Gian nan đưa hàng vào siêu thịĐặc sản rừng vào siêu thị Tết Việt - hàng Việt: Tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương
Phóng to |
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đưa hàng trưng bày tại chương trình kết nối cung cầu chiều 26-12 với mong muốn được đưa những mặt hàng này vào siêu thị - Ảnh: Chí Quốc |
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và Saigon Co.op tổ chức chiều 26-12.
“Chúng tôi với không tới”
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở làng nghề bởi vì Co.op Mart cũng cần nhiều hàng đặc sản để phân phối" |
Đó là chia sẻ của ông Đinh Công Hoàng, chủ nhiệm tổ hợp tác tàu hủ ky Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), sau khi nghe ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, trình bày các điều kiện về thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đưa được hàng hóa vào các siêu thị của Co.op.
Ông Hoàng cho biết những cơ sở sản xuất như ông đã có cách đây 20 năm và chỉ làm thủ công, nay sản xuất theo dây chuyền, tuy chưa khép kín nhưng đã sản xuất tập trung. “Nếu vô Co.op tui có phải cung cấp hàng thường xuyên không, hiện tại chúng tui cung cấp thị trường trôi nổi nhưng không thường xuyên lắm. Vô hệ thống lớn rồi thì phải có thời gian bảo quản ít nhất cũng 30-60 ngày mà sản phẩm chúng tui bảo quản chỉ có 10 ngày, vì vậy cần có các nhà nghiên cứu hóa phẩm hỗ trợ lâu dài, cải tiến công nghệ sản xuất khép kín” - ông Hoàng nêu băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Chót, đại diện cơ sở đậu phộng rang Phú Vinh (Cầu Ngang, Trà Vinh), cho rằng việc yêu cầu ổn định số lượng cho siêu thị có thể khiến cơ sở khó đáp ứng vì có những sản phẩm chỉ tồn tại theo mùa, vì vậy siêu thị cần nới hơn về mặt thời gian cung cấp hàng.
Bà Võ Thị Lấn - giám đốc Công ty TNHH một thành viên trà túi lọc Tâm Lan (Tây Ninh) - nêu lý do lâu nay doanh nghiệp của bà “với không tới” hệ thống siêu thị Co.op dù rất muốn đưa hàng vào đây vì theo bà “nếu vào được thì hàng hóa mình có uy tín cao hơn”. Nguyên nhân doanh nghiệp bà chưa tiếp cận được siêu thị là mức chiết khấu quá cao khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó: “Nâng giá bán thì tội cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nghèo, còn hạ giá bán thì chúng tôi bị lỗ”.
Đáp lại băn khoăn của ông Hoàng, ông Nguyễn Thành Nhân lạc quan: “Anh vừa nói siêu thị đưa ra điều kiện anh với không tới. Cái này hồi xưa có thể với không tới chứ bây giờ thì không có vì đã có “cái thang” Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao rồi, họ sẽ “bắc” cho anh tới. Anh cần liên hệ để nơi này giúp đỡ cho mình. Còn thiếu gì, cần hỗ trợ gì, tư vấn gì thì Saigon Co.op sẵn sàng hỗ trợ”.
O bế hàng khi vào siêu thị
Chia sẻ về quá trình đưa đặc sản chả hoa Năm Thụy từ lúc còn “sơ khai” là patê chả lụa bán ở làng xã đến khi vào siêu thị, ông Nguyễn Trường Chinh - giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Năm Thụy (Trà Vinh) - không giấu giếm: “Lúc tiếp quản nghề từ cha mẹ để lại, chả hoa Năm Thụy chỉ là một món nem trôi nổi ở thị trường. Tôi nghĩ đến lúc nào đó thì người ta cũng ngán sản phẩm của mình nên cần phải mở rộng và tôi bắt đầu đi chào hàng ở nhà hàng, tiệc cưới, nhóm nấu... Lúc đầu khi đưa xem thì người ta lắc đầu, nói xấu xí vậy ai mua. Họ nhận xét vậy thì tôi nghĩ mình phải cải tiến, làm cho nó không xấu xí nữa nên hàng vào được siêu thị”.
Ông Trần Quốc Tuấn - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh - chia sẻ thêm: Trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp như chả hoa Năm Thụy, năm 2008 một nhóm doanh nghiệp làng nghề thông qua Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao kết nối với Co.op Mart và hàng đã vào được siêu thị này. “Lúc đó doanh nghiệp, cơ sở làng nghề mới hiểu được nhà phân phối cần gì, chất lượng thế nào để về thiết kế sản phẩm của mình cho phù hợp rồi từ từ siêu thị cũng quen và chấp nhận sản phẩm. Chả hoa Năm Thụy cũng nhờ vậy mà tiếp cận được siêu thị” - ông Tuấn nói.
Ông Trần Anh Thuy - giám đốc Công ty cổ phần rượu Phú Lễ (Bến Tre) - cũng chia sẻ “cơ duyên” đưa hàng vào siêu thị được là nhờ tiếp cận chương trình “Giỏ quà tết Việt” năm 2012. Đến nay công ty đã tiếp cận được 30 siêu thị của Co.op Mart trên toàn quốc.
Kể lại câu chuyện một doanh nghiệp lớn có nhu cầu mua hành tím ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhưng người kinh doanh hành tím lại không hề biết mà đi bán ở một nơi khác rồi bị lừa, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, nhận định “chúng ta quá thiếu thông tin, không có cầu nối phù hợp, kịp thời”. Bà Hạnh cho rằng những buổi gặp gỡ giữa các cơ sở qua chương trình kết nối các nhà sản xuất là để tham gia những cầu nối, tạo ra những cơ hội lớn hơn, khác hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ 50% chiết khấu cho đặc sản làng nghề Ông Nguyễn Thành Nhân thông báo với các doanh nghiệp và cơ sở đặc sản làng nghề về các chương trình mà Saigon Co.op hỗ trợ và dự kiến hỗ trợ. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại siêu thị, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ xét duyệt lại sáu tháng một lần đối với các đơn vị đặc sản làng nghề thay vì ba tháng như những đơn vị thông thường khác. Ngoài ra, ông Nhân cũng cho biết chương trình quan trọng mà Co.op dự kiến sẽ dành cho các đơn vị đặc sản làng nghề là hỗ trợ khoảng 50% chiết khấu khi đưa hàng vào siêu thị. Tuy nhiên chương trình này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thời gian đầu, khi hàng hóa vào siêu thị ổn định, doanh nghiệp phát triển mạnh thì phải cạnh tranh với những doanh nghiệp khác. Ông Nhân cho biết sắp tới Saigon Co.op sẽ đưa ra những tiêu chí cụ thể cho các doanh nghiệp tham gia chương trình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận