18/01/2025 13:05 GMT+7

Đàn ông 'cầm trịch' ngày Tết, tại sao không?

Hơn lúc nào hết, Tết chính là dịp để người đàn ông thể hiện vai trò trụ cột và là "lãnh đạo tinh thần" của một gia đình hạnh phúc theo chuẩn Việt.

Đàn ông 'cầm trịch' ngày Tết, tại sao không? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Phúc chia sẻ rằng mình sẽ dành thời gian Tết để nấu ăn, rửa chén và trò chuyện cùng vợ con - Ảnh: T.TRIỀU

Buông thả ngày Tết

Chị Ngọc Ngà (quận 3, TP.HCM) than nhẹ ở nhóm "Hội những người sắp chán chồng" trên Facebook: "Chồng các bà có như ông nhà tôi không? Cận Tết, tôi hò như hò đò ổng mới chịu đi rửa xe, đưa con đi cắt tóc. Năm nào ổng cũng mang chút tiền thưởng Tết về đưa cho vợ, coi như xong nhiệm vụ.

Ổng nói là đi làm mệt mỏi căng thẳng cả năm rồi, Tết thì cho xõa đi, thích gì làm nấy đi. Vậy là ổng nằm chơi game suốt ngày, đến bữa thì gọi vào ăn, không gọi cũng bất cần, nhịn đói luôn".

Có người bình luận "thôi vậy cũng được bà ạ, có cục tiền là được rồi". Nhưng cũng có chị lăn tăn: "Vấn đề không phải là Tết nhạt đi mà các ông cứ buông thả như vậy, gia đình không còn nề nếp, cũng mất đi giá trị Tết vốn dĩ rất đẹp".

Lỗi phổ biến của nhiều người đàn ông là lười biếng, không chia sẻ việc nhà, để vợ đảm đương mọi công việc, từ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị Tết, nấu nướng đến tiếp khách. Tất nhiên, khi vợ phải làm quá nhiều, dễ "mặt nặng mày nhẹ", nảy sinh bất hòa.

Năm nay chị Thái Thu Nguyệt (quận Gò Vấp) quyết định đưa cả nhà đi Đà Lạt. Chị nói vui là "đi trốn Tết". Theo chị, gần 10 năm hôn nhân, Tết là dịp chị mệt mỏi nhất và hầu như năm nào cũng cãi nhau với chồng. Chồng chị không làm việc nhà nhưng Tết lại kéo bạn bè về nhà nhậu nhẹt và chơi bài suốt đêm. Liên tục mấy ngày Tết, chị cảm giác mình như "ô sin".

Ngày đầu năm là dịp đẹp nhất để cả gia đình thư thả thăm bà con, họ hàng, hỏi han, trò chuyện, gắn kết nhưng nhiều ông chồng chỉ muốn nằm ở nhà hoặc "sơ hở là đi nhậu".

Đàn ông "cầm trịch" giá trị Tết

Trước hết, Tết là dịp để các thành viên trong gia đình nhìn lại xem một năm qua đã làm được gì, kế hoạch năm mới ra sao. Đó không chỉ là kế hoạch của chuyện làm ăn của cha mẹ, việc học của con cái mà còn là kế hoạch xây dựng tình cảm, vun đắp yêu thương của các thành viên.

Nhìn lại, hướng đến để mỗi thành viên đóng góp một cách có trách nhiệm, tích cực trong niềm hân hoan giữa tiết trời vào xuân. Với việc này, hơn ai hết, người chồng, người cha nên giữ vai trò "cầm trịch" để điều hành, kết nối, khơi gợi, cổ vũ, thúc đẩy các thành viên còn lại.

Việc "cầm trịch" không chỉ bằng lời nói, mà quan trọng là phải bằng hành động. "Nói gì thì nói, cận Tết, vợ và các con thấy người đàn ông trụ cột vui vẻ sơn sửa, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, rửa xe, chở con đi cắt tóc và còn thúc giục vợ đi làm đẹp thì rất vui, thấy Tết trong lòng rồi" - anh Nguyễn Ngọc Phúc (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ.

"Tôi thích nấu ăn, đặc biệt là ngày Tết thì rất muốn vào bếp nấu những món vợ con thích. Nhậu thì cũng nhậu cả năm rồi, lười biếng thì cũng thường xuyên, hời hợt thì cũng liên tục. Tết chính là những ngày đủ điều kiện về mặt thời gian để nhìn lại bản thân, hướng đến vợ con nhiều hơn và chăm chút từ những điều nhỏ nhất.

Tôi cũng thiết lập thói quen đưa vợ con về thăm hai bên gia đình nội ngoại. Không chỉ thăm hời hợt mà tôi tập cho các con quen với việc buông điện thoại, ngồi trò chuyện với ông bà. Tôi chia sẻ hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống, Tết xưa để truyền đạt lại cho con" - anh Phúc nói.

Anh Nguyễn Đăng Khương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Tết thì tôi thích nhất là được chở vợ đi mua sắm và chở mẹ đi chợ. Ngoài ra, thời gian mấy ngày Tết mà biết sử dụng đúng cách, rất giá trị".

Một người chồng "ra dáng đàn ông hẳn" trong ngày Tết, rõ là người biết chia sẻ việc nhà với vợ, chủ động kế hoạch tài chính để cả nhà có cái Tết ấm êm, đi đầu trong việc tạo không khí vui vẻ, đầm ấm và là người chủ chốt trong việc truyền đi giá trị tinh thần đoàn viên, gắn kết để có một cái Tết đáng nhớ.

Đàn ông 'cầm trịch' ngày Tết, tại sao không? - Ảnh 2.Tết xưa - Tết nay: Cánh đàn ông xúm lại, đồng loạt hô 'lên nêu'

TTO - Không biết người xưa đào hố thế nào, nhưng từ 23 đến ngày hạ nêu là mùng 7, cây nêu cao vọi ấy cứ đứng vững, ngạo nghễ cùng gió xuân. Còn cái mõ, gió thổi cái liễn bay phần phật thì mõ càng kêu vang. Đi xa ngoài đồng còn vọng tiếng lóc cóc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên