25/07/2021 17:02 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất hệ thống chống dịch '3 tầng'

N.AN
N.AN

TTO - Cần kiên trì làm tốt kiểm soát, truy vết, cách ly trong kiểm soát dịch hay chia thành 3 tầng chống dịch mới mang lại hiệu quả, là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 25-7.

Đại biểu Quốc hội đề xuất hệ thống chống dịch 3 tầng - Ảnh 1.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 25-7 - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quảng Ninh Đỗ Thị Lan, ủy viên Ủy ban Xã hội, chia sẻ thực tiễn chống dịch ở Quảng Ninh: địa phương đã xây dựng kịch bản chi tiết, làm tốt các khâu như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, cách ly với sự tham gia của các cấp chính quyền đoàn thể, tổ dân phố, người dân, nên hạn chế và kiểm soát được ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Giám đốc Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) tranh luận lại với nhận định "không thể lấy số ca nhiễm của một tỉnh làm tiêu chí đánh giá thành công", vì với biến chủng Delta hiện nay, "có khi buổi sáng thức dậy tỉnh đã bùng phát dịch mất rồi".

Vì vậy, theo ông Hiếu, tiêu chí chống dịch tốt là cần có kịch bản đầy đủ, tránh bùng phát dịch, đảm bảo 3 nguyên tắc gồm chống lây lan tối đa, giảm tỉ lệ tử vong tối đa và đảm bảo phát triển kinh tế.

Phân tích thêm giải pháp để giảm tỉ lệ tử vong, ông Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng, gồm: tầng 1 là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người F0 không có triệu chứng, thực hiện nghiêm túc quy trình cách ly.

"Có thể triển khai cách ly F0 tại nhà, theo dõi từ xa như đã và đang thực hiện tại Ấn Độ, Myanmar. Người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện các gói chăm sóc: nhân viên y tế điện thoại 2 ngày/lần, sử dụng app chuyên dụng để nhận biết nguy hiểm, video call từ xa, tủ thuốc điều trị COVID-19 tại nhà…", đại biểu Hiếu nêu quan điểm.

Tầng thứ hai là các bệnh viện điều trị bệnh nhân mức độ vừa, do đó đánh giá mức độ bệnh một cách chính xác. Tầng thứ ba là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, dành cho bệnh nhân cần thở máy, nên nguồn lực của trung ương cần tập trung với số giường không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm.

Thông tin thêm về công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đợt dịch thứ 4 đã tấn công vào các khu kinh tế trọng tâm phía Bắc, phía Nam, diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài, tác động sâu sắc tới kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng các phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng; chủ động thiết lập bệnh viện dã chiến kịp thời; áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong quản lý, chăm sóc người nhiễm, đàm phán ký kết khoảng 170 triệu liều vắc xin cho năm 2021...

TP.HCM: Một số khu cách ly tập trung TP.HCM: Một số khu cách ly tập trung 'giải phóng' F1, chuyển sang tiếp nhận F0

TTO - Nhiều trung tâm y tế quận, huyện cho biết nhiều nơi do số lượng F1 ít, sau khi xem xét đủ các điều kiện cách ly F1 tại nhà đã giải phóng nhiều F1, thời gian tới sẽ chuyển đổi công năng cơ sở cách ly F1 thành cơ sở cách ly dành cho F0.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên