18/11/2021 08:16 GMT+7

Đan Mạch điều tra vụ án tiêu hủy 15 triệu con chồn hương

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Tuy có lý do để phòng ngừa virus lây sang người nhưng quyết định này bị xem là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm hiến pháp có từ năm 1849.

Đan Mạch điều tra vụ án tiêu hủy 15 triệu con chồn hương - Ảnh 1.

Người dân Đan Mạch biểu tình vào tháng 11-2020 để phản đối chuyện diệt chồn hương - Ảnh: Berlingske

Những ngày này, bất kể tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, công luận Đan Mạch vẫn rất quan tâm tới diễn biến cuộc điều tra về minksage - vụ án chồn hương, mà nhiều người gọi là "minkgate".

Minksage là việc bà Thủ tướng Mette Frederiksen quyết định tiêu hủy 15 triệu con chồn hương, được nuôi để lấy da lông, vào ngày 3-11 năm ngoái, do có một số con bị phát hiện nhiễm biến thể Cluster 5 của SARS-CoV-2. 

Tuy có lý do để phòng ngừa virus lây sang người nhưng quyết định này bị xem là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm hiến pháp có từ năm 1849. Chủ tịch Đảng Tự do tả khuynh Jakob Ellemann-Jensen gọi đây là "vụ bê bối dân chủ lớn nhất trong lịch sử Đan Mạch trong thời gian gần đây".

Diệt luôn một ngành công nghiệp

Đan Mạch chiếm 40% thị phần lông chồn hương của thế giới. Lông chồn ở đây cũng được đánh giá có chất lượng tốt nhất. Sau "minksage", không biết tới khi nào ngành công nghiệp quan trọng này mới có thể hồi sinh.

Tháng 6-2020, người ta phát hiện một số chồn hương tại 2 trang trại ở Jylland - nơi tập trung hầu hết các trại nuôi chồn - nhiễm biến thể Cluster 5. 

Một vài người trong trại cũng bị nhiễm nhưng không ai phải nhập viện. Ít lâu sau, một số trang trại khác cũng phát hiện chồn nhiễm Cluster 5. Đến đầu tháng 11-2020, có 216 trong tổng số 2.000 trang trại có dấu hiệu nhiễm virus.

Dựa trên bản đánh giá rủi ro của Viện Huyết thanh quốc gia (SSI), trong buổi họp báo ngày 4-11 năm ngoái của Ủy ban điều phối chống COVID-19, Thủ tướng Frederiksen tuyên bố tất cả chồn nuôi nên bị hủy vì Cluster 5 có nguy cơ làm suy giảm tác dụng của loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu. 

Giám đốc chuyên môn của SSI, Kåre Mølbak, cảnh báo trong trường hợp xấu nhất Đan Mạch có thể trở thành nơi phát sinh một đại dịch mới, như Vũ Hán.

Một ngày sau đó, chính phủ quyết định phong tỏa 7 thành phố ở Jylland và ngày 6-11 gửi lệnh tiêu hủy tất cả chồn nuôi tới các trang trại. Lệnh này được thực hiện ngay lập tức với sự tham gia của quân đội trong khi nhiều chủ trại vẫn chưa nhận được thông báo.

Tuy nhiên, khi được chính phủ yêu cầu đánh giá về tác động của các biến thể virus với vắc xin, ngày 9-11 Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch lại kết luận: "Những đột biến này dường như không có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vắc xin thế hệ đầu tiên".

Quốc hội Đan Mạch phải họp khẩn về sự việc. Đến ngày 10-11, Bộ Tư pháp ra văn bản nhận định sắc lệnh diệt chồn là bất hợp pháp, do quy trình có biểu hiện "vi phạm các quy định hành chính cơ bản" vì "can thiệp vào các quan hệ pháp luật của công dân mà không có sự tham gia của cơ quan pháp luật".

Hơn thế nữa, cũng không có cơ sở pháp lý trong Luật chống dịch để yêu cầu giết những con chồn nếu chúng không bị bệnh hoặc ở trong vùng dịch bệnh bị phong tỏa.

Thủ tướng thừa nhận có sai sót

Hôm 8-11-2020, trả lời thắc mắc của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Mogens Jensen xác nhận rằng trong buổi họp ngày 3-11-2020, Ủy ban điều phối đã không đề cập đến vấn đề pháp lý của lệnh tiêu hủy toàn bộ chồn, cũng không thảo luận về các vấn đề như đóng cửa ngành công nghiệp này tạm thời hay vĩnh viễn, bồi thường cho các doanh nghiệp... do đây là chuyện khẩn cấp.

Trước cáo buộc của một số nghị sĩ là "lạm quyền", Thủ tướng Frederiksen thừa nhận đã có một số "sai lầm" trong chuyện diệt chồn nhưng cho rằng Bộ trưởng Jensen là người chịu trách nhiệm, do đây là cách hệ thống cấp bộ hoạt động. Bà Frederiksen cũng khẳng định khi đưa ra quyết định này thì Ủy ban điều phối không biết là thiếu cơ sở pháp lý!

Giải thích này không được dư luận chấp nhận. Những cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của nhiều tầng lớp đã nổ ra tại thủ đô Copenhagen và Aarhus - thành phố lớn nhất tại Jylland. Bộ trưởng Jensen từ chức ngày 18-11 năm ngoái, còn Viện SSI nói họ không đề xuất việc giết tất cả chồn.

Ngày 10-12-2020, Quốc hội Đan Mạch đồng ý mở cuộc điều tra độc lập về minksage và lập ra "Ủy ban chồn hương", bắt đầu hoạt động từ 23-4-2021, để điều tra về vai trò và trách nhiệm của thủ tướng và các bộ trưởng cũng như cơ quan dân sự liên quan. Dự kiến tới đầu năm 2022 sẽ có kết luận sau cùng.

Trại chủ Kim Henriksen, người đã phải hủy 19.000 con chồn khỏe mạnh, nói với phóng viên báo Berlingske là anh "muốn công lý được thực hiện đầy đủ và những người đã đưa ra các quyết định phải chịu trách nhiệm". Anh thấy khó tin khi các chính trị gia liên quan không nhận thức được vấn đề pháp lý. Đây cũng là suy nghĩ chung của đa số người dân Đan Mạch.

Ngày 22-10, ủy ban bắt đầu thẩm vấn tất cả những cá nhân có liên quan đến vụ việc mà báo chí Đan Mạch gọi là "củ khoai nóng giữa các bộ". Ngày 9-12 sẽ đến lượt Thủ tướng Mette Frederiksen bị thẩm vấn. 

Tuy nhiên chứng cứ quan trọng là các tin nhắn qua lại giữa Bộ Thực phẩm, Bộ Y tế & sức khỏe và Văn phòng Thủ tướng, về mặt pháp lý của quyết định diệt chồn, đều đã bị hủy từ lâu do bà Frederiksen dùng biện pháp xóa tất cả các tin nhắn công vụ sau 30 ngày!

Chồn hương bị đối xử dã man để sản xuất Chồn hương bị đối xử dã man để sản xuất 'cà phê chồn'

TTO - Ông Nguyễn Văn Thái - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - cho biết như vậy và kêu gọi người dân không sử dụng "cà phê chồn" để góp phần bảo vệ loài này.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên