10/06/2018 09:34 GMT+7

Rượu bia khắp nơi, mua dễ hơn rau

QUANG KHẢI - THANH BÌNH - THÚY LINH
QUANG KHẢI - THANH BÌNH - THÚY LINH

TTO - Ở các đô thị lớn, chuyện bia rượu bán khắp nơi, uống khắp nơi là phổ biến, kể cả chuyện bán bia cho trẻ em. Đó là một trong những lý do khiến Việt Nam tăng hạng rất nhanh trong danh sách những nước tiêu thụ nhiều rượu bia.

Rượu bia khắp nơi, mua dễ hơn rau - Ảnh 1.

Ngoài siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng mua bia tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trong khu dân cư. Hiện đang có đề nghị cần giới hạn mật độ các điểm bán rượu bia - Ảnh: NAM TRẦN

Khoản 5 điều 7 nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định: việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật

Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách này, đến năm 2016 đã ở vị trí 64. Với lượng rượu bia tiêu thụ hiện nay tương đương 8,3 lít cồn/người/năm, ở khu vực châu Á Việt Nam xếp thứ 3. Còn tính theo lượng cồn do nam giới tiêu thụ thì thứ hạng còn tăng nhanh và cao hơn.

Đó là những thông tin được nêu ra tại hội thảo về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa tổ chức ở Hà Nội.

Ai mua tôi bán!

Tại một cửa hàng ở chung cư An Lộc 2 trên đường Vũ Tông Phan (Hà Nội), khi được hỏi thì chủ cửa hàng nói "không có quy định nào cấm bán bia cho trẻ em".

Và việc trẻ em, người chưa thành niên đi mua bia, theo chị là chuyện hết sức bình thường. Đa số người bán không quan tâm đến độ tuổi của người mua rượu bia, miễn sao bán được hàng là tốt.

Chị Nhung - chủ một tiệm tạp hóa trên đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết đa số người mua bia rượu là nam giới, trong số đó có những người trẻ tuổi "mua giùm" người nhà và không trường hợp nào bị từ chối bán.

"Là người kinh doanh, có khách mua hàng thì tôi bán thôi, quan tâm tuổi tác làm gì" - chị Nhung nói.

Tương tự, anh Tân - quản lý một quán nhậu trên đường Lê Quang Định (Q.Gò Vấp) - cho biết: "Đa số khi khách đến thì quán chỉ bán rượu bia theo nhu cầu của khách chứ cũng không quan tâm đến tuổi tác. Thậm chí, nhiều trường hợp dắt trẻ em đi cùng còn được người lớn cho uống bia".

Thực tế cho thấy việc kinh doanh rượu bia đang diễn ra tràn lan. Bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu bia mà không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý.

Những người bán rượu bia cũng thường nại lý do hiện nay chưa có quy định cũng như việc xác định độ tuổi người mua rượu bia nên sẵn sàng bán theo nhu cầu.

Một số rất ít, như chị Hương, chủ một đại lý bán bia trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh), thì giữ nguyên tắc không bán bia rượu cho những người nhỏ tuổi. Tuy nhiên theo chị, đại lý chị không bán thì các tiệm khác vẫn bán.

Rượu bia khắp nơi, mua dễ hơn rau - Ảnh 3.

Uống bia tại một đại lý bia rượu trên phố Hàng Chiếu, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Điều cấm đã có nhưng bị thả nổi

Ông Trần Việt Lâm - đội phó đội trật tự đô thị quận 3 - cho rằng việc mua bán rượu bia một cách quá dễ dàng như hiện nay cũng gây không ít phiền toái trong công tác quản lý trật tự đô thị, "thiếu hành lang pháp lý để xử lý".

Chẳng hạn, trước tình trạng nhiều quán nhậu bày bàn ghế tràn ra vỉa hè, lòng đường, thực khách nhậu ồn ào... thì lực lượng trật tự đô thị cũng chỉ xử lý chủ yếu liên quan đến việc lấn chiếm lòng lề đường, trong số đó có không ít thực khách là những bạn nữ trẻ, có cả người vị thành niên.

Ông Lâm cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hoàn chỉnh các quy định liên quan đến việc kinh doanh, bán rượu bia, trong đó phân định rõ ràng người độ tuổi như thế nào mới được tiếp cận, sử dụng rượu bia; đồng thời cần có những chế tài quyết liệt.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết Nhà nước quy định bia là hàng hóa thực phẩm thông thường. Do đó, hoạt động kinh doanh bia chịu sự điều chỉnh chủ yếu của các quy định về an toàn thực phẩm.

Riêng mặt hàng rượu từ năm 2008 đến nay đã được thực hiện quản lý nghiêm ngặt thông qua việc cấp giấy phép. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu vừa được Chính phủ ban hành ngày 14-9-2017, quy định chi tiết về kinh doanh rượu và những điều cấm.

Rượu bia khắp nơi, mua dễ hơn rau - Ảnh 4.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Theo đó, thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ (các nhà hàng, khách sạn, quán bar...) đều phải có giấy phép kinh doanh rượu.

Đối với hoạt động bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ, nghị định số 105/2017/NĐ-CP đã phân cấp quản lý đến tận phòng kinh tế cấp quận, huyện.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được quy định và để quy định đi vào đời sống nhân dân, rất cần có sự ủng hộ và vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là người tiêu dùng: không cho, không tạo điều kiện cho trẻ dưới 18 tuổi mua rượu.

Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, trong đó có Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát để tuyên truyền, vận động cả xã hội chung tay triển khai thực hiện có hiệu quả quy định này.

Đang xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia

Đối với mặt hàng bia, theo Bộ Công thương, về mặt phân công thì bộ chưa quản lý. Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Y tế là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Dự thảo đã được đơn vị đầu mối xây dựng.

Với rượu thì đây thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện; là mặt hàng hạn chế kinh doanh.

* Bà VŨ THỊ MINH HẠNH (phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế):

Phải giới hạn mật độ điểm bán rượu bia

img0831hanh-2read-only-1528594430094941169232

Quy định hiện hành có yêu cầu các cơ sở muốn bán sỉ rượu thì phải có giấy phép, nhưng riêng rượu đường phố hiện đang bỏ ngỏ.

Vấn đề nữa ở chỗ chúng ta cấp phép kinh doanh nhưng không giới hạn về mật độ cửa hàng bán rượu bia, dẫn đến số lượng cửa hàng kinh doanh rượu bia rất lớn và mọi người đều có thể mua rượu bia dễ dàng.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia đang xin ý kiến sẽ đưa ra quy định về giới hạn mật độ cơ sở bán bia rượu, tương tự quy định với nhà thuốc hiện nay là phải bao nhiêu mét mới được cấp phép một nhà thuốc.

Hiện các nhà sản xuất rượu bia cũng đang có ý kiến về việc chưa cần thiết ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia do đã có 85 văn bản liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu bia.

Nhưng nếu không có luật thì không có văn bản pháp lý cao nhất, hiện có nhiều văn bản nhưng điều hành thế nào, ai chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này là chưa rõ.

Chủ yếu người sử dụng rượu bia ở VN là nam, tác hại đến sức khỏe là đáng kể. Như nước Đức, họ thu từ rượu bia (một phần đáng kể trong đó là xuất khẩu) được 17 tỉ euro thì thiệt hại liên quan đến rượu bia lên tới 20 tỉ euro.

VN chúng ta như báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia ngày 9-6 thì doanh thu từ rượu bia năm 2017 là 50.000 tỉ đồng, nếu lấy con số thiệt hại ở mức trung bình như ước tính của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu bia ở VN cũng lên đến 65.000 tỉ đồng, chưa kể các chi phí gián tiếp (như ngày làm việc mất đi).

L.ANH ghi

34 người chết trong ngày đầu năm mới, chủ yếu do rượu bia 34 người chết trong ngày đầu năm mới, chủ yếu do rượu bia

TTO - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết từ 7h ngày 15 -2 đến 7h ngày 16-2 (ngày mùng 1 Tết Mậu Tuất), cả nước xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông làm 34 người chết, 35 người bị thương.

QUANG KHẢI - THANH BÌNH - THÚY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên