14/02/2025 17:05 GMT+7

Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển chọn giáo sư thỉnh giảng từ tháng 3-2025

Ngày 14-2, Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký quyết định ban hành Chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM, trong đó sẽ ưu tiên 12 lĩnh vực.

Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển chọn giáo sư thỉnh giảng từ tháng 3-2025 - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Hải Quân giới thiệu về dự thảo Chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa qua mạng tại các đơn vị thành viên và trực thuộc đại học này.

Mời và bổ nhiệm được 100 giáo sư thỉnh giảng

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhằm khẩn trương triển khai nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả nghị quyết số 19-NQ/ĐU, Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng Chương trình giáo sư thỉnh giảng với mục tiêu mời và bổ nhiệm được 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030.

Riêng các năm 2025, 2026, Đại học Quốc gia TP.HCM mời và bổ nhiệm được 50 giáo sư thỉnh giảng.

Chương trình này sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistics mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, lịch sử, văn hóa Việt Nam…

Đối tượng bổ nhiệm là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật; đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ ở nước ngoài;

Có hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cho Đại học Quốc gia TP.HCM nói riêng và cho Việt Nam nói chung.

Cá nhân tham gia chương trình phải đáp ứng các tiêu chí chung: có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế, sản phẩm công nghệ…

Sẵn sàng tham gia các hoạt động giảng dạy bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, tổ chức hội thảo khoa học, hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế, hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.

Bên cạnh đó, còn có các tiêu chí cụ thể: đối với các cá nhân đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu: có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm giảng dạy hoặc nghiên cứu nếu chỉ có bằng tiến sĩ hoặc hiện đang là giáo sư/phó giáo sư tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín.

Đối với các cá nhân đang công tác tại các tập đoàn, tổ chức quốc tế: có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm thực tế tại các công ty, tập đoàn hoặc tổ chức có uy tín trong lĩnh vực liên quan; từng giữ các vai trò quan trọng như chuyên gia kỹ thuật, quản lý hoặc trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D); có kinh nghiệm điều hành hoặc tham gia các dự án lớn, đặc biệt là những dự án có yếu tố đổi mới sáng tạo hoặc ứng dụng công nghệ.

Mức thù lao cạnh tranh dành cho giáo sư thỉnh giảng

Ứng viên trúng tuyển chương trình này sẽ được hưởng nhiều quyền lợi: được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TP.HCM; được hỗ trợ thủ tục pháp lý, visa, thủ tục xuất/nhập cảnh, chi trả chi phí đi lại, lưu trú trong thời gian làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM theo quy định.

Mức thù lao cạnh tranh dựa trên số giờ giảng dạy, đồng hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động khác phù hợp với quy định; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thông qua cơ chế đồng chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia đề tài/dự án; tiếp cận cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và hệ thống tài nguyên khác của Đại học Quốc gia TP.HCM để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu…

Ứng viên phải được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức đang công tác. Tuân thủ các quy định của cơ quan, tổ chức đang công tác cũng như quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, nhất là các quy định về bảo mật thông tin, sở hữu trí tuệ và liêm chính học thuật.

Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Mỗi năm dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tháng 5-2025 sẽ bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng đợt đầu tiên

Tháng 2-2025: Thành lập hội đồng tuyển chọn và công bố thông báo.
Tháng 3-2025 đến 4-2025: Tiếp nhận và đánh giá hồ sơ.

Tháng 5-2025: Ban hành quyết định bổ nhiệm.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM ký và công bố quyết định bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng cho các cá nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Thời hạn bổ nhiệm tối đa là 5 năm, tối thiểu là 1 năm và có thể tiếp tục gia hạn.

Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình khoa học và công nghệ, các đơn vị và các nguồn lực khác.

Đại học Quốc gia TP.HCM tuyển chọn giáo sư thỉnh giảng từ tháng 3-2025 - Ảnh 3.Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu tự bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng

Năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai Chương trình giáo sư thỉnh giảng, với mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên