Câu chuyện về những mảnh đời rổ rá khiến người ta phải đọc (Tuổi Trẻ từ ngày 27 đến 31-10). Ban đầu có thể chỉ là một chút hiếu kỳ, một chút tội nghiệp, thương hại những số phận không may mắn.
Năm người phụ nữ trong năm câu chuyện đều không đẹp, thậm chí như chị Ly “vé số” ở Vĩnh Long nói phải thật lâu mới ra tiếng, đi thì chân liêu xiêu như say rượu. Những biến cố khách quan và cả những lựa chọn có ý thức của các chị đã đưa những phụ nữ này trở thành trụ cột trong gia đình với nhiều nghịch cảnh đau lòng.
Thật ra không dễ để giải thích đầy đủ lý do vì sao những người phụ nữ đó lại có thể kiên cường vừa mưu sinh, vừa chăm sóc chồng con mắc bệnh nặng hoặc tật nguyền, và trên hết là nỗ lực phi thường để vun đắp cho gia đình dẫu không lành lặn. Những người phụ nữ đó có lý do của riêng mình.
Bước chân xiêu vẹo đi bán vé số hằng ngày của chị Ly là bước chân của niềm tin mãnh liệt vào tương lai tốt đẹp của những đứa con lành lặn. Bàn tay của “người mẹ kế” Nguyễn Thị Lành chăm sóc hai con riêng của chồng là bàn tay xoa dịu những nỗi đau của di chứng chiến tranh vẫn còn âm ỉ trong cuộc sống hòa bình. Hoặc đôi khi chỉ đơn giản là phải sống cho tròn vai như suy nghĩ của chị Lại đã 23 năm nuôi chồng bị bại liệt, con trai bị động kinh và mẹ chồng già yếu ở Phú Yên.
Điều khiến người đọc xúc động không chỉ có nghị lực, lòng tự trọng không muốn lợi dụng bệnh tật của chồng để kiếm sống mà còn là nụ cười, niềm vui những người phụ nữ đó mang lại cho chồng, cho con. Chính vì thế, người đọc không thể không suy ngẫm về niềm tin trong cuộc sống, về tinh thần lạc quan, cuộc sống có trách nhiệm mà những người phụ nữ đã đan kết trong gia đình “rổ rá” của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận