08/03/2017 11:12 GMT+7

Đặc nhiệm vùng biên - Kỳ 4: Chống buôn người

TẤN VŨ - ĐỨC BÌNH 
- ĐỨC DỤC
TẤN VŨ - ĐỨC BÌNH 
- ĐỨC DỤC

TTO - Từ một đặc nhiệm chống ma túy ở đồn biên phòng Nậm Xe (Điện Biên), với thành tích phá án quá ấn tượng, anh được điều về bộ chỉ huy biên phòng tỉnh.

Thiếu tá Trịnh Xuân Vui - Ảnh: NGỌC QUANG
Thiếu tá Trịnh Xuân Vui - Ảnh: NGỌC QUANG

Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng chưa một nhiệm vụ nào anh chối từ. Không biết bao nhiêu cô gái, trẻ em được anh cùng đồng đội giải cứu về với gia đình. Cũng không ít lần anh phải “câu” đối tượng từ bên kia biên giới về thẳng... nhà lao.

Anh là thiếu tá Trịnh Xuân Vui, một trinh sát kỳ cựu của các “vụ án buôn người”.

“Dù bác sĩ cấm tuyệt rượu bia, nhưng làm người lính trinh sát khi đi địa bàn không uống rượu với đồng bào thì không thể tạo sự thân thiện. Thậm chí phải uống rượu với cả con nghiện để làm quen, dò la tin tức. Có khi phải uống rượu ba, bốn ngày liên tục và sau đó là những nắm thuốc tây nhét đầy dạ dày.

Cứ như vậy mà dao găm súng đạn không ngán nhưng bệnh tật thì nó không chừa mình"

Thiếu tá TRỊNH XUÂN VUI

Khó hơn đánh án ma túy

Chiều 26-2, chúng tôi đến Lai Châu, đúng lúc biên phòng tỉnh này vừa bắt được Phàng Văn Phú, người đã dụ dỗ và bán hai cô gái qua Trung Quốc.

Thở hổn hển trong chiếc áo thun ố màu vừa từ hiện trường trở về, thiếu tá Trịnh Xuân Vui tươi cười kể chuyện đánh án. Anh bảo từ Tết Nguyên đán đến nay, anh liên tục di chuyển như con thoi từ các cánh rừng rồi lên biên giới, chưa ngày nào có bữa cơm trọn vẹn bên gia đình.

“Mới mùng 2 tết ở Phong Thổ nhiều người bị ngộ độc rượu chết, tôi phải khăn gói lên đường. Mọi chuyện chưa yên thì nay xảy ra vụ buôn bán người. Nhưng đã xác định nghề nghiệp của mình đã chọn thì phải vậy. Chỉ mong đời sống người dân biên giới được bình yên” - anh Vui tâm sự.

Kể về hai cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc lần này, anh Vui lắc đầu: “Vẫn là những chiêu trò quá cũ nhưng những cô gái nhẹ dạ thường hay mắc phải. Các đối tượng thường tán tỉnh nhau trên mạng, sau đó rủ nhau đi chơi, bị chở qua sát đường biên chỉ cần qua bên kia suối là bị khống chế”.

Rất may là hai cô gái khi bị dụ qua bên gần đường biên giới, nghi là mình bị lừa bán đã tháo chạy vào rừng. Hai nạn nhân đã phải trốn chui trốn nhủi một ngày một đêm trong rừng trước khi tìm đến một bản làng xin ăn và báo cho chính quyền địa phương.

Khi mất dấu hai cô gái, các đối tượng quay lại các bản làng để truy lùng, yêu cầu người dân thả nạn nhân và kéo người đi.

Trưởng bản là cơ sở của biên phòng nên ngay sau đó, một tổ trinh sát tức tốc tiến hành mật phục và Phàng Văn Phú bị bắt.

Ban đầu Phú cương quyết không khai nhận hành vi buôn bán người, liên tục đau bụng vật vã, biên phòng phải chở Phú qua bệnh viện tỉnh để chụp phim, điều trị. Các trinh sát phải bố trí canh phòng ở các cửa ra vào, thậm chí những bác sĩ điều trị cũng là trinh sát, vì nếu sơ hở đối tượng này có thể trốn thoát qua biên giới bất cứ lúc nào.

Thiếu tá Vui giãi bày: “Bắt đối tượng buôn người không khó nhưng để củng cố đủ chứng cứ, viện kiểm sát phê chuẩn việc bắt người không đơn giản. Họ rất sợ oan sai, có nhiều vụ việc họ chấp nhận “bỏ sót hơn bắt nhầm”, nhưng nếu thả người thì nhiều nạn nhân khác sẽ lại bị lừa bán. Bắt ma túy dễ hơn ở chỗ nếu bắt người cùng tang vật thì không còn gì để chối cãi”.

Thượng úy Phạm Tuân (đồn biên phòng Dào San) điều tra vụ hai cô gái bị bắt bán qua biên giới vừa được Biên phòng Lai Châu cứu thoát - Ảnh: BP Lai Châu cung cấp
Thượng úy Phạm Tuân (đồn biên phòng Dào San) điều tra vụ hai cô gái bị bắt bán qua biên giới vừa được Biên phòng Lai Châu cứu thoát - Ảnh: BP Lai Châu cung cấp

Sập bẫy “chim mồi”

Để bắt được các đầu nậu tinh ranh từ bên kia biên giới, thiếu tá Vui đã nghĩ ra cách dùng “chim mồi” để dụ đối tượng.

Lù Văn Vuông (ở Tam Đường, Lai Châu), một đối tượng vừa ra tù đã trở lại con đường buôn bán trẻ em, phụ nữ, đang nằm trong tầm ngắm của các trinh sát nhưng hắn luôn ở bên kia biên giới.

Sau hàng tháng trời vận động, các trinh sát biên phòng được một cán bộ ở xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) chấp nhận giúp sức. Ông đồng ý để con gái mình làm “chim mồi” nhử Vuông sang bên này biên giới.

“Để họ tin và đưa con giúp sức đi đánh án là điều không dễ. Gia đình dù chấp nhận nhưng chồng của cô gái thì sợ mất vợ nên cứ điều tra kỹ hỏi chúng tôi là ai, tại sao chở vợ anh ta đi nhiều ngày đêm? Có bán sang biên giới không? Mọi việc rất khó!” - thiếu tá Vui kể.

Người phụ nữ làm “chim mồi” liên tục dùng sim rác nhá vào máy của Vuông. Khi Vuông gọi lại, theo kịch bản định sẵn, người phụ nữ hỏi xin sang Trung Quốc để tìm việc làm.

Sau nhiều ngày lôi kéo, Vuông cho biết sẽ xin việc cho cô với điều kiện phải vượt biên sang Trung Quốc. Cô được đưa đến điểm hẹn là một con suối rộng, giữa đêm lạnh cóng, nơi các trinh sát mai phục sẵn.

Khi Vuông bơi sang dắt người thì bị bắt và khai nhận toàn bộ việc buôn bán người trước đó của mình.

Cũng bằng cách dùng “chim mồi” này, biên phòng Lai Châu đã bắt Lý Kiến Minh, một người Trung Quốc nhiều lần buôn bán trẻ em và phụ nữ Việt Nam.

Mỗi năm thiếu tá Vui cùng đồng đội phá không dưới 10 vụ án buôn bán người và ma túy. Người trinh sát kỳ cựu này trần tình: “Cơ quan công an người ta làm việc này dễ hơn biên phòng vì họ có thể khởi tố vụ án trước rồi bắt người chứng minh sau, nhưng biên phòng thì làm ngược lại nên mọi chuyện dễ gặp bất trắc. Mọi thứ phải bảo đảm đúng và không được oan sai”.

Người sĩ quan này rắn rỏi như thanh thép, võ nghệ thuộc hàng cao thủ, nhưng ba tháng anh phải vào viện một lần. Căn bệnh viêm gan siêu vi B dương tính buộc thiếu tá Vui phải điều trị liên tục. Mỗi ngày một viên thuốc 150.000 đồng, anh phải dùng hằng ngày liên tục sáu năm qua. Mỗi tháng 6 triệu tiền thuốc, chưa kể tiền điều trị cho vợ bị ác tính tuyến giáp. Vậy mà hai vợ chồng vẫn động viên nhau gắng sức nuôi hai con nên người.

“Bao nhiêu tiền bạc đều dồn vào chữa bệnh cho hai vợ chồng. Nguyện vọng duy nhất của chúng tôi là mong bệnh tật nằm im để được sống nhìn con khôn lớn” - thiếu tá Vui tâm tư.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người ngày càng tinh vi, để bán người sang Trung Quốc, chúng thường ra chiêu dụ dỗ nạn nhân vượt biên qua cửa khẩu để kiếm việc làm. Khi các nạn nhân qua khỏi đường biên thì bị chúng bắt bán, nhiều người trốn thoát về trình báo, nhưng không gian và thời gian đều xảy ra ở nước ngoài nên thiếu chứng cứ cụ thể để làm án.

Có những vụ bắt được thủ phạm nhưng biên phòng phải thả ra dù họ thừa nhận có bắt người đi bán. “Chúng buôn người bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm giấy thông hành để sang bên kia rồi bắt bán. Vì có lời khai từ một phía nạn nhân nên viện kiểm sát không nhất trí. Điều thứ hai là không có vật chất trao đổi, vật chứng minh cũng không có nên đành buông tay”- thiếu tá Vui cho biết.

 

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Đối mặt với ông trùm

>> Kỳ 2: Những người giấu mặt 

>> Kỳ 3: Trung úy “thổ phỉ”

 

TẤN VŨ - ĐỨC BÌNH 
- ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên