Thứ bảy 19-10, ông Điệp vẫn tiếp người dân Thủ Thiêm ngay trụ sở tiếp công dân trung ương tại TP.HCM (số 35 Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân) - Ảnh: ÁI NHÂN
Ông NGUYỄN HỒNG ĐIỆP - trưởng Ban Tiếp công dân trung ương - đánh giá như vậy khi nói về tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tại nhiều địa phương đã khiến người dân kéo ra Hà Nội.
Theo ông Điệp, cũng chính từ những bất cập trong công tác tiếp dân nên từ đầu năm 2019 đến nay, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - tổ trưởng Tổ công tác 1849 của Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trung ương đã tổ chức tiếp dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân ở TP.HCM.
Đồng thời, các cơ quan trên cũng phối hợp với các tỉnh thành khác để tiếp dân và giải quyết những khiếu nại kéo dài, phức tạp tại cơ sở.
Đừng giải quyết nội bộ rồi bắt dân thực hiện
* Thưa ông, tại sao người khiếu nại thường tìm ra Hà Nội?
- Đa số người dân khi họ quá bức xúc, muốn các cơ quan trung ương vào cuộc thì mới ra Hà Nội. Đó là những việc địa phương giải quyết hết thẩm quyền mà họ vẫn chưa đồng ý thì mới ra Hà Nội.
* Vậy nguyên nhân nào khiến người dân chưa đồng ý?
- Đó là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không dân chủ, công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước giải quyết tự kiểm tra nội bộ, rồi đưa ra kết luận bắt dân thực hiện. Người dân vừa thấy không được tôn trọng vừa thấy nội dung kết luận không phù hợp với bản chất sự việc mà họ đang khiếu nại.
Người dân không hài lòng thì khó thuyết phục, tuyên truyền, vận động họ thực hiện.
Công khai, giải quyết đến cùng
* Vậy cần làm gì để người dân đồng thuận với kết quả giải quyết khiếu nại?
- Để tạo sự đồng thuận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người dân cần 3 yêu cầu: Thứ nhất, cần công khai, minh bạch quá trình giải quyết và phải để cho người dân được giám sát. Thậm chí nên công khai trước khi báo cáo Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng để ban hành kết luận.
Thứ hai, tăng cường đối thoại - đối thoại thật, lắng nghe người dân và giải quyết dứt điểm khiếu nại từ khi mới phát sinh. Người giải quyết phải đối thoại chứ không ủy quyền, thậm chí phải đối thoại nhiều lần, đưa ra các bằng chứng để thuyết phục người dân.
Thứ ba, quan điểm người giải quyết phải gần gũi với quyền lợi của người dân, chứ không phải giải quyết kiểu máy móc theo quy định, thậm chí giải quyết qua loa lần một, lần hai rồi hướng dẫn người dân ra tòa là xong.
* "Quan điểm người giải quyết phải gần gũi với quyền lợi của người dân" được hiểu như thế nào trong khi có vẻ luôn có cự ly giữa người giải quyết với người khiếu nại?
- Tôi cho rằng người giải quyết khiếu nại phải có tư tưởng "bốn đến cùng". Thứ nhất, giải quyết đến cùng vụ việc (nhất là nếu người dân oan sai) mà không sợ dắt dây, va chạm với những người cũ.
Thứ hai, phải tuyên truyền, giải thích đến cùng cho người dân được thông, chứ không lấy mệnh lệnh hành chính để áp đặt.
Thứ ba, hỗ trợ đến cùng. Bởi có hỗ trợ đến cùng thì người dân mới tin yêu, ủng hộ chính quyền.
Thứ tư, phải xử lý đến cùng. Không thể chấp nhận người dân vi phạm thì xử lý, thậm chí hình sự, còn cán bộ góp phần gây ra hậu quả đấy thì xử lý kéo dài theo quy trình khiến người dân không phục.
Tăng cường tiếp dân tại địa phương
* Khi các địa phương giải quyết khiếu nại còn nhiều tồn tại, người dân vẫn ra Hà Nội hi vọng như là cứu cánh. Theo ông, cần có giải pháp nào cho việc này?
- Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - tổ trưởng Tổ công tác 1849 - chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục tăng cường đối thoại tại cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương với địa phương để giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp tại cơ sở khi vừa phát sinh.
Địa phương nào còn để người dân ra Hà Nội khiếu nại thì phải ra đón về và mời lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cùng tham gia đối thoại tại địa phương. Những trường hợp như vậy sẽ đề xuất thanh tra trách nhiệm lãnh đạo địa phương, thanh tra cả quá trình giải quyết vụ việc.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ đạo các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp mà người dân yêu cầu, điện thoại thì Ban Tiếp công dân trung ương sẽ bố trí tiếp. Thay vì người dân phải vất vả, tốn kém ra Hà Nội thì chúng tôi tiếp dân tại trụ sở tiếp dân ở TP.HCM.
* Hiệu quả của Tổ công tác 1849 và chủ trương tăng cường tiếp dân, đối thoại tại địa phương của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan trung ương như thế nào?
- Theo ghi nhận, giữa hai kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khóa XIV (từ ngày 15-6 đến 4-10-2019) tình hình tiếp công dân khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân trung ương có giảm về số lượt người, số vụ việc so với trước. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người lại tăng, chủ yếu là các vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tiếp nhiều lần.
Tổ công tác 1849 đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với địa phương giải quyết một số vụ việc khiếu nại phức tạp như ở Hải Dương, Quảng Ngãi... Với việc vào cuộc quyết liệt, công tác giải quyết khiếu nại đã có một số kết quả bước đầu, nhưng cần làm tốt hơn nữa để tránh xảy ra những việc khiếu nại phức tạp thời gian tới.
Tổ công tác 1849 của Chính phủ được thành lập đầu năm 2019 nhằm chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự…
Tổ công tác sẽ trực tiếp kiểm tra một số địa phương về việc thực hiện Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các chủ trương của trung ương, của Chính phủ về việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận