Nữ sinh Nguyễn Trần Bảo Thức - lớp 8A5 Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Quảng Tín, Đắk R'Lấp, Đắk Nông) - vừa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng quà, viết thư tay vì câu trả lời thuyết phục về phòng chống bạo lực học đường tại phiên họp "Quốc hội trẻ em" giả định lần 2 năm 2024.
Bảo Thức cho biết chưa hết xúc động vì cuộc họp đã diễn ra khá lâu nhưng bộ trưởng vẫn nhớ câu trả lời của mình ở phòng họp Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội). Câu trả lời bất ngờ nhận được rất nhiều sự tán đồng từ bộ trưởng và anh chị ở Trung ương Đoàn, các bạn học sinh tham dự phiên họp.
Bảo Thức nói bạo lực học đường là vấn đề rất được quan tâm ở các trường, gia đình và xã hội. Vì vấn đề nóng nên trong phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần 2 năm 2024, bạo lực học đường là một trong hai chủ đề được thảo luận, được "cử tri" học sinh cả nước quan tâm.
"Các bạn không hề cô đơn"
* Để trở thành đại biểu "Quốc hội trẻ em" lần 2, Bảo Thức đã phải trải qua những thử thách gì?
- Để được tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần 2 này, mình đã mạnh dạn quay các video nêu quan điểm về hai chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường" gửi dự thi, tham gia trả lời phỏng vấn online.
Tại phiên họp giả định, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi: "Ai là người có vai trò quan trọng nhất để loại bỏ bạo lực học đường?". Mình đã nhấn nút phát biểu ý kiến khẳng định để phòng chống bạo lực học đường phải xuất phát từ bản thân mỗi học sinh.
Câu trả lời nhận được nhiều sự đồng tình và hai tháng sau mình còn nhận được quà của bộ trưởng.
* Theo bạn, khi là nạn nhân hoặc chứng kiến nạn bạo lực học đường, học sinh nên làm gì?
- Bạo lực đang âm ỉ trong khuôn viên các trường học, là một hiện thực không thể tránh được. Việc này xuất phát từ những xích mích rất nhỏ trong cuộc sống, học tập hay vui chơi giữa các bạn học sinh chung lớp, chung trường.
Học sinh đừng ngần ngại nói ra khi mình là nạn nhân vì các bạn không hề cô đơn. Tất cả bạn bè, giáo viên và nhà trường luôn sẵn sàng nắm tay bạn để cùng giải quyết dứt điểm bạo lực học đường. Tuy nhiên, đối với lứa tuổi học sinh đang thay đổi tâm sinh lý, việc giáo viên đồng hành và thấu hiểu học sinh là không hề dễ dàng.
Mỗi học sinh cần tự trau dồi cho mình thật nhiều kiến thức và kỹ năng sống để kịp thời nhận ra những vấn đề có thể phát sinh bạo lực học đường. Khi có phát sinh mâu thuẫn, cần có những ứng xử để làm dịu nhẹ căng thẳng, để không xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Ngoài ra nếu trường học có những tổ tư vấn tâm lý, với các bạn có những biểu hiện khác thường, đưa ra những giải pháp hợp lý cũng phần nào giảm bớt các tình huống bất ngờ.
Các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao và chính quyền địa phương ngăn chặn sớm những vụ xích mích nhỏ ngoài cổng trường sẽ giảm bạo lực học đường.
Không còn là chuyện "con nít" với nhau
* Trong thực tế, đã có những bạn từng lên tiếng nhưng bị quay lại trả thù, Bảo Thức nghĩ gì về việc này?
- Bạo lực học đường đang trở nên nóng bỏng hơn, không còn là chuyện giữa "con nít" với nhau mà là vấn đề được xã hội quan tâm hàng đầu. Hiện nhiều người lớn vẫn cho rằng những xích mích giữa học sinh với nhau là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm.
Tuy nhiên thực tế đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, gần đây nhất là vụ học sinh THCS đâm nhau ở Đắk Mil khiến một bạn phải cấp cứu. Vì vậy người lớn nên thay đổi quan điểm và thật sự lắng nghe con em mình dù là những tâm sự nhỏ để kịp thời phát hiện ra những bất thường.
* Dũng cảm lên tiếng là tốt, nhưng có nên có những hình thức khác để phòng chống bạo lực học đường và bảo vệ mình trước?
- Tại Trường THCS Lương Thế Vinh mình đang học có những hộp thư kín được bố trí khắp nơi, giúp các bạn học sinh có thể tìm kiếm sự trợ giúp mà không ngại bị trả thù. Việc trực tiếp lên tiếng có thể làm các bạn sợ "kẻ bắt nạt" để ý, vậy thì gửi mail, Zalo cho giáo viên để nhờ sự hỗ trợ rất là hay.
Hiện nay học sinh nào cũng sử dụng mạng xã hội để gửi bài tập, trao đổi với giáo viên mỗi ngày nên cách này có vẻ rất tiện và hiệu quả ở các trường học.
Song song với những hình thức nêu trên, mình nghĩ gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các bạn học sinh có thể tự tin và dũng cảm.
Khi thảo luận tổ "Quốc hội trẻ em" vừa qua, tụi mình cũng bàn luận sâu về vai trò của gia đình đối với trẻ em trong nạn bạo lực học đường. Đa số các ý kiến cho rằng các bạn học sinh sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn tạo cho các bạn tâm lý tự ti, gây gổ, bạo lực học đường.
Gia đình nên dành thời gian lắng nghe tâm sự của con em mình từ những việc nhỏ thì các bạn ấy mới dám nói ra các việc lớn, xây dựng tâm lý cũng như tạo môi trường văn minh từ trong chính những ngôi nhà.
Ngăn chặn các xích mích nhỏ, tránh được bạo lực học đường
Cô Trần Thị Lan - tổng phụ trách Đội Trường THCS Lương Thế Vinh - chia sẻ nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bạo lực học đường. Trong đó sôi nổi nhất là các lớp tham gia thi vẽ tranh và hùng biện về chủ đề này trong chuyên đề "Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường".
Nhà trường và phụ huynh của Trường THCS Lương Thế Vinh luôn chú trọng phòng chống bạo lực học đường, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các xích mích nhỏ, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, đáng tiếc.
"Em có thể trao đổi với thầy bất cứ lúc nào"
Em Nguyễn Trần Bảo Thức đã nhận được món quà của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tặng. Trong thư, bộ trưởng bày tỏ sự ấn tượng với câu trả lời của Bảo Thức, khi bạn ấy nhấn mạnh vai trò phòng chống bạo lực học đường là ở mỗi học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn để lại số điện thoại cá nhân trong thư và nhắn gửi Bảo Thức: "Em có thể gọi điện và trao đổi với thầy bất cứ lúc nào, về bất cứ vấn đề gì, cả bây giờ và mai sau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận