19/10/2018 12:23 GMT+7

Dân đề nghị xử thật nặng dự án BOT làm ăn gian dối

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới một tháng đã hư hỏng, biến dạng, lõm cục bộ, bong tróc, chi chít “ổ gà”. Người dân bất an với những điều đã và đang diễn ra ở các dự án BOT giao thông.

Dân đề nghị xử thật nặng dự án BOT làm ăn gian dối - Ảnh 1.

Công nhân cào xúc lớp nhựa mặt đường hư hỏng để phủ lại lớp nhựa đường mới tại Km 27 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn Quảng Nam) ngày 15-10 - Ảnh: LÊ TRUNG

Liệu rằng việc kiểm soát chất lượng công trình đã được quan tâm đúng mức chưa?

Ai du di cho ai?

Với các dự án sử dụng vốn ngân sách có ban quản lý dự án đại diện Nhà nước làm chủ đầu tư, quản lý trình tự dự án. Ở dự án BOT, nhà đầu tư có quyền tự thực hiện hoặc thuê các nhà thầu làm công tác khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công, kể cả lập phương án hoàn vốn và có lợi nhuận... 

Vì vậy, khó khách quan trong phối hợp từ khâu lập các thủ tục đến thi công, nghiệm thu. Những phần việc lấp khuất như nền, móng, hạ tầng ngầm nếu không chứng kiến rất khó kiểm tra.

Hiệu quả dự án, chất lượng công trình phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định việc chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nhưng hầu hết các dự án đều hướng đến chỉ định thầu với lý do: công trình cấp bách, liên quan đến công nghệ, chỉ có một đơn vị đăng ký tham gia... Điều này dễ xảy ra lợi ích nhóm, nhiều rủi ro, phần thiệt thường thuộc về Nhà nước.

Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định bảo hành công trình "không ít hơn 24 tháng đối với công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I", "không ít hơn 12 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp còn lại". 

Nhiều công trình sớm hoàn thành, quyết toán chi phí xong, nhiều hạng mục thi công hư hỏng khi vừa hết hạn bảo hành. Việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng phải sử dụng ngân sách.

Chất lượng quá tệ ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hôm nay sự thật đã hé mở phần nào. Cần thanh tra làm rõ những tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối và có chế tài nghiêm khắc, thậm chí không cho tham gia các dự án giao thông sau này. 

Xử lý du di, xuề xòa với chủ đầu tư và nhà thầu những công trình kém sẽ tái diễn những sai phạm lặp đi lặp lại trong các dự án giao thông.

Nên cân nhắc chọn nhà đầu tư

Đường hư phải khắc phục, đó là chuyện cần làm. Nhưng người dân không thể chấp nhận mỗi khi có sai phạm là kiểm điểm, rút kinh nghiệm một vài cá nhân. Cần một chế tài đủ mạnh, quy trách nhiệm cụ thể. Đồng thời cần phương thức quản lý sao cho không tạo kẽ hở, không để ai lợi dụng kẽ hở quy định để tư lợi và gây thiệt hại cho công trình.

Có một thực tế: nhiều nhà đầu tư dự án BOT không có đủ vốn tối thiểu, sử dụng vốn vay làm dự án BOT. Nếu vay từ Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản đã dùng tiền nhà nước để làm dự án, khác gì "lấy tiền từ túi này bỏ qua túi kia". 

Nhà nước cũng phải chi vốn, không giảm gánh nặng ngân sách, còn chịu chi phí để nhà đầu tư có lợi nhuận và cả lãi suất ngân hàng cũng được tính cả vào chi phí dự án. 

Khoản lợi nhuận và lãi vay (thường không dưới 15% giá trị công trình) của những công trình hàng chục ngàn tỉ đồng là một khoản rất lớn. Đó là khoản thiệt hại chung cho xã hội khi chọn nhầm nhà đầu tư BOT.

Cần đơn vị chuyên biệt thẩm định chặt chẽ năng lực nhà đầu tư BOT, không để lọt những nhà đầu tư yếu kém. Đơn vị này có thể kiểm soát trình tự thủ tục, chất lượng, khối lượng, tiến độ, giá trị thật của công trình. Quy định bảo hành công trình tương ứng từng hạng mục có thể kéo dài thời gian, trách nhiệm nhà đầu tư.

Nên công khai thông tin dự án. Theo đó, nhà đầu tư sẽ dễ dàng tìm hiểu dự án, biết có lợi nhuận sẽ tham gia, người dân có thể theo dõi, giám sát... 

Cần khuyến khích phản biện dự án và xác định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân được ủy quyền đại diện Nhà nước từ khâu đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT.

Trong xây dựng, chất lượng công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Việc này cần có sự quản lý xuyên suốt, liên tục, không thể trông đợi ở sự tự giác của nhà đầu tư BOT. Nếu chờ đến khi hoàn thành, nhà đầu tư mời tham gia nghiệm thu, cơ quan nhà nước mới đi kiểm tra, nếu phát hiện các bất cập ảnh hưởng chất lượng xây dựng cũng xem như việc đã rồi!
Xử lý nghiêm vụ hỏng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Xử lý nghiêm vụ hỏng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được sửa xong Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được sửa xong Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Nhà thầu có nhiều vi phạm Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Nhà thầu có nhiều vi phạm
TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên