23/02/2016 07:24 GMT+7

Đại biểu Quốc hội 
không lãnh đạo ai cả

DIỆU NGUYỄN ghi
DIỆU NGUYỄN ghi

TT - Tiếp tục chuyện giới trẻ có quan tâm gì đến bầu cử Quốc hội và chuyện tự ứng cử, Nhịp sống trẻ ghi nhận các ý kiến sau:

Luật sư Nguyễn Trọng Hào (Đoàn luật sư TP.HCM):

Ứng cử vào đại biểu Quốc hội để đại diện tiếng nói người dân

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng là một người trẻ đầy nhiệt huyết, mong muốn đưa sức trẻ của mình đóng góp cho xã hội nhiều hơn, nhanh hơn, tôi đã mạnh dạn ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội. Lúc đó tôi vừa bước qua tuổi 30.

Lần ứng cử lúc bấy giờ cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tiễn để thấy những gì khiến người trẻ khó hoặc không đủ tự tin ứng cử vào vai trò người đại biểu của nhân dân.

Nhiều bạn trẻ có kiến thức và mong muốn đóng góp cho xã hội nhưng đôi khi còn nhút nhát, chưa dám đương đầu với thử thách, chưa có kinh nghiệm và kỹ năng trong việc diễn đạt hoặc chuyển tải ý kiến của người khác nên chưa dám tự ứng cử.

Thêm vào đó, tuy luật có quy định người có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên được quyền ứng cử vào đại biểu Quốc hội nhưng thực tế còn nhiều quy định và thủ tục liên quan khác nên người trẻ khó có khả năng trúng cử.

Mặc dù đại biểu Quốc hội là đại diện tiếng nói người dân chứ không lãnh đạo ai cả nhưng với quan niệm hiện tại, người trẻ rất dễ bị nghĩ đến chuyện “muốn làm lãnh đạo”. Và bạn cũng chưa đủ “tỏa sáng” ở ngoài xã hội để tạo niềm tin cho mọi người tại thời điểm đó.

Ngoài ra ở VN hiện tại, thông thường đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm chứ chưa có nhiều đại biểu chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, những ý kiến về việc tăng cường các đại biểu trẻ cho thấy cơ hội của các bạn trẻ, doanh nhân trẻ… muốn đóng góp cho đất nước theo con đường chính trị đã được chào đón hơn.

Vậy nên, đầu tiên các bạn phải trau dồi kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt ngoại ngữ rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ không giỏi thì không thể làm gì được.

Sau khi có kiến thức, cọ xát thực tế, đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kỹ năng, nâng tầm tư duy, lúc đó hãy nói đến việc tìm chỗ đứng để phục vụ xã hội.

Nếu thiếu các yếu tố cơ bản đó mà tham lam ứng cử thì mục đích chỉ phục vụ cho bản thân mình thôi.

Cần cơ chế dẫn dắt, tạo đà cho người trẻ

Tôi thấy hiện nay đại biểu Quốc hội đại diện cho giới trẻ, người trẻ vẫn còn quá ít cũng như chưa phát huy hết “sức trẻ” của mình, chưa sâu sát vào những vấn đề của người trẻ, giới trẻ, chưa nói lên được tư tưởng, suy nghĩ của giới trẻ..., cũng như tiếng nói của đại biểu trẻ, cử tri trẻ chưa thật sự có vị thế, “trọng lượng” chốn nghị trường.

Muốn người trẻ quan tâm tới Quốc hội thì trước hết phải tin tưởng tạo điều kiện, vị thế cho họ.

Tôi biết không hiếm người trẻ quan tâm đến vấn đề quốc kế dân sinh, về chính trị... và họ không ngần ngại thể hiện mạnh mẽ suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình qua... Facebook!

Có lẽ cái cần chính là một cơ chế dẫn dắt, tạo đà cho người trẻ, thông thoáng hành lang pháp lý, tôn trọng quyền, tiếng nói, suy nghĩ của người trẻ (dù có sự khác biệt).

Việc này nên lấy tiêu chí đạo đức, lòng nhiệt huyết làm đầu. Tất nhiên cần chú trọng đến đội ngũ trí thức trẻ, những người có tiếng nói, vị thế, uy tín trong cộng đồng giới trẻ.

Với Quốc hội khóa mới, tôi mong sẽ có nhiều hơn những đại biểu trẻ. Họ phải là người có đức độ, tài năng, nhiệt huyết, là “chuyên gia” trên nhiều lĩnh vực...

Người đại biểu Quốc hội trẻ còn phải là người có dũng khí, can đảm, chấp nhận dấn thân, có một “sức trẻ” của thế giới tiến bộ, văn minh, hiện đại.

Vân Thanh (SV Trường ĐH Y dược TP.HCM)

DIỆU NGUYỄN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên