12/04/2018 14:59 GMT+7

Dân không nhụt chí!

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".

Dân không nhụt chí! - Ảnh 1.

Một câu hỏi đặt ra: với "tình trạng trên nóng dưới lạnh, sự chuyển biến chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực", sẽ có bao nhiêu người phải "dẹp sang một bên"?

Số cán bộ, công chức phải "dẹp sang một bên" có lẽ không ít, bởi các đánh giá chính thức về tình trạng tham nhũng gần như giữ nguyên mức độ: nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, niềm tin của người dân đang được nâng lên cùng với quyết tâm chính trị, thể hiện qua những hành động, chỉ đạo cụ thể, dứt dạt của Tổng bí thư đồng thời là người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Người dân chỉ mong "sức nóng" từ quyết tâm của Tổng bí thư lan truyền đến các cấp, các ngành, các lĩnh vực. "Một bộ phận không nhỏ" cán bộ, công chức có thể "nhụt chí", nhưng nhân dân thì không, bởi đại đa số người VN yêu nước đều "ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ".

Vấn đề đặt ra: phải làm thế nào để "dẹp" cái bộ phận còn "nhụt chí", còn đứng ngoài cuộc, thậm chí còn chống đối ấy sang một bên, để cho những người có bản lĩnh, có quyết tâm, những người yêu nước thương dân làm việc? Đây là câu hỏi không dễ trả lời và cũng không thể giải đáp nếu chỉ bằng một quyết tâm chính trị.

Để thực hiện được phương châm chỉ đạo của Tổng bí thư, có lẽ không gì hơn bằng việc thấm nhuần nguyên lý ngàn đời: lấy dân làm gốc. Cũng tại cuộc họp của Ban Bí thư ngày 10-4, Tổng bí thư nhận xét: "Vẫn chưa phát huy hết vai trò của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, công tác tự kiểm tra còn yếu, phê bình và tự phê bình còn nể nang, kiểm soát quyền lực chưa tốt, nhất là kiểm soát bằng cơ chế, chính sách".

Đơn cử, Việt Nam ban hành Luật phòng, chống tham nhũng từ năm 2005, đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi, nhưng có những nội dung trọng yếu đặt ra vẫn bàn đi thảo lại mà chưa đi đến đích, trong đó có những nội dung đã trở thành thông lệ quốc tế từ lâu rồi.

Ví dụ, muốn chống tham nhũng phải kiểm soát được tài sản, thu nhập; muốn kiểm soát được tài sản, thu nhập thì biện pháp đầu tiên là phải công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình. Vậy mà, qua bao lần sửa đổi, các bản kê khai tài sản của cán bộ vẫn không được công khai rộng rãi để nhân dân biết và giám sát. 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-4 bàn về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn nhận xét: "Cán bộ của ta hầu hết không phải là nghèo nhưng kê khai tài sản thì lại rất nghèo".

Thực trạng trên cho thấy muốn công cuộc chống tham nhũng, chống suy thoái thành công toàn diện, thì không thể thiếu vai trò của nhân dân. Nhân dân không nhụt chí, nhưng nhân dân cần được trao các công cụ hữu hiệu để hành động.

'Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm'

TTO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có ý kiến: 'Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.'

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên