17/12/2013 05:11 GMT+7

Đại học không là con đường duy nhất

NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

TT - “Tôi muốn con sau này đi chăn bò” (Tuổi Trẻ 16-12) là một câu chuyện rất hay đáng để mọi người suy ngẫm cho cái gọi là sự hám danh trong xã hội ngày nay.

Tôi muốn con sau này đi chăn bòChăn bò có học chẳng tốt hơn sao?!

Đã là cha mẹ thì ai cũng muốn con mình học giỏi, thành đạt để nở mặt nở mày với mọi người và sự thành đạt ấy được kiểm chứng qua các kỳ thi đại học. Hình như phụ huynh nào cũng muốn con mình thi đậu đại học chứ ít ai chịu an phận cho con mình thi vào trường cao đẳng. Cũng bởi tư tưởng làm thầy bao giờ cũng hơn làm thợ nên dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa thầy và thợ bao năm qua trong xã hội. Số lượng sinh viên đại học ra trường quá nhiều trong khi nhu cầu tuyển dụng ít thì làm sao sinh viên ra trường không bị thất nghiệp! Vì sao lại có nghịch lý này?

Nhiều người cứ hi vọng con mình thi đậu đại học trong khi khả năng hạn chế. Khi con thi rớt, họ xem con là đứa hư hỏng. Nhiều em đã phải tự tử vì không chịu nổi sự dằn vặt của cha mẹ. Cũng bị bệnh sĩ mà các bậc cha mẹ đã tạo áp lực cho con. Khi con thi rớt đại học thì cha mẹ cần an ủi, động viên con. Điều quan trọng là cha mẹ phải chỉ cho con thấy đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời.

Tuy nhiên cũng có rất nhiều thí sinh dù thi rớt đại học nhưng các em không hề buồn khổ vì ý thức được sức học của mình. Cha mẹ các em cũng không trách việc các em thi rớt. Nhiều em học một nghề thích hợp và có cuộc sống khấm khá. Có em học ở trường cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp. Sau nhiều năm học hành, các em tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.

Còn gì buồn hơn khi bao kỹ sư, bác sĩ lại phải đi làm thuê kiếm từng đồng từng cắc trong khi nhiều em chỉ học hết lớp 12 nhưng biết xác định đúng nghề nghiệp của mình nên làm ăn ngày càng phát đạt. Như vậy có thể khẳng định đâu chỉ có đại học là cánh cửa duy nhất để học sinh bước vào đời.

* Tác giả Như Ý nói đúng những gì cuộc sống đang diễn ra. Không biết những nhà xây dựng chiến lược nhân sự ở tầm vĩ mô nghĩ gì về hậu quả nặng nề của việc chạy theo bằng cấp mà xã hội và gia đình các em phải gánh chịu, một sự lãng phí nguồn lực kinh khủng mà chưa có hồi kết.

* Tôi nghĩ vấn đề không phải nằm ở chỗ các bậc cha mẹ hám danh, không phải đâu. Vấn đề quan trọng là hiện nay nhiều trường đại học quá, đào tạo theo kiểu thị trường nên thừa thầy thiếu thợ. Lỗi này thuộc về khâu quy hoạch và kế hoạch đào tạo phải theo nhu cầu thực tế, không đào tạo tràn lan.

* Tôi có một người bạn nhất định dừng học năm lớp 9 để theo bố phụ xe, mặc cho mẹ ngăn cản và mắng: “Không học thì mai mốt chỉ có cạp đất mà ăn con ạ!”. Thế mà từ một số vốn khiêm tốn ban đầu gia đình cho để lập nghiệp, giờ trong tay hắn có cả đoàn xe vài chục chiếc vừa cạp đất vừa chở đất. Và tôi cũng chính là phụ rể của hắn trong ngày cưới khi hắn đã ngon lành, còn mình vẫn long đong ăn lương thử việc mới ra trường.

* Chúng ta trách hệ thống giáo dục “thầy nhiều hơn thợ”, tôi đồng ý nhưng cái mà chúng ta cần coi lại là chúng ta muốn gì, và quan trọng hơn là những người đi học muốn gì và đam mê gì. Tôi dám chắc rằng nhân vật “anh họ” trong bài báo nếu chọn ngành khác mà không phải “chăn bò”, anh ấy sẽ vẫn thành công vì đó là tố chất có từ người cha anh ấy và tố chất của chính anh ấy. Điều tôi muốn nói là chúng ta cần phải xây tố chất cho mỗi con người để dù làm việc gì, ở vị trí nào anh ta cũng làm tốt thì mới có thể trở thành người thành công. Bằng cấp không làm nên được tố chất đó mà là sự khơi mào từ gia đình hay nhà trường, sau đó mỗi cá nhân phải tự trau dồi.

NGUYỄN THANH DŨNG (giáo viên Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên