Theo Đại tướng Phan Văn Giang, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
“Một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại pháp lệnh nói trên không phù hợp với quy định của Hiến pháp”, bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Cụ thể, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ.
Công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ.
Ông Giang cũng đề cập tới tình trạng xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…
“Những bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập thực tế phát sinh”, bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, ủy ban này nhất trí về sự cần thiết ban hành luật.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng công trình quốc phòng và khu quân sự phần lớn gắn liền với đất đai, hiện nay ở một số địa phương đang còn xảy ra lấn chiếm, tranh chấp.
Báo cáo thẩm tra dẫn lại báo cáo của Bộ Quốc phòng từ năm 2022 có nêu tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp, tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra.
Hiện còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong.
Trong khi đó, việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu các nội dung về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi.
Đồng thời có giải pháp đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, đồng bộ, thống nhất với các dự án luật đang được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
“Nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp để xử lý những vấn đề tồn đọng, bảo đảm tính khả thi”, theo ông Tới.
Với 6 chương, 34 điều, theo Đại tướng Phan Văn Giang, nội dung dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 50/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết số 22 ngày 28-2-2022, gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận