09/01/2014 22:47 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người thầy sống mãi trong lòng sinh viên

KIỀU LINH
KIỀU LINH

TTO - “Trong suốt cuộc đời ba tôi vẫn nói với chúng tôi rằng: nếu không có chiến tranh ba vẫn là một thầy giáo” - ông Võ Hồng Nam chia sẻ chân thành với sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội trong lễ ra mắt cuốn sách viết về cha mình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo.

Mời bạn đọc xem các tin bài về Đại tướng Võ Nguyên GiápĐúc súng thần công tặng khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên GiápKhánh thành đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

QEzr3ATq.jpgPhóng to
Các nhà giáo, nhà khoa học chia sẻ với sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Suốt hôm nay, 9-1, cả sân Trường đại học Sư phạm Hà Nội đông vui, náo nhiệt. Hàng nghìn người, từ học sinh đến sinh viên, cựu sinh viên tề tựu về trường để dự lễ ra mắt cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo.

Các sinh viên của trường đã có hơn một tiếng để lắng nghe chia sẻ của các nhà giáo, nhà khoa học về Đại tướng - người thầy đã trở về với “thế giới người hiền”.

Không giấu nổi xúc động, ngay từ lúc bắt đầu trò chuyện với sinh viên, nhà sử học Dương Trung Quốc đã thốt lên rằng: “Cuốn sách không chỉ nói đến chiến công hiển hách của Đại tướng mà còn nói về một người thầy gắn bó với thế hệ trẻ. Các bạn sinh viên - chính những người đang ngồi đây - chúng ta phải tự hào về điều đó”.

“Có một bạn hỏi tôi rằng: Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết ngắn của cháu nội Võ Hoài Nam về tình cảm của ông đối với cháu trong gia đình, đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc quan niệm “Con phải có chí và trí thì sẽ thành công”, điều gì khiến Đại tướng có phẩm chất ấy?… Tôi trả lời rằng Đại tướng của chúng ta là người tiếp thu giá trị truyền thống từ ông cha, lấy ba chữ trung - hiếu - nghĩa làm trọng. Trong bối cảnh đất nước là thuộc địa, ông cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân nhưng vẫn tiếp thu những quan điểm xuất sắc phương Tây. Chính điều này đã khiến ông có quan niệm luôn tin cậy thế hệ trẻ - trong đó có con cháu của mình” - nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại.

Là người vinh dự viết lời giới thiệu cuốn sách, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc chia sẻ: “Đại tướng luôn luôn suy nghĩ về nền giáo dục nước nhà. Trong các chuyến đi công tác và những buổi làm việc ở văn phòng, không lần nào nói về giáo dục mà Đại tướng lại quên các nhà giáo. Đại tướng không vui một chút nào nếu thấy trong đội ngũ chúng ta có những người xấu. Một nỗi day dắt có lẽ cả đời Đại tướng là đời sống của giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa cực kỳ khó khăn. Đại tướng còn nhớ y nguyên hình ảnh cô giáo leo từ lưng đồi hàng trăm mét chỉ để múc một chậu nước. Những chuyện này ông luôn nhắc lại sau những bữa cơm trưa ở Tây nguyên”.

Từ những câu chuyện xúc động kể về đời sống giản dị, phong thái làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên bộ trưởng Phạm Minh Hạc nhắn nhủ với sinh viên rằng: “Chúng ta hãy nhớ câu nói của Đại tướng: Muốn có một xã hội tốt thì phải có nền giáo dục tốt. Tôi muốn nói rằng các bạn đang ngồi ở trường mai đây sẽ là những giáo viên tỏa đi muôn phương, sẽ đóng góp vai trò to lớn trong xây dựng xã hội độc lập, đất nước phồn vinh. Vì thế các bạn phải bồi dưỡng và phát huy chí của thế hệ trẻ Việt Nam và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Hai điều đó quyết định số phận của dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”.

Còn trong ký ức của đại tá Trịnh Nguyên Huân - thư ký khoa học của Đại tướng - là: “Lần đầu tiên gặp Đại tướng, tôi gọi Đại tướng là “anh Văn”. Trong suốt 37 năm vẫn là “anh Văn” mặc dù Đại tướng là Đại tướng tổng tư lệnh và tôi chỉ đáng tuổi con. Tôi được sống trong bầu không khí làm việc mà Đại tướng đề cao người giúp việc cho mình phải trung thực, có chính kiến và bảo vệ chính kiến của mình. Đại tướng không bao giờ quan tâm tôi đeo quân hàm gì mà quan tâm đến làm việc hiệu quả của tôi như thế nào. Cho đến bây giờ ngồi đây, tôi vẫn hình dung Đại tướng sờ trên vai khi tôi đang ngồi viết trên bàn như người ông, người cha của mình”.

“Đọc xong cuốn sách mình đã hiểu được nhiều hơn về Đại tướng trong cuộc đời làm khoa học, giáo dục và đào tạo. Trên tất cả những gì mình muốn gửi gắm chính là lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm ngưỡng mộ với Đại tướng - người thầy mãi mãi sống trong lòng sinh viên” - Nguyễn Thị Phương, cựu sinh viên khoa văn học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ.

KIỀU LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên