Một vụ buôn lậu ngà voi được lực lượng đặc nhiệm Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ - Ảnh: Chi cục hải quan Tân Sơn Nhất cung cấp |
14g30. Chiếc ôtô bảy chỗ dán kính màu đen lao ra khỏi sân trụ sở Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hòa vào dòng xe cộ vun vút trên đường. Chiếc xe chạy thẳng hướng cảng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trong xe, lực lượng “đặc nhiệm” thuộc tổ kiểm soát hàng hóa hải quan chuẩn bị sẵn sàng tác chiến. “Tổ kiểm soát gồm chín thành viên. Chỉ cần nghe thông tin hàng nóng lọt về bằng đường hàng không là 24/24 giờ chúng tôi phải có mặt” - ông Nguyễn Văn Sơn, đội phó, cho biết.
“Chuyên án”... thùng hạt điều
Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ sáu vụ vận chuyển trái phép ngà voi với trọng lượng hơn 300kg, tổng trị giá ước tính trên thị trường hơn 18 tỉ đồng. Cùng thời gian này cũng đã phát hiện một vụ buôn lậu 13kg sừng tê giác trị giá khoảng 15 tỉ đồng, năm vụ vận chuyển trái phép chất ma túy với 2kg tiền chất ma túy và hơn 15kg cocain, bắt giữ bốn người với tổng giá trị tang vật ước tính gần 100 tỉ đồng. |
Tại sân đỗ máy bay, hàng hóa ra vào kho nhộn nhịp. Một thùng cactông lớn được đóng gói cẩn thận, xuất từ máy bay của Hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) lọt vào tầm ngắm của lực lượng “đặc nhiệm”.
Trên vận đơn đề dòng chữ: Người gửi: C.F, người nhận: Công ty VTTH (Hà Nội). Tên hàng hóa: Hạt điều. Thùng hàng ấy về từ châu Phi. Một loạt nghi vấn được tổ đặc nhiệm đặt ra: Vì sao hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài thay vì Tân Sơn Nhất? Tên hàng hóa kê khai là hạt điều? VN là nước có rất nhiều hạt điều và hạt điều rất phổ biến, sao phải gửi về từ tận châu Phi?...
Thông tin từ hiện trường lập tức báo cáo về ban chỉ huy. Lúc này, ông Đỗ Thanh Quang - chi cục trưởng Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - quyết định xác lập chuyên án để phá án.
“Tôi cử cán bộ trinh sát bay từ TP.HCM ra Hà Nội tìm hiểu thông tin, địa chỉ người nhận. Truy tìm thông tin về người nhận, trải qua ba lần xác minh thì phát hiện đây là một địa chỉ ảo của những người buôn lậu ngà voi dựng lên để đánh lạc hướng cơ quan chức năng nếu bị phát hiện” - ông Quang nhớ lại.
Khi trinh sát từ Hà Nội quay về TP.HCM báo cáo cụ thể tình hình, lực lượng hải quan tại sân bay phối hợp với lực lượng kiểm soát phòng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng tại TP.HCM cùng kiểm tra thùng hạt điều trên.
59 chiếc ngà voi với trọng lượng hơn 40kg được vùi giấu tinh vi trong hàng chục ký hạt điều đã làm những người có mặt bất ngờ. Những khúc ngà voi này được bọc rất kỹ bằng giấy bạc, ước tính giá trị lên đến hơn 2,4 tỉ đồng.
Đó chỉ là một trong nhiều vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác mà lực lượng hải quan chống buôn lậu của Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện, xử lý.
Hằng ngày, chiếc xe của lực lượng đặc nhiệm vẫn liên tục di chuyển âm thầm trong sân bay. Ra tới sân đỗ máy bay, chiếc xe đậu nép sau một chiếc máy bay vận tải rồi dừng. Lúc này, gương mặt của ông Hà Văn Bá - đội phó đội kiểm soát hàng hóa - cùng các cán bộ trên xe tập trung cao độ nhìn qua lớp kính xe màu đen. Những cặp mắt nheo nheo, chăm chú. Một lát sau, chiếc ôtô lặng lẽ chạy qua một điểm khác để tiếp tục trinh sát...
“Chọn một vị trí thích hợp để tránh bị lộ. Chúng tôi ngồi ngay trên xe, lúc cần sẽ sử dụng ống nhòm quan sát. Ống nhòm có loại dành riêng cho ngày và loại sử dụng được trong điều kiện trời tối cho ban đêm” - ông Bá tiết lộ về những ống nhòm hồng ngoại mang theo trên xe. Ông Bá cũng cho biết “vũ khí” trên giúp kiểm soát được việc bốc dỡ hàng hóa từ xa để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường tại sân đỗ máy bay cả ngày lẫn đêm.
Thủ đoạn tinh vi
Ông Tống Lê Dân - chi cục phó Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết gần đây lực lượng chức năng phát hiện và bắt nhiều vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác bằng đường hàng không vì đây là những vật có giá trị kinh tế rất cao và khó bị phát hiện khi giấu trong các thùng hàng.
“Đối với sừng tê giác, một chiếc sừng ước tính có giá lên đến 7-10 tỉ đồng nên dân buôn lậu thường chọn cách xách tay. Nhưng ngà voi thì thường không mang theo người mà được gửi theo đường hàng không dưới dạng bưu phẩm, bưu kiện. Địa chỉ ghi trên vận đơn thường là địa chỉ ảo. Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng bỏ luôn hàng” - ông Dân nói.
Theo ông Dân, không những cất giấu tinh vi lẫn trong hàng hóa, việc lựa chọn hình thức vận chuyển sao cho không “mất người”, dân buôn lậu ngà voi cũng “đánh hơi” hàng rất giỏi. Chủ hàng đã theo dõi ngay khi hàng vừa xuống sân bay, vào kho. Một khi “có động” như hàng hóa bị soi chiếu, kiểm tra kỹ là sẽ từ chối nhận hàng ngay.
“Chúng tôi luôn chú ý đến những tuyến bay trọng điểm, nơi xuất phát hàng đi từ những quốc gia trọng điểm” - một thành viên tổ kiểm soát hàng hóa hải quan cho biết. Đồng thời “sưu tra” đối tượng: đến tận nhà người nhận hàng để kiểm tra, “không thể có chuyện một ông xe ôm lại nhận lô hàng to như thế”.
Từ danh sách các hãng hàng không cung cấp, lực lượng sẽ “tầm soát” đối tượng, lọc ra những người cần thiết, có khi mất rất nhiều thời gian mới tìm được đúng đối tượng.
“Lực lượng hải quan soi chiếu theo hình dáng và màu sắc thu được. Người soi chiếu hàng hóa phải là người có đầu óc tưởng tượng cao. Phải biết sừng tê giác có hình dạng như thế nào, ngà voi hình dạng ra sao... Một chai dầu gội nếu là chất lỏng thì phải có một màu cố định, bên trong là dạng bột chắc chắn sẽ cho màu sắc khác” - các thành viên tổ đặc nhiệm chia sẻ.
Từ kinh nghiệm kiểm tra hàng lậu lâu năm của mình, ông Dân kể vui ông thường đi siêu thị mua đồ hộp mang về chụp ảnh, lấy hình ảnh để phân tích, nâng cao nghiệp vụ soi chiếu cho lực lượng đặc nhiệm của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận