Đại biểu quốc hội thay ai phát biểu?

KIM NGÂN 23/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Thêm một kỳ họp Quốc hội nữa sắp qua. Đã có những phát biểu trong các buổi thảo luận và bên lề. Chậm rãi quan sát sẽ nhận ra qua các phát biểu đó, các xu hướng “làm đại biểu”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Đà Nẵng -Việt Dũng
Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Đà Nẵng -Việt Dũng

Các biểu quyết trong kỳ họp này, như về việc thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, có vẻ như cũng “vũ như cẩn” là tán thành thông qua, song quan sát kỹ sẽ thấy có những khác biệt biểu thị sự không tán thành nhiều hay ít hơn về một chi tiết nào đó.

Điều này có thể thấy qua việc trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội biểu quyết một số nội dung quan trọng của dự thảo nghị quyết.

Chẳng hạn Điều 1, thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, theo đó bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỉ đồng, bằng 4,95% tổng sản phẩm trong nước. Kết quả biểu quyết Điều 1 đó, tức thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, như sau: Trên tổng số 435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, số đại biểu Quốc hội tán thành là 415, bằng 84,01%; số đại biểu Quốc hội không tán thành là 13, bằng 2,63%.

Số đại biểu Quốc hội không biểu quyết là 7, bằng 1,42%. Tức đã có 20 đại biểu không bày tỏ tán thành dự toán ngân sách bội chi 254.000 tỉ đồng này.

Đến khi biểu quyết toàn bộ nghị quyết về dự toán ngân sách, cũng với 435 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 392, bằng 79,35%; số đại biểu không tán thành là 34, bằng 6,88%; số đại biểu Quốc hội không biểu quyết là 9, bằng 1,82%. Tức đã có 43 đại biểu không bày tỏ tán thành nghị quyết này. Qua hai lần biểu quyết, có thể thấy từ 20 đại biểu không bày tỏ tán thành dự toán ngân sách 2016, số đại biểu không bày tỏ tán thành nghị quyết về ngân sách lên đến 43 người!

Ít nhiều cũng đã có những khác biệt trong biểu quyết, không tán thành với tuyệt đại đa số. 20 đại biểu không bày tỏ tán thành dự toán ngân sách bội chi ấy là ai? 43 người không bày tỏ tán thành nghị quyết về ngân sách ấy là ai?

Ai là ai?

Biểu quyết hôm 11-11 thì đến 14-11, một đại biểu của Hà Nội nêu vấn đề: “Tại Quốc hội khóa XI và khóa XII, lúc đó tôi làm vụ trưởng Vụ Pháp luật, giúp việc cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bác Đỗ Mười có gọi tôi đến và nói rằng Quốc hội cần phải thay đổi và cần phải công bố công khai danh tính của đại biểu Quốc hội trong quá trình biểu quyết.

Vấn đề này các nước đã làm rất nhiều. Tôi tham dự các phiên họp của Quốc hội Mỹ, các bang của Mỹ thì đại biểu Quốc hội nào đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết đều được hiện lên trên bảng vi tính và thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân và chịu trách nhiệm về biểu quyết giơ tay của mình.

Tôi đề nghị chúng ta cần có đổi mới, thay đổi và thể hiện bản lĩnh của đại biểu Quốc hội, chứ nếu bây giờ chúng ta bấm mà không có các danh tính thì rõ ràng nhân dân cũng không biết được đại biểu đó, quan điểm của đại biểu đó như thế nào trong quá trình biểu quyết”.

Tập quán bỏ phiếu “Không” nhiều khi đông hơn là “Có” diễn ra bình thường trong quốc hội nhiều nước. Trong khi đó ở ta, bỏ phiếu “tán thành” vẫn luôn đông hơn “không tán thành”. Nên cũng cần đặt ra câu hỏi: liệu việc nêu danh tính đại biểu bỏ phiếu sẽ khuyến khích mạnh dạn bày tỏ quan điểm hơn hay lại khiến họ rụt rè hơn?

Bằng mặt mà không bằng lòng

Một đại biểu khác của Hà Nội vắn tắt đồng tình với ý kiến công khai danh tính trên. Ông này đề nghị: “Nên thiết kế vào trong việc biểu quyết thông qua dự án luật, số lượng điều biểu quyết trước khi biểu quyết toàn văn (dự án luật)..., xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội”.

Theo ông, điều này là do vừa qua khá nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải biểu quyết, mong muốn được biểu quyết nhưng lại không được biểu quyết, biểu quyết bằng một điều khác. Ông đề nghị “chọn điều để biểu quyết trước khi biểu quyết toàn văn như vậy”.

Bức xúc này được một đại biểu của TP.HCM chia sẻ chi tiết: “Tôi nói thật là không biểu quyết thì thiếu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Nhưng biểu quyết một luật mình không đồng ý có 2, 3 điều mà phải thông qua, như vậy là không ổn.

Tôi xét vấn đề đó, tôi xin thưa rằng so với Quốc hội khóa 9 tôi tham gia thì bây giờ chúng ta thụt lùi về phương diện tranh luận làm rõ vấn đề. Tôi nhớ là những vấn đề tranh luận như vậy cần phải biểu quyết để làm sao thể hiện quan điểm rõ. Dĩ nhiên nghị viện là theo đa số, nhưng muốn đa số có chất lượng thì sự tranh luận phải đến cùng mới ra chất lượng, chỉ để Thường vụ Quốc hội tiếp thu thế này thì rất tâm tư”.

Tâm tư pha loãng

Trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 16-11-2015, một đại biểu của tỉnh Nam Định đã mở đầu phát biểu bằng việc nhắc lại một “quốc văn giáo khoa thư” về vai trò của Quốc hội:

“Quốc hội chúng ta với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri khẳng định rằng chúng ta không quên và không bỏ sót tất cả những gì chúng ta đã đặt ra đối với Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Chúng ta cũng không bỏ qua những gì chúng ta yêu cầu, nhưng tình hình chưa được chuyển biến”.

Sau khi dành 86 từ để tuyên xưng thẩm quyền của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội, ông tiếp tục bằng một đoạn dài đến 743 từ với mấy lần “cơ bản tôi tán thành với các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, của chánh án Tòa án nhân dân tối cao...”;

“Chúng tôi đánh giá cao một số ngành bằng quyết tâm và trí tuệ của mình đã tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề đó đạt được những kết quả cụ thể...”; “Chúng tôi đánh giá cao nhiều đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành luôn kịp thời xuất hiện ở những điểm nóng, có những hành động quyết đáp đầy trách nhiệm...”.

Cách tuyên xưng “đánh giá cao” đó đúng dàn bài phát biểu “kinh điển”, thoạt tiên khen đáo khen để rồi mới mạnh dạn hay rụt rè góp ý. Tiếc thay vì mất rất nhiều thời gian cho 743 từ này mà phần góp ý của ông chỉ còn đúng 500 từ!

Chưa hết, ông còn “làm loãng” bằng cách miêu tả cách “hành văn phát biểu” trong quốc hội: “Cử tri nhận xét các bác đại biểu Quốc hội phát biểu hay lắm nhưng giống như chúng em đi xem ca nhạc, các nghệ sĩ hát cùng một bài. Có người có giọng nam, có người giọng nữ, có giọng cao, giọng thấp, giọng bổng, giọng thanh nhưng toàn một bài.

Cho nên nghe một lúc là thôi tắt tivi vì biết ngay sau đó là các bác khác phát biểu như vậy”. Mãi gần cuối, ông mới nói lên tâm tư của mình - điều quan trọng nhất mà ông định phát biểu: “Tuy nhiên, những hiện tượng hiện nay, quốc nạn tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong đời sống.

Cử tri nhận thấy vào những năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội trước đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên ở mức quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa”. Ông đi vào cái thực tế của hơn 80 triệu dân thường đang trải qua, đối lập sâu sắc với một thực tế khác của một số người khác: “Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu người nông dân, hàng triệu người lao động, công nhân đang hằng ngày vật lộn với mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp đã giàu lên một cách rất nhanh chóng, không có một giải pháp nào cả. Việc xử lý những hiện tượng tham nhũng vẫn còn chưa được mạnh mẽ”.

Sau đó với 62 từ, ông nói lên một tâm tư khác, thật đại sự: “Thứ hai, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quốc hội, Chính phủ đã đều báo cáo trước cử tri đã được trả lời những câu hỏi chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay việc bảo vệ giữ vững biển đảo chủ quyền của chúng ta vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời một cách trọn vẹn”. Với một cấu trúc phát biểu như vậy, cử tri dù cảm ơn ông đã nói lên nhiều tâm tư thật sự của họ song vẫn cảm thấy tiếc về hiệu quả của cách đặt vấn đề này.

Nói ngay, nói thẳng

Ngược lại, trong phát biểu dài 970 từ của mình sáng 17-11, một đại biểu của TP.HCM đã đi ngay vào các vấn đề mà không cần chút nhập đề nào, đi thẳng vào vấn đề “tâm tư của mọi tâm tư”, theo ông. Ông nói: “Nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực và đe dọa chủ quyền về kinh tế của chúng ta.

Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới thì Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị, cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn.

Nhận viện trợ vay ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không, nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ và vay từ Trung Quốc và cũng còn nhiều nguồn khác để vay tiền”.

Làm đại biểu Quốc hội là một quá trình dài hạn, không chỉ của từng cá nhân đại biểu mà của cả Quốc hội qua từng khóa, từng kỳ họp. Nhưng vấn đề vẫn là nói thay ai, nói về điều gì, từ đó đứng đúng vị trí mà phát biểu.

Dường như có đại biểu đã đứng “lộn chân” khi phát biểu: “Nói thứ trưởng mà đi xe ôm hay taxi đến thì trông cũng không được đẹp”, ngay sau khi đã liệt kê những phấn đấu ngân sách: “Đã thông qua việc tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang. Hoặc thực hiện chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo khi thay đổi chuẩn nghèo đa chiều, nâng mức hỗ trợ từ 700.000 đồng lên 900.000 đồng, chính sách cho người có công để đảm bảo sao các đối tượng này có mức sống trung bình”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận