Bảo vệ dữ liệu bí mật là một thách thức lớn trên toàn thế giới khi tin tặc ngày càng có trình độ cao - Ảnh: GETTY / ISTOCK
Nhóm các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications rằng họ đã đạt được "giới hạn của sự tuyệt mật hoàn hảo", bằng cách tạo ra một con chip thay đổi mã khóa mỗi khi dữ liệu đi qua nó.
Giáo sư vật lý, thiên văn học Andrea Di Falco, Đại học St Andrew (Scotland), mô tả kỹ thuật này giống như việc hai người đứng nói chuyện với nhau bằng hai chiếc cốc giấy được gắn bằng dây. Nếu mất đi một chiếc cốc thì âm thanh sẽ không truyền được và mỗi lần sẽ được mở ra theo một cách khác nhau để nó không bao giờ bị tin tặc hack.
Các nhà khoa học tuyên bố kỹ thuật mới này là tuyệt mật và hoàn toàn không thể xâm nhập. Nó hoạt động bằng cách lưu trữ thông tin kỹ thuật số dưới dạng ánh sáng, sau đó được truyền qua một con chip silicon được thiết kế đặc biệt có chứa các cấu trúc uốn cong và khúc xạ ánh sáng nhằm làm xáo trộn thông tin. Yếu tố quyết định sự tuyệt mật chính là tính "uốn cong và khúc xạ" này mỗi lần lại khác nhau tùy thuộc vào dữ liệu cụ thể được gửi và truyền.
Hiện tại nghiên cứu này mới được công bố, chưa có thực nghiệm chứng minh cụ thể.
Trước đó, hồi tháng 10, hãng công nghệ lớn Google tuyên bố hệ thống máy tính lượng tử Sycamore của hãng này có khả năng thực hiện các phép tính "khủng" chỉ trong 200 giây, trong khi các máy tính bình thường phải mất hàng nghìn năm.
Các chuyên gia bảo mật từ lâu cũng lên tiếng cảnh báo rằng các phần mềm mã hóa đang sử dụng ngày nay sẽ hoàn toàn lỗi thời bởi sự xuất hiện của các thiết bị như vậy.
Phó giáo sư tại Đại học Khoa học và công nghệ King Abdullah (Saudi Arabia) Andrea Frirthocchi - trưởng nhóm nghiên cứu - cho rằng với sự ra đời của máy tính lượng tử và các kỹ thuật mới, tất cả các mã hóa hiện tại sẽ bị xâm nhập và bẻ khóa trong một thời gian rất ngắn, phơi bày sự riêng tư của cả thế giới ra ngoài.
Những mã hóa dữ liệu được tạo ra hiện nay rất nhanh và có thể lưu trữ lớn nhưng có thể bị các thuật toán lượng tử phá vỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận