19/11/2012 22:25 GMT+7

Đại biểu Dương Trung Quốc: Ai lo "xác" thủy điện?

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TTO - Sáng 20-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Trong lúc xã hội bức xúc thì những người soạn thảo luật không dành một chương mục nào riêng cho thủy điện.

s7ievLvY.jpgPhóng to
Hiện có đến sáu nhà máy thủy điện nằm trên sông Bung (Quảng Nam). Trong ảnh: đập chắn nước của Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 đang vào giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Đăng Nam

Luật hiện hành (nay mai sẽ thành cũ) thông qua năm 2004 cũng chưa đề cập đến thủy điện như một loại hình đặc thù, vì lúc đó chúng ta đã có một số nhà máy thủy điện nhưng đều có quy mô lớn do Nhà nước quản lý như Đa Nhim, Thác Bà, Hòa Bình, Trị An... Vào thời điểm đó, vấn đề an toàn thủy điện chưa thành vấn đề lớn vì Nhà nước trực tiếp quản lý nên dân còn yên tâm.

Nhưng kể từ khi xuất hiện một phong trào làm thủy điện vừa và nhỏ, sự khuyến khích của Nhà nước, những kẽ hở khá lớn của các chính sách đất đai (dễ được cấp đất, cấp rừng), tài chính (dễ vay vốn ưu đãi).. khiến thủy điện vừa và nhỏ xuất hiện đúng với hình ảnh “như nấm sau cơn mưa”... Thủy điện nhỏ và vừa có những đóng góp tích cực giúp tăng cường nguồn phát điện và thu hút được nguồn vốn trong dân ghé vai cùng Nhà nước, nhưng nó cũng để lại những mối lo không chỉ lớn mà lâu dài.

Báo cáo của bộ trưởng Bộ Công thương cho biết đến nay đã có hơn 1.000 dự án xây dựng thủy điện nhỏ và vừa được cấp phép (dù đã trừ khoảng 150 dự án bị dừng phép). Có nhiều công trình đã phát điện, có công trình còn đang xây dựng hoặc đang triển khai dự án. Riêng một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch như Lào Cai đến nay đã có tới 123 dự án được cấp phép. Trong đó, riêng suối Hoa chảy ngang thắng cảnh Sa Pa nổi tiếng bị băm nát bởi... 5 dự án, lại có cả dự án đi ngang qua khu di tích “bãi đá cổ” nổi tiếng. Chưa triển khai xong các dự án này, cảnh quan đã bị xâm hại nghiêm trọng...

Mối lo của xã hội với thủy điện chủ yếu mới là tính an toàn của các công trình xây dựng cộng với những biến đổi khắc nghiệt, đầy rủi ro của thời tiết. Vụ đập Sông Tranh 2 là một ví dụ. Nhưng chưa nhiều người nghĩ đến một tai họa tạm gọi là “hậu phát điện”.

Bất kỳ một công trình phát điện nào cũng sẽ đến thời điểm ngừng phát điện. Ngoài những yếu tố kỹ thuật thì quy luật đơn giản nhất là khi nó không sinh lợi thì sẽ ngừng hoạt động. Thời gian ấy là bao nhiêu năm thì tùy thuộc vào mỗi công trình cụ thể, nhưng có lẽ nó chỉ chừng 50 năm (ứng với quyền sử dụng đất). Riêng với các công trình thủy điện vừa và nhỏ phần lớn xây dựng theo tư duy “mì ăn liền” phổ biến ở nước ta thì phần lớn công nghệ tầm tầm, đầu tư vừa phải. Thời gian hoạt động có thể còn ngắn hơn nữa tùy thuộc hiệu quả kinh tế và chất lượng công nghệ cũng như quản lý...

Vậy câu hỏi đặt ra là sau khi các nhà máy thủy điện này dừng hoạt động thì ai là người quản lý các công trình đã xây dựng? Với nhiệt điện thường được đặt tại các trung tâm dân cư hay công nghiệp, thì dỡ bỏ nhà máy cũ là đã có một khu đất “vàng”. Bỏ Nhà máy điện Yên Phụ xây từ thời Tây, EVN có hẳn một khu đất quý giá để xây “tháp đôi” giữa nội thành Hà Nội. Còn các nhà máy thủy điện ở nơi đèo heo hút gió thì giá trị chỉ còn là “của nợ”.

Nhưng nguy hại hơn là những con đập già nua, những hồ nước dễ bị biến dạng vì thời gian và những tác động địa chất sẽ thực sự trở thành những “quả bom nổ chậm” thực sự đe dọa môi trường và sự an toàn của cư dân xung quanh và vùng hạ lưu của dòng chảy... Ai là người sẽ quản lý, duy tu hay ứng phó với sự xuống cấp và khi xảy ra tai họa?

Chúng ta cứ hình dung theo đà này, không bao lâu con số không chỉ dừng lại con số trên 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, nếu như luật pháp không ngó ngàng. Và ta cứ hình dung, dăm ba thập kỷ sau, trên cơ thể Tổ quốc ta có hàng ngàn cái xác những nhà máy thủy điện bị bỏ hoang chứa đựng vô vàn nguy cơ sẽ là tai họa to lớn như thế nào cho thế hệ con cháu chúng ta. Và ai là người chịu trách nhiệm?

Vì thế, Luật điện lực sửa đổi mà không đề cập tới thủy điện như một loại hình đặc thù, vẫn cấp phép tràn lan mà không có chế tài trách nhiệm và tiên liệu trước tương lai đen tối gắn với thời kỳ hậu phát điện ấy thì chúng ta sẽ mắc tội với thế hệ tương lai.

Mai sau này, các nhà khảo cổ học hậu duệ của chúng ta sẽ đến lúc phải đi khảo sát xác những công trình thủy điện này như những “di chỉ phi văn hóa”, những bằng chứng thiếu trách nhiệm của tiền nhân. Mà tiền nhân của chúng lại chính là thế hệ chúng ta vậy?!

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên