10/10/2019 08:16 GMT+7

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ghi sao cho đúng luật?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông...

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ghi sao cho đúng luật? - Ảnh 1.

Theo dự thảo thông tư của Bộ Công an, người dân được phép giám sát hoạt động của CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Công an đề xuất người dân có quyền giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông qua quan sát trực tiếp hoặc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ.

Bộ Công an vừa hoàn tất lấy ý kiến dự thảo lần cuối về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Dự thảo lần này thay thế thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009 và có một số nội dung mới so với dự thảo lần 2 được Bộ Công an lấy ý kiến từ cuối tháng 6. 

Dự thảo nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay.

Cụ thể hóa quyền giám sát của người dân

Theo dự thảo thông tư lần này, Bộ Công an đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của công an nhân dân, cảnh sát giao thông. Bộ Công an đề xuất người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. 

Việc giám sát này phải thực hiện theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông gồm: việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ.

Việc giám sát có thể được áp dụng theo hình thức thông qua các thông tin công khai của công an và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân; hay qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh.

Dự thảo thông tư cũng quy định thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an - cho biết việc người dân giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ đã được quy định trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, trong những lần công bố dự thảo lấy ý kiến trước đây mới quy định hình thức giám sát trực tiếp là quan sát bằng cảm quan thì "rất trừu tượng".

Sau khi tiếp thu các ý kiến phản hồi, Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho Bộ Công an bổ sung hình thức người dân được quyền giám sát bằng ghi âm, ghi hình để "cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân".

Ghi âm, ghi hình như thế nào?

Trao đối với Tuổi Trẻ, một nguyên cục phó Cục pháp chế, Bộ Công an đánh giá đề xuất người dân được ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông đi vào hướng hoạt động của cán bộ công an công khai minh bạch. Điều này thông qua việc người dân được giám sát. Đó là điều tốt nhưng sẽ có những khuynh hướng phức tạp nảy sinh ngoài mong muốn mà pháp luật chưa điều chỉnh cần nghiên cứu tiếp.

"Có nhiều cái phát sinh không lường hết nên phải có một số nguyên tắc, người dân có quyền thì cũng phải có nghĩa vụ. Bản thân người vi phạm trước tiên phải chấp hành hiệu lệnh, đưa xe vào nơi xử lý chứ chưa gì đã quay phim, tranh cãi đôi co thì rất phản cảm. Người dân cần biết giới hạn của mình đến đâu, quyền đến đâu để giám sát mà không làm ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng" - nguyên cục phó Cục pháp chế phân tích.

Cùng quan điểm, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng nhận định người dân có quyền ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong quá trình giám sát không được gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông. Cụ thể, trong những khu vực có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, người dân ghi âm, ghi hình sẽ phải giữ những khoảng cách nhất định.

"Trong trường hợp các tổ tuần tra kiểm soát, tổ công tác của lực lượng CSGT đang phối hợp với công an truy bắt tội phạm thì người dân cũng cần tránh việc ghi âm, ghi hình, thậm chí livestream gây cản trở đến hoạt động phòng chống tội phạm của công an. Người dân ghi âm, ghi hình giám sát cũng phải phù hợp để đảm bảo an toàn cho mình cũng như lực lượng thực thi công vụ" - ông Dũng đưa ra ví dụ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục cảnh sát giao thông - cũng cho rằng người dân ghi âm, ghi hình cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và không làm cản trở đến lực lượng đang thực thi công vụ.

Ở các khu vực cấm quay phim, chụp ảnh như khu vực quốc phòng, an ninh, kho đạn vũ khí đã được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì người dân phải tuân thủ.

"Cần phải xác định rõ, người dân dù được phép giám sát nhưng thực hiện phải có văn hóa, không thể cứ gí điện thoại vào mặt cán bộ. Nhiều clip trên mạng đã có hiện tượng như thế, rất phản cảm.

Thông tin thu lượm được nếu người dân phản ảnh trên mạng xã hội thì phải theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính khách quan, chính xác chứ không thể cắt ghép, bình luận sai gây ảnh hưởng danh dự nhân phẩm cá nhân theo Bộ luật dân sự. Cán bộ khi thực thi nhiệm vụ, người dân có thể ghi hình nhưng danh dự nhân phẩm của họ vẫn được pháp luật bảo vệ" - ông Nhật nói.

Dân được ghi hình cảnh sát giao thông: Ghi sao cho đúng luật? - Ảnh 2.

Người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, ghi hình nhưng không gây cản trở tác nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Công an rất cầu thị

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá dự thảo thông tư lần này có quy định người dân được ghi âm, ghi hình giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông là một quy định tiến bộ, điều đó chứng tỏ Bộ Công an đã rất cầu thị, lắng nghe dư luận. 

Trong hoạt động của cảnh sát giao thông bên cạnh việc làm tích cực vẫn có việc làm tiêu cực. Thời gian qua những hành vi tiêu cực chủ yếu được phát hiện qua giám sát của cộng đồng xã hội, trong đó có người dân và các phương tiện truyền thông.

"Tôi đánh giá cao Bộ Công an có cách nhìn khách quan và cầu thị. Tuy nhiên việc ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng thổi phồng lên những sơ suất, khuyết điểm. Chẳng hạn những sơ suất nhỏ trong tác nghiệp mà bị đẩy lên thành vi phạm trầm trọng hoặc bằng công nghệ chế tác thành hình ảnh khác, thông tin khác bóp méo sự thật thì phải ngăn cấm" - ông Vân đặt vấn đề.

Ông Vân phân tích thêm, Bộ Công an khi đưa quy định vào thông tư thì phải đảm bảo tính chặt chẽ, logic, không có kẽ hở. Thông tư cũng cần phải định nghĩa được hoàn cảnh nào và với loại hành vi nào người dân được ghi âm, ghi hình chứ không phải bất cứ cái gì liên quan đến CSGT hay cá nhân CSGT cũng ghi âm, ghi hình được. 

"Ví dụ ngoài giờ làm việc, cán bộ chiến sĩ ngồi cùng bạn bè mà sơ suất hành vi tác phong sinh hoạt nếu ghi âm, ghi hình đẩy thành sai phạm thì không nên. Còn nếu CSGT nhận mãi lộ, ngăn chặn tốc độ chủ phương tiện nào đó có bằng chứng rõ ràng đang thực hành sai quyền hạn thì ghi âm, ghi hình là chính đáng" - đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đưa ra ví dụ.

Theo ông Vân, quy trình xử lý thông tin cũng phải quy định rõ ràng từng bước làm sao đảm bảo nhanh nhất, chính xác nhất. Sau khi ghi âm, ghi hình, có căn cứ xác định vi phạm đã diễn ra trên thực tiễn thì người dân có quyền lựa chọn một trong những cách truyền đạt thông tin đến người có thẩm quyền xem xét xử lý.

Họ có thể trực tiếp gửi tư liệu thông qua hộp thư điện tử hoặc trang web thuộc lực lượng CSGT. Còn công an cần quy định bao nhiêu lâu cơ quan phải vào cuộc điều tra làm rõ và thời gian bao lâu thì phải trả lời người cung cấp thông tin.

Chia sẻ thêm, đại tá Nhật cho rằng ngoài quy định quyền được giám sát trực tiếp ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT, trong dự thảo thông tư Bộ Công an cũng nêu rõ công dân khi giám sát và thông tin, phản ảnh lên các phương tiện truyền thông, phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin mình cung cấp.

"Về quy trình tiếp nhận thông tin và giải quyết đã được quy định trong nhiều văn bản, tiếp nhận qua nhiều kênh thông tin. Bộ Công an đã có quy định tiếp nhận thông tin phản ảnh hoạt động của cán bộ chiến sĩ, cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra xác minh theo quy định, thông tư riêng của ngành. Cán bộ xác định có hành vi vi phạm thì kỷ luật theo quy định" - đại tá Nhật chia sẻ.

Thăm dò ý kiến

Bộ Công an vừa đề xuất người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Bạn nghĩ sao?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ Công an đề xuất người dân được ghi hình giám sát cảnh sát giao thông Bộ Công an đề xuất người dân được ghi hình giám sát cảnh sát giao thông

TTO - Dự thảo thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an đã bổ sung nội dung người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, ghi hình.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên