24/03/2018 09:42 GMT+7

Đại chiến thương mại với Trung Quốc?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chiến lược đối phó với Trung Quốc mà tổng thống Mỹ áp dụng đang tạo ra mối lo sâu rộng trên toàn cầu.

Đại chiến thương mại với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ ký lệnh áp thuế trừng phạt thương mại nhằm vào Trung Quốc ngày 22-3 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump ngày 22-3 ký lệnh áp thuế lên khoảng 60 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một trong những lời hứa của ông Trump lúc tranh cử, nhưng thông tin trên vẫn tạo ra cú sốc trên thị trường, khi S&P rớt 2,52%, còn Dow Jones giảm 720 điểm cùng ngày, theo Forbes.

Chờ đại chiến

Ngay trước khi ký tuyên bố các biện pháp thương mại, ông Trump khẳng định Mỹ đã thâm hụt nhiều tỉ đôla với Trung Quốc. Ông đã áp dụng điều 301 trong Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974, trong đó cho phép một tổng thống "đưa ra tất cả những hành động phù hợp" chống lại bất kỳ chính phủ nước ngoài nào làm tổn thương ngành thương mại của Mỹ.

Thực tế từ lâu nay, chính quyền Trump đã có quan điểm cứng rắn với cáo buộc Trung Quốc phá giá, khiến thương mại Mỹ thâm hụt. Ông Trump cho rằng mức thâm hụt 500 tỉ USD mỗi năm này là "thâm hụt lớn nhất cho bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử thế giới". 

Số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ tuy vậy cho thấy mức thâm hụt "chỉ" 375 tỉ USD. Năm 2017 Mỹ xuất khẩu 130 tỉ USD giá trị hàng hóa sang Trung Quốc, nhưng ngược lại nhập khẩu 505 tỉ USD.

Quyết định của ông Trump lập tức nhận sự đáp trả mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Washington, mô tả hành động của Mỹ là "điển hình của bảo hộ thương mại đơn phương", và "thất vọng sâu sắc" cũng như mạnh mẽ phản đối điều đó. Trong tuyên bố ngày 23-3, Bộ Thương mại Trung Quốc liệt kê danh sách 128 sản phẩm Mỹ nằm trong diện sẽ bị đánh thuế trả đũa.

Mới chỉ là khởi đầu

Những lo ngại về thái độ "diều hâu" của Mỹ là có cơ sở. Chính quyền Trump xem đây là lời hứa then chốt trong chiến dịch tranh cử, thể hiện qua việc ông chọn Peter Navarro là cố vấn kinh tế. Ông Navarro từng xuất bản cuốn sách Chết vì Trung Quốc (Death by China), trong đó cáo buộc Bắc Kinh giành lợi thế thương mại thông qua "trợ giá xuất khẩu phi pháp và thao túng tiền tệ".

Phát biểu ngày 22-3, ông Navarro cho rằng Mỹ đang "tự vệ chiến lược chống lại tấn công kinh tế". Sự tự vệ ấy hẳn nhiên không bó hẹp ở lĩnh vực xuất khẩu. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định các công ty Trung Quốc là những "kẻ trộm tài sản trí tuệ", mà theo một báo cáo từ Wall Street Journal gần đây thì lấy đi của Mỹ tới 600 tỉ USD mỗi năm.

Trong tuyên bố ngày 22-3, ông Trump khẳng định đây chỉ là "bước đi đầu tiên cho nhiều hành động nữa". Điều đó cho thấy có thể ông Trump vẫn đặt mọi thứ trong tình trạng chờ, và động thái này chỉ là một cách gây áp lực buộc Trung Quốc điều chỉnh. Thực chất ông Trump sẽ đợi thêm 2 tuần nữa để đưa ra bước đi tiếp theo, dựa trên hiệu quả của giai đoạn áp thuế đầu tiên.

Thêm vào đó, đại diện thương mại Mỹ Lighthizer vẫn chưa công bố chi tiết về danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc vướng thuế. Ông Lighthizer dự kiến sẽ đưa ra danh sách ấy trong 15 ngày nữa.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên