03/06/2021 11:14 GMT+7

Đài Trung Quốc kể về tuổi thơ làm nên con người Tập Cận Bình

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Đài CGTN ngày 2-6 đã tập hợp những câu chuyện thời thơ ấu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6. Bài viết xuất hiện chỉ một ngày sau khi ông Tập kêu gọi xây dựng hình ảnh Trung Quốc tích cực hơn trên thế giới.

Đài Trung Quốc kể về tuổi thơ làm nên con người Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình (bìa trái) chụp ảnh cùng cha và em trai năm 1958 - Ảnh chụp màn hình CGTN

"Hãy cùng khám phá xem Chủ tịch Tập đã trải qua thời thơ ấu của mình như thế nào và liệu những trải nghiệm này có làm nên con người của ông hay không", Đài CGTN giới thiệu. 

Đài truyền hình chuyên đối ngoại của chính quyền Bắc Kinh sau đó liệt kê những câu chuyện tuổi thơ của ông Tập, trong đó có chuyện ông khóc và những lời mẹ dạy mà ông luôn ghi nhớ. 

Mở đầu là câu chuyện về tính tiết kiệm và giản dị. Theo CGTN, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng (cha là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân), ông Tập có "lối sống thanh đạm" ngay từ nhỏ. 

CGTN sau đó chứng minh bằng mẩu chuyện được ông Tập kể khi còn là bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang. Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình quốc gia CCTV năm 2003, ông Tập nhớ lại những năm tháng thơ ấu được cho mặc những bộ quần áo thêu hoa của các chị trong nhà để tiết kiệm.

Một câu chuyện khác liên quan gia đình được ông kể năm 2017 khi đến thăm các vận động viên khúc côn cầu trên băng. Theo CGTN, nhìn các em tập luyện, ông Tập hồi tưởng thời niên thiếu thích trượt băng và luôn mơ ước có một đôi giày chuyên nghiệp.

Tập Viễn Bình - em trai ông Tập - thích chơi khúc côn cầu trên băng nhưng nhà chỉ đủ điều kiện mua một đôi giày trượt băng. Cuối cùng, theo CGTN, ông Tập đã nhường lại đôi giày cho em trai.

Năm 2014, ngay trước Ngày quốc tế thiếu nhi, ông Tập (lúc này đã là tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc) đến thăm một trường tiểu học ở quận Hải Điến của Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp với các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong của trường, ông kể mình từng khóc vì muốn gia nhập tổ chức này nhưng chưa đủ tuổi nên không được kết nạp. 

"Có xấu hổ khi khóc vì điều này không nhỉ?", ông Tập hỏi khiến các em học sinh cười thích thú vào lúc đó.

Kết thúc câu chuyện khóc của mình, ông Tập kêu gọi các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Trung Quốc sẵn sàng tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đài Trung Quốc kể về tuổi thơ làm nên con người Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo gần gũi với người dân, một con người của gia đình. Trong ảnh: ông Tập đạp xe chở con gái. Đây được xem là bức ảnh hiếm của ông và con gái được công bố - Ảnh chụp màn hình

Cũng trong chuyến thăm đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp các em học sinh viết thư pháp cụm từ "Tận trung báo quốc". Chứng kiến việc này, ông Tập kể lại chuyện về mẹ mình.

"Tận trung báo quốc" là câu chuyện về Nhạc Phi, một vị tướng có lòng yêu nước. Mẹ của Nhạc Phi đã xăm 4 chữ này lên lưng ông để nhắc nhở con trai về lòng trung thành với đất nước.

Mẹ của ông Tập, bà Tề Tâm, đã mua tặng ông quyển sách có câu chuyện về Nhạc Phi. "Tôi rất hứng thú với câu chuyện đó. Tôi nói với mẹ 'chắc phải đau lắm khi xăm những chữ đó trên lưng mình' nhưng bà chỉ nói dù rất đau, Nhạc Phi sẽ mãi ghi nhớ điều đó", ông Tập kể với các em thiếu nhi.

"Tận trung báo quốc vì lẽ đó đã trở thành mục tiêu theo đuổi suốt cuộc đời tôi", nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ.

Những mẩu chuyện về tuổi thơ của ông Tập được đăng tải chỉ một ngày sau khi ông kêu gọi xây dựng hình ảnh Trung Quốc tích cực hơn trên trường quốc tế.

Đài CGTN cho biết bài viết được đăng nhân việc ông Tập gởi thư cho thiếu nhi trên khắp Trung Quốc trong ngày 1-6, và việc ông hồi đáp thư của các em học sinh tỉnh Giang Tô.

Tại sao ông Tập muốn cải thiện hình ảnh Trung Quốc với quốc tế? Tại sao ông Tập muốn cải thiện hình ảnh Trung Quốc với quốc tế?

TTO - Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tạo ra một hình ảnh "đáng tin, đáng yêu, và đáng kính" cho Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều nước có cái nhìn tiêu cực về nước này và Bắc Kinh có ít quan hệ ngoại giao vững chắc với các nước lớn.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0