
Bác sĩ kiểm tra máy đo đường huyết cho bệnh nhân - Ảnh: THÙY DƯƠNG
"Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường type 1 dễ bị nhiều biến chứng, thậm chí có nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm... Thế nhưng, chỉ cần người bệnh tuân thủ điều trị sẽ hòa nhập tốt với cuộc sống.
Có không ít vận động viên nổi tiếng, đạt được những thành tích cao trong thể thao là những người mắc bệnh đái tháo đường type 1", TS Trần Quang Khánh - trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, giải thích.
Chích thuốc 4 lần/ngày nhưng vẫn tham gia 4 giải chạy
Anh Hồ Văn Quý, 35 tuổi, ngụ ở Q.8, TP.HCM được bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1, thể tối cấp.
Thời gian đầu, nghe bác sĩ nói bệnh của anh 1 ngày phải chích insulin đến 4 lần, anh Quý bị sốc vì thấy cuộc sống của mình bỗng phải gắn chặt với việc tiêm chích insulin.
Anh rất buồn nhưng nghĩ tới trách nhiệm làm chồng, làm cha, anh đã tự tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, chích thuốc mà bác sĩ đã dặn.
"Tôi đã được gắn máy theo dõi đường huyết trên tay để theo dõi được đường huyết. Từ những thông tin từ máy, tôi tự điều chỉnh lượng tiêm insulin cho chính xác. Mỗi ngày tôi chích insulin 3 lần trước bữa ăn 5 phút.
Cả 3 lần chích này, tôi đều tự chỉnh liều tiêm insulin theo lượng ăn uống của tôi. Đến 21h tối tôi chích thêm một lần nữa với lượng insulin theo đúng bác sĩ đã dặn", anh Quý kể lại chu kỳ sinh hoạt của mình.
Nhưng trong 3 năm qua, dù ngày nào cũng phải chích thuốc 4 lần, anh Quý vẫn tập chạy đều đặn và tham gia 4 giải chạy, trong đó có giải chạy 42km. Anh được các bác sĩ điều trị khen là một bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống tốt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Ngọc, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết khi thông báo bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1, bác sĩ phải hướng dẫn bệnh nhân cách chích insulin, cách ăn uống, tập thể dục...
Những bệnh nhân tuân thủ điều trị như anh Quý có trải nghiệm cuộc sống như người bình thường.
Nhưng rất ít bệnh nhân được như vậy, thực tế là nhiều bệnh nhân chích thuốc cho có, ăn uống thoải mái, lười vận động nên đã có những biến chứng như tê tay, tê chân, mờ mắt... Không ít bệnh nhân còn chán nản, suy sụp và lâu ngày còn bị bệnh trầm cảm.
Đái tháo đường type 1 thể tối cấp
Bác sĩ Khánh cho biết khi mắc bệnh đái tháo đường type 1 kinh điển bệnh nhân sẽ có hội chứng bốn nhiều. Đó là gầy nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều. Còn ở thể tối cấp, bệnh nhân không có hội chứng 4 nhiều mà đột ngột rơi vào tình trạng hôn mê.
Khi được thông báo mắc bệnh đái tháo đường type 1, đa số người bệnh đều ngỡ ngàng, nhiều bệnh nhân cảm thấy như đón nhận một... án tử.
Trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường type 1, TS Quang Khánh cho rằng ở độ tuổi từ thiếu niên sang thiếu nữ hoặc thiếu niên sang thanh niên (thường từ 10-15 tuổi), trẻ có một giai đoạn tâm lý rất phức tạp. Trẻ rất khó chấp nhận. Trẻ hay để đường huyết lúc lên rất cao, lúc lại xuống thấp. Chính vì vậy nhiều trẻ đã hôn mê, phải nhập viện.
Những biến chứng thường gặp ở bệnh đái tháo đường type 1 là bệnh võng mạc, trẻ sẽ bị giảm thị lực, bị mù, bị suy thận, lâu dài sẽ phải chạy thận nhân tạo, ghép thận.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường 40-50 tuổi mới mắc bệnh nên dễ kiểm soát bệnh hơn. Còn tiểu đường type 1 thường gặp ở những người dưới 35 tuổi, thậm chí có trẻ 4 tuổi đã mắc bệnh.
Nên chủ động theo dõi sức khỏe
Cho đến nay, chưa có cách nào phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 1. Bác sĩ Quang Khánh khuyên cần chủ động theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện những bất thường nghi ngờ mắc bệnh và nhanh chóng đi khám, tầm soát bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận