10/10/2019 09:50 GMT+7

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ủng hộ nhưng đừng lạm dụng

ĐOÀN CƯỜNG - ÁI NHÂN - MINH KHÔI - THÂN HOÀNG
ĐOÀN CƯỜNG - ÁI NHÂN - MINH KHÔI - THÂN HOÀNG

TTO - Để hoạt động ghi hình được diễn ra đúng đắn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ đang thi hành công vụ thì cần có quy định chi tiết.

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ủng hộ nhưng đừng lạm dụng - Ảnh 1.

Theo dự thảo của Bộ Công an, người dân có thể ghi hình, giám sát lực lượng cảnh sát giao thông nhưng phải thực hiện đúng quy định - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đăng thông tin lên mạng xã hội cần phải chính danh

Trong trường hợp nào người dân được quyền gửi thông tin lên phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội? Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng cần tính toán cân nhắc quy định cho rõ. 

Ngoài ra việc ràng buộc trách nhiệm của người ghi âm, ghi hình và cung cấp thông tin cũng cần quy định rõ. Người cung cấp thông tin hình ảnh vi phạm của cảnh sát giao thông cần có địa chỉ, số điện thoại và chịu trách nhiệm việc cung cấp thông tin.

Cần nghiêm cấm việc lợi dụng ẩn danh để tung tin dù thông tin đó có thể là đúng, chính xác. Những quy định rõ ràng để hướng tới trật tự trên mạng xã hội. Người đăng tin phải có tên tuổi định danh cụ thể chứ không phải lấy tên ảo rồi tung hình ảnh không rõ ràng khiến dư luận hiểu lầm, hiểu sai.

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ủng hộ nhưng đừng lạm dụng - Ảnh 2.

Lê Công Nam đăng tải hình ảnh cảnh sát giao thông và có nhiều bình luận xúc phạm lực lượng chức năng trên Facebook. Ngày 30-9, Nam đã bị Công an tỉnh Nghệ An xử phạt 7,5 triệu đồng - Ảnh: Công an cung cấp

Ủng hộ người dân được ghi hình giám sát cảnh sát giao thông, nhưng đừng quá lạm dụng

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: ủng hộ nhưng đừng lạm dụng - Ảnh 3.

Thượng tá Lê Văn Lực


Thượng tá Lê Văn Lực (phó phòng cảnh sát giao thông - Công an TP Đà Nẵng) nêu ý kiến: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, ghi hình. 

Việc này cũng góp phần xây dựng lực lượng một cách chính quy, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử cho tốt hơn.

Việc giám sát các hoạt động tuần tra là quyền của người dân. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải hiểu việc không được quyền kiểm tra kế hoạch nhiệm vụ. Trong kế hoạch này có các nhiệm vụ, kế hoạch về mật phục, phục vụ công tác điều tra, phát hiện các hành vi vi phạm...

Thực tế tại Đà Nẵng, đa số các tuyến đường lớn đều có camera giám sát giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông ở đây cũng khá quen với việc này. Nên về tác phong, văn hóa ứng xử cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng cũng có "thương hiệu" riêng của mình. 

Việc người dân phản ảnh trung thực về một tổ công tác cảnh sát giao thông về cái làm được, cái chưa được cũng là một kênh thông tin cho lãnh đạo đơn vị. Anh em cảnh sát giao thông cũng không ngại gì, vì mình đâu có tiêu cực mà phải sợ.

Tuy nhiên tôi cũng lưu ý việc cố tình lạm dụng ghi hình, ghi âm cũng gây ức chế cho người làm nhiệm vụ. Sẽ có trường hợp người vi phạm giao thông cố tình gây ức chế để ghi hình lực lượng làm nhiệm vụ và xuyên tạc. 

Mà điển hình như vừa qua tại Đà Nẵng có một trường hợp đã vi phạm giao thông còn quay clip vu khống lực lượng làm nhiệm vụ. Sau đó người này đã đến xin lỗi lực lượng công an".

Cần có những quy định cụ thể

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: ủng hộ nhưng đừng lạm dụng - Ảnh 5.

Luật sư Nguyễn Huy Việt


Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ nhận định với Tuổi Trẻ"Cho phép người dân ghi hình để giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông và của cán bộ công an trong bảo đảm trật tự nói chung là quy định tiến bộ và phù hợp với xu thế tất yếu khi công nghệ phát triển mạnh như ngày nay (trong đó có công nghệ thiết bị ghi hình).

Cho ghi hình công khai thì người dân giám sát cảnh sát giao thông tốt hơn, hạn chế được lạm quyền, mâu thuẫn, xô xát, khiếu nại... không đáng có xảy ra trong quá trình hoạt động. Hoặc ngay như những hoạt động mà cán bộ công an thường tiếp xúc với người dân như kiểm tra hành chính, làm việc với người dân để xác minh...

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là để hoạt động ghi hình được diễn ra đúng đắn và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ đang thi hành công vụ thì cần có quy định chi tiết như: chỉ được ghi hình khi lực lượng đang thi hành công vụ; khoảng cách người dân ghi hình với lực lượng; không có lời nói xúc phạm, hành động quá khích, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ...

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên có quy định cảnh báo việc người ghi hình không được sử dụng, phát tán hình ảnh ghi được (nhất là môi trường mạng Internet) vào các mục đích xúc phạm, vu khống, bôi nhọ lực lượng... Quy định cụ thể như vậy để tránh tình trạng một số trường hợp người ghi hình kè kè theo lực lượng và gí điện thoại vào mặt gây cản trở hoạt động hoặc phát tán, cắt ghép trên môi trường mạng nhằm xuyên tạc, vu khống...

Việc cho phép người dân ghi hình là xu thế tiến bộ, bảo đảm dân chủ, minh bạch. Bởi lẽ với hình ảnh được ghi nhận trung thực, rõ ràng thì đó cũng là cách để người dân và cán bộ, chiến sĩ tự giám sát hành động lẫn nhau.

Sẽ tránh được chuyện tiêu cực

Anh Nguyễn Tiến Dũng (tài xế taxi, ngụ Q.7, TP.HCM) cho rằng, theo dự thảo của Bộ Công an, người dân sẽ được phép ghi hình cảnh sát giao thông thì quá tốt. Như vậy người đi đường có quyền ghi hình công khai quá trình làm việc với cảnh sát giao thông. Trong khi lâu nay để tự bảo vệ cho mình khi gặp cảnh sát giao thông trên đường, chúng tôi vẫn gắn camera hành trình trên ôtô hoặc nhiều người làm việc với cảnh sát giao thông trên đường vẫn lén ghi hình bằng điện thoại.

Không ít trường hợp cảnh sát giao thông phát hiện bị người đi đường hoặc người vi phạm ghi hình thì ngăn cản, giật điện thoại hoặc xô xát với họ. Thậm chí khi người vi phạm ghi hình thì có những người lạ mặt không liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông cũng đến xô xát, giật điện thoại. Khi cho ghi hình công khai thì những tình huống mâu thuẫn vì bị ghi hình như trên sẽ hoàn toàn chấm dứt.

Mặt khác, khi cho phép ghi hình công khai thì cảnh sát giao thông sẽ không dám phạt sai, tiêu cực. Lúc đó họ chỉ có thể làm đúng theo quy định về xử phạt vi phạm giao thông. Vì vậy, tác động ngược lại thì tài xế hay người đi đường cũng sẽ ngán, không dám vi phạm vì "không năn nỉ, xin xỏ" được.

Dân Mỹ được ghi hình cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ

Ở Mỹ, người dân được phép ghi hình (chụp ảnh, quay phim, thu âm) cảnh sát giao thông khi họ đang làm nhiệm vụ. Nhưng cũng giống như các quyền khác được quy định bởi hiến pháp, quyền ghi hình cảnh sát có giới hạn riêng.

Người dân không được ghi hình cảnh sát đang làm nhiệm vụ nếu rơi vào 3 trường hợp sau: cản trở việc thi hành công vụ của cảnh sát, ghi hình một cách lén lút và vi phạm pháp luật.

Có 38 bang ở Mỹ cho phép người dân ghi hình cảnh sát nhưng không được cản trở công việc của cảnh sát. 12 bang còn lại yêu cầu phải có sự đồng ý từ các bên mới được ghi hình. Ngoài ra việc ghi hình cảnh sát là hợp pháp nếu nằm ở địa điểm công cộng, những nơi thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính quyền liên bang, ngoại trừ khu vực quân sự.

Cảnh sát đang điều tra hay đang thực thi công vụ không được phép xóa nội dung trên thiết bị của người ghi hình. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cảnh sát có quyền yêu cầu công dân dừng ghi hình nếu họ can thiệp vào công việc của cảnh sát hay phạm vào các trường hợp đã nêu trên.

Vẫn có nhiều trường hợp người dân xung đột với cảnh sát, thậm chí bị cảnh sát đe dọa hay bắt giữ vì hành vi ghi hình. Những trường hợp này sẽ được đưa ra tòa phân xử. Đây là thực tế phức tạp và lời khuyên là người dân nên hiểu luật và làm đúng luật để bảo vệ mình. Còn về phía cảnh sát, nhiều bang tại Mỹ bắt buộc cảnh sát phải đeo camera gắn trên người (bodycam) để hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ.

Thăm dò ý kiến

Bộ Công an vừa đề xuất người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Bạn nghĩ sao?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ Công an đề xuất người dân được ghi hình giám sát cảnh sát giao thông Bộ Công an đề xuất người dân được ghi hình giám sát cảnh sát giao thông

TTO - Dự thảo thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an đã bổ sung nội dung người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, ghi hình.

ĐOÀN CƯỜNG - ÁI NHÂN - MINH KHÔI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên