31/10/2013 11:34 GMT+7

Đã từng khát khao, đã từng hăm hở

THU HÀ
THU HÀ

TT - Thật ra, không phải đến khi Lê Hoàng thắng lớn với Gái nhảy, ý thức “chinh phục thị trường” mới được gieo mầm và lớn dần trong các đạo diễn trẻ.

Ít ai ngờ được và còn nhớ, bộ phim được coi là “thị trường” đầu tiên của điện ảnh quốc doanh - mà khi còn chiếm ưu thế tuyệt đối, lại là của một đạo diễn Hà Nội, đạo diễn “nhà nước 100%”: Chiến dịch trái tim bên phải của Đào Duy Phúc do Hãng Phim truyện 1 sản xuất. Sự thụ động của cơ chế phát hành phim nhà nước lúc đó đã khiến bộ phim chỉ được chiếu ra mắt cho báo chí và vài buổi tại các rạp chiếu bóng quốc doanh, không có nổi một băngrôn quảng cáo.

Vì thế, dù hấp dẫn và được học sinh sinh viên đón nhận nồng nhiệt trong các dịp chiếu miễn phí ở các trường học, bộ phim đã không có doanh thu như nó đáng được có. Khi Chiến dịch trái tim bên phải vào Sài Gòn, hiệu ứng khác hẳn. Ngay trong tối trình chiếu bộ phim này, đại diện của hãng phim tư nhân Galaxy đã gọi điện ra Hà nội đặt hàng Đào Duy Phúc làm bộ phim chiếu tết 2004 Hai trong một, dựa trên kịch bản cũ của Hollywood Some like it hot.

Một đạo diễn trẻ khác cũng hăm hở và chủ động “làm phim kiểu Hollywood” là Bùi Tuấn Dũng với kịch bản Vũ điệu tử thần. Một kịch bản phim hành động: nhanh, mạnh, gay cấn, hài hước và bất ngờ. Nhưng, lại nhưng, cơ chế làm phim kiểu nhà nước giai đoạn đó (2006) với đủ tầng nấc biên tập và kiểm duyệt cả nội dung lẫn tài chính đã khiến bộ phim trở thành một sản phẩm nửa vời - như chính đạo diễn buồn bã thú nhận. Việc không nhận được thêm một chút kinh phí quảng cáo nào khi ra rạp đã khiến một bộ phim có đầy đủ những yếu tố có thể bán vé chìm hẳn vào quên lãng.

Đã từng khát khao, đã từng hăm hở bước chân vào thị trường, nhưng rồi không ít đạo diễn trẻ những ngày ấy đột ngột chọn cho mình một hướng đi khác. Như Đào Duy Phúc nhận làm phim truyền hình dã sử Trần Thủ Độ và tiêu tốn ba năm cùng quá nhiều giấy mực của báo chí, rồi nhận lời làm giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân; Bùi Tuấn Dũng làm phim đặt hàng của Nhà nước, thành công với giải thưởng nhưng cũng có nghĩa không hi vọng gì ở doanh thu phòng vé.

Nhưng “phòng vé” vẫn đứng đó như một thách thức. Bùi Tuấn Dũng tỏ ra thẳng thắn và quyết liệt: “Tự do sáng tạo là con đường ngắn nhất để đến với khán giả và buộc họ phải... mua vé”. Theo Dũng, tự do sáng tạo ở đây biểu hiện ở rất nhiều công đoạn khác nhau trong công nghệ làm phim: nhà đầu tư để cho nghệ sĩ thể hiện hết ý tưởng của mình mà không bị đè nặng bởi ách doanh thu, nhà quản lý nghĩ thoáng hơn, tôn trọng nghệ sĩ hơn khi duyệt kịch bản (nếu là phim nhà nước) và khi duyệt phim (với mọi phim nhà nước, tư nhân, phim sản xuất trong nước và nhập khẩu). Bùi Tuấn Dũng cũng cho rằng những phim chiến tranh, phim về đề tài lịch sử, phim mang nặng tính phong tục... nếu được làm bài bản, chuyên nghiệp, dám sử dụng kỹ xảo hiện đại sẽ làm bật lên được cái “chất Việt”, yếu tố quan trọng nhất phân biệt phim VN với phim nước ngoài, chứ không phải học đòi Hollywood hay Pháp hay Hàn một cách méo mó, ngây ngô.

Đào Duy Phúc thì cho rằng phim VN thiếu nhất vẫn là kịch bản hay: “Luôn có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền và tôi cũng sẵn sàng gác hết công việc đang có để đi làm một bộ phim nếu kịch bản thật sự hay, nhân vật thật thông minh, câu chuyện thật cảm động. Nhưng không có hoặc chưa có”.

Với Bùi Tuấn Dũng, anh cho rằng phòng vé là nơi đương nhiên phải hướng đến, và anh vẫn hướng đến xưa nay, nhưng lỡ nhịp do những yếu tố “ngoài khả năng quyết định của bản thân”: “Vũ điệu tử thần là một kịch bản dành cho thị trường, nhưng tôi không có quyền làm phim theo ý mình, đến Những người viết huyền thoại, tôi có quyền làm phim theo ý mình, nó lại là một kịch bản được duyệt trước, một kịch bản không bao hàm yếu tố khán giả. Tôi nhìn Victor Vũ làm phim mà tiếc cho mình: anh ấy đã gặp được một nhà đầu tư đủ nhạy cảm và khôn ngoan, và anh ấy đã tận dụng tốt các cơ hội của mình”.

Cân nhắc đến tính thực tế của thị trường, Bùi Tuấn Dũng nhìn nhận: “Thị trường này, tình hình kinh tế này, có lẽ trong vài năm tới các đạo diễn phải vui lòng với hạn mức đầu tư là 10 tỉ đồng, cũng như đường VN toàn giới hạn tốc độ 40-50 km/giờ, sắm siêu xe chẳng phải quá nhẫn tâm hay sao?”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phim hài - lối đi an toànKhán giả Việt thông minh nhưng... phức tạpPhim hoạt hình Việt: le lói lạc quanPhim ngắn - đường dài hay cuộc chơi?Học làm phim với đạo diễn từng đoạt ba giải Oscar

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên