06/08/2019 21:13 GMT+7

Dân gặp chính quyền qua app điện thoại

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Chỉ cần mở ứng dụng "Đô thị thông minh Hải Châu" qua app điện thoại, người dân ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có thể phản ánh ngay với chính quyền các vấn đề về trật tự đô thị.

Dân gặp chính quyền qua app điện thoại - Ảnh 1.

Ứng dụng Đô thị thông minh Hải Châu đang dần trở nên quen thuộc với người dân địa phương - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhiều người dân ở đây đã quen với việc lướt điện thoại để phản ánh, thay vì phải đến phường hay chờ cuộc họp tổ dân phố hằng tháng.

Nhanh, tiện lợi

Anh Nguyễn Tướng - trú ở phường Thuận Phước (Q.Hải Châu), cho biết: trên con đường Lương Ngọc Quyến có tấm biển báo giao thông đã bị nghiêng và che khuất tầm nhìn của người đi đường. Ngay sau đó, người dân liền chụp hình và phản ánh lên ứng dụng Đô thị thông minh Hải Châu trên điện thoại vào ngày 17-7. 

Liền sau đó, UBND quận Hải Châu tiếp nhận thông tin và chuyển cho Công ty quản lý cầu đường xử lý, tháo biển báo nói trên.

Dân gặp chính quyền qua app điện thoại - Ảnh 2.

Hình ảnh người dân chụp và phản ánh về biển báo giao thông trên đường Lương Ngọc Quyến gửi đến Ứng dụng Đô thị thông minh Hải Châu


Dân gặp chính quyền qua app điện thoại - Ảnh 3.

Sau đó, biển báo giao thông đã được xử lý - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo anh Tướng, khi nghe có app - Ứng dụng Đô thị thông minh Hải Châu, anh đã thử tải về và cài đặt dễ dàng. "Mở app có mục gửi phản ánh mới, với hình ảnh vi phạm, phường, lĩnh vực, đường, mô tả sự cố. Trên mục phản ánh sẽ hiện lên bản đồ google map chỉ địa chỉ nơi xảy ra sự việc. Nói chung là rất nhanh và tiện lợi" - anh Tướng cho hay.

Tương tự, ngày 26-7, người dân trên đường Lê Lợi, Q.Hải Châu chụp hình và phản ánh việc tập kết và đổ rác gần số 40 Lê Lợi. Ngày hôm sau, chính quyền địa phương đã xử lý xong đồng thời đồng thời cắm biển báo tại đây. "Có biển báo không đổ rác từ đó đến nay không còn ai dám đổ nữa" - bà N.T.T trú đường Lê Lợi cho hay.

Dân gặp chính quyền qua app điện thoại - Ảnh 4.

Sau khi người dân phản ánh về việc tập kết, đổ rác trên đường Lê Lợi được gửi đến ứng dụng Đô thị thông minh Hải Châu, chính quyền địa phương đã xử lý - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ông Nguyễn Văn Thạnh - phó chủ tịch UBND phường Phước Ninh - cho biết sau hơn 3 tháng triển khai người dân trong phường đã dần quen với app Đô thị thông minh Hải Châu. "Nếu trước đây, bà con muốn phản ánh việc gì thì phải lên phường hoặc cuối tháng họp tổ dân phố, hay chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri, thì nay người dân có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi" - ông Thạnh cho hay.

Cũng theo ông Thạnh, ứng dụng này cũng giúp đội ngũ cán bộ phải năng động hơn, hiệu quả hơn, không có kiểu báo cáo "trật" vì phải có hình ảnh xử lý rõ ràng.

Tương tác thân thiện  

Ông Nguyễn Minh Huy - phó chủ tịch UBND quận Hải Châu chia sẻ, Hải Châu là quận trung tâm của TP, tốc độ đô thị hóa cao đặt ra nhiều thách thức mới đối với công tác quản lý đô thị. 

Những năm gần đây, hồ sơ hành chính lĩnh vực quản lý đô thị ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Trong khi, cơ quan quản lý hành chính không được tăng nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc mới.

Dân gặp chính quyền qua app điện thoại - Ảnh 5.

Quy trình hướng dẫn tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân trên ứng dụng

Mặt khác, việc quản lý trật tự đô thị ở quận hiện còn nhiều bất cập như: tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân còn chưa kịp thời, việc kiểm tra giám sát của lãnh đạo các đơn vị còn hạn chế; quy trình xử lý các kiến nghị còn nhiều chồng chéo giữa các cơ quan giải quyết… "Việc phát triển ứng dụng về quản lý đô thị trên điện thoại thông minh nhằm tạo một sự tương tác thân thiện giữa chính quyền quận với người dân" - ông Huy cho hay.

Thông qua ứng dụng, người dân trực tiếp phản ánh các vấn đề trật tự đô thị đến quận, phường và được trả lời trực tiếp kết quả thông tin mà họ phản ánh. Quận đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương liên quan.

Theo ông Huy, người dân chỉ cần tải app rồi gửi nội dung phản ánh thì lập tức cán bộ phụ trách lĩnh vực sẽ nhận được. Điều này khác rất nhiều so với kiểu truyền thống là phải qua khâu trung gian hoặc tiếp nhận rồi chuyển đến đơn vị chuyên môn. Ngoài ra, việc phản ánh đảm bảo tính bí mật, khách quan cho người dân.

Trên app thể hiện thời gian phản ánh, thời gian tiếp nhận, xử lý và báo cáo kết quả kèm hình ảnh. Cán bộ tiếp nhận sẽ đến hiện trường xử lý, cập nhật kết quả khắc phục, chụp hình gửi lên app. "Trong trường hợp, lãnh đạo kiểm tra chưa được thì yêu cầu cán bộ phải tiếp tục xử lý cho đạt", ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho biết, đối với những vụ việc khẩn cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân thì phải khẩn trương thực hiện để kịp thời xử lý, khắc phục trong khoảng thời gian tối đa 5 giờ làm việc; đồng thời thông tin cho người dân trên hệ thống phần mềm.

Với những vụ việc bình thường có thể xử lý ngay thì trong khoảng thời gian tối đa 4 ngày làm việc; riêng với phản ánh về trật tự xây dựng thì thời gian xử lý tối đa là 7 ngày làm việc.

Truyền cảm hứng từ lòng tốt qua  Tôi yêu Đà Nẵng Truyền cảm hứng từ lòng tốt qua Tôi yêu Đà Nẵng

TTO - Ban thi đua khen thưởng trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phối hợp với báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa cho ra mắt tập sách Tôi yêu Đà Nẵng.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên