất giữa hai người chung một mái nhà nhưng cuộc sống vốn vậy, mọi hành trình không chỉ luôn có một mặt, một góc nhìn...

* ThS Tô Thị Hoàng Lan (giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM):

Hôn nhân có thể gặp khó bất cứ lúc nào

anh ths to thi hoang lan 1(read-only)

Có người nói rằng hôn nhân vượt qua được mốc 5 năm sẽ bền lâu, nhiều người nghĩ rằng sau 5 năm hôn nhân sẽ êm đẹp. Tôi thấy như các mối quan hệ, cuộc sống hôn nhân đều luôn có khó khăn, mâu thuẫn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, việc trước tiên chấp nhận trong hôn nhân có khó khăn, có mâu thuẫn là điều bình thường. Điều quan trọng là cả hai cùng đồng lòng giải quyết vấn đề trong thiện ý, vun đắp cho gia đình và yêu thương nhau.

Lời nói có sức tàn phá mối quan hệ rất lớn nếu không được chú ý lựa chọn cẩn trọng. Đôi khi khó khăn hay mâu thuẫn không quá lớn, nhưng cách vợ chồng truyền thông cho nhau mới là vấn đề lớn. Do đó, chỉ cần vợ chồng lắng nghe nhau và tôn trọng nhau, giải pháp giải quyết khó khăn mới có cơ hội xuất hiện.

Giữ tổ ấm Giữ tổ ấm 'trong ấm, ngoài êm'

TTO - 'Khi nhớ về mục tiêu chung, cả vợ lẫn chồng mới có thể cùng tìm giải pháp giải quyết vấn đề, không mất thời gian tranh cãi thắng thua', TS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên