Đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) đề nghị quy định "cấm ép uống rượu bia" - Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận dự án luật này tại phiên họp tổ chiều 12-11, nhiều đại biểu nhận định trên thế giới, không nơi đâu việc sản xuất, mua bán rượu, bia lại dễ dàng như ở Việt Nam.
Không vì giảm thu ngân sách mà không ban hành luật
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) - ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, người trực tiếp tham gia thẩm tra dự án luật - khẳng định các thống kê, số liệu đều cho thấy người Việt Nam sử dụng rượu bia hàng đầu thế giới, mức tiêu thụ không ngừng gia tăng và người uống ngày càng trẻ hóa.
"Lạm dụng rượu, bia để lại rất nhiều hệ lụy, từ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình đến suy giảm sức khỏe… Trong khi đó, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia đang rất lỏng lẻo. Rất dễ tiếp cận rượu, bia, bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào, mua bán đều không gặp khó khăn gì", ông Chương nói.
Chính vì vậy, có một dự luật với mục đích giảm tác hại, giảm mức độ lạm dụng rượu bia là cần thiết.
Theo ông Chương, trong quá trình thẩm tra dự án luật, có ý kiến cho rằng ban hành luật này sẽ khiến giảm kinh doanh, sản xuất rượu, bia, giảm nguồn thu cho ngân sách.
"Hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, rượu mỗi năm đóng góp ngân sách khoảng 50.000 tỉ đồng. Nhưng những mất mát, tồn tại cho xã hội, cho từng gia đình cũng không phải là ít. Nếu ảnh hưởng một phần nguồn thu nhưng đảm bảo cho sức khỏe của người dân thì nên làm", đại biểu Chương bày tỏ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ quan điểm này và cho rằng dự luật không nên dừng lại ở quy định chung chung, mang tính khuyến cáo.
"Ví dụ, quy định việc in cảnh báo có hại cho sức khỏe trên bao bì bia, rượu phải là bắt buộc với nhà sản xuất, nếu không họ sẽ không tự nguyện in. Luật cần phải soạn theo hướng làm cho việc tiếp cận, sử dụng rượu bia ngày càng khó khăn", bà Lan nói.
Phải cấm việc ép uống rượu, bia
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) thì phân tích rằng thực tế rượu bia không hoàn toàn có hại mà ở nhiều nơi đó là văn hóa, giống như "miếng trầu là đầu câu chuyện". Sử dụng rượu bia nếu biết điều tiết, hợp lý thì tốt, nhưng lạm dụng, quá ngưỡng sẽ thành tiêu cực.
Ông Hoàng kể chuyện mình trực tiếp chứng kiến ở một phiên chợ Hà Giang, nơi thanh thiếu niên sử dụng rượu rất phổ biến, và đặt câu hỏi về tính khả thi của quy định cấm sử dụng, cấm bán rượu bia đối với người dưới 18 tuổi.
Đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.HCM) thì kiến nghị bổ sung vào dự luật "quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không", và quy định cấm ép uống rượu bia đối với mọi lứa tuổi.
"Phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, cần mở rộng ra bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống, rơi vào tình thế buộc phải uống dù không thực sự muốn. Ví dụ sinh viên mới ra trường, đi làm bị anh chị trong cơ quan ép, không uống thì bị cho là không nhiệt tình. Cán bộ Đoàn thanh niên đi tiếp khách cũng bị các bậc cha chú bắt uống", ông Thắng nói.
Đại biểu Thắng cũng đề xuất tách hẳn một điều trong dự thảo luật dành cho công tác giáo dục, truyền thông với đối tượng học sinh, sinh viên.
"Cần tập trung đặc biệt đối với học sinh mới lớp 10 và năm đầu của sinh viên các trường cao đẳng, đại học bởi đây là những đối tượng có nguy cơ tiếp xúc với rượu bia, hội hè rất cao. Đồng thời, cần tăng nặng các hình thức xử lý những người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, luật hiện nay chỉ xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe", ông Thắng phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận