29/10/2013 08:04 GMT+7

Phim hài - lối đi an toàn

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TT - Trong hai màn trình làng mới đây, thị trường điện ảnh Việt xuất hiện thêm hai gương mặt đạo diễn mới: Thiện Ðỗ với Tiền chùa và Hàm Trần với Âm mưu giày gót nhọn. Ra mắt sau một ngày và doanh thu kém hơn Âm mưu giày gót nhọn, nhưng Tiền chùa cũng đã thu về 5 tỉ đồng sau tám ngày công chiếu đầu tiên.

Bài 1: “Ăn đong” thị hiếu

pGcf79v5.jpgPhóng to
Hai phim hài Âm mưu giày gót nhọn (trái) và Tiền chùa đang có doanh thu phòng vé khá khả quan - Ảnh: Galaxy - Megastar

Tiền chùa sáng tạo hơn về tứ phim nhưng thiếu đột phá để vượt lên trở thành một bộ phim giải trí bình bình. Trong khi đó, với một êkip mạnh và nắm bắt công thức làm phim "rom-com" (hài lãng mạn) và "chick-flick" (phim dành cho nữ giới) kiểu Hollywood, Âm mưu giày gót nhọn mang đến một làn gió tươi tắn cho thị trường phim Việt.

Và xem ra xu hướng của phim Việt, ít nhất trong vài năm tới, có vẻ như theo hướng phim hài mà đi!

Câu trả lời từ phòng vé

Hai thị trường điện ảnh phát triển thần tốc nhất ở châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và nền điện ảnh đang lên Thái Lan hình như cũng đang đi theo xu hướng phim hài trong vài năm gần đây.

Trung Quốc tham vọng đuổi kịp điện ảnh Mỹ trong vòng 20 năm nữa về mặt thị trường, còn Hàn Quốc là nước có tỉ lệ người xem đến rạp cao nhất thế giới. Ðây cũng là hai nền điện ảnh nội địa hóa tốt nhất khi hoàn toàn đánh bật phim Hollywood ra khỏi top những phim doanh thu cao nhất hằng năm. Ðiều đặc biệt là những bộ phim ăn khách bậc nhất ở thị trường nội địa các nước này đều là phim kinh phí thấp, thuộc thể loại hài hoặc tâm lý chứ không phải những bộ phim bom tấn.

Tại Trung Quốc, cuối năm ngoái, bộ phim hài hành trình Lost in Thailand của đạo diễn mới Từ Tranh (vốn là một diễn viên) có kinh phí 5 triệu USD nhưng doanh thu tới 205 triệu USD tại phòng vé, trở thành phim nội địa ăn khách nhất mọi thời đại tại nước này. Ðầu năm nay, bộ phim hài Journey to the West: Conquering the Demons (Tây du ký - Mối tình ngoại truyện) của Châu Tinh Trì cũng đứng đầu bảng top 10 phim doanh thu cao nhất năm nay, xấp xỉ 200 triệu USD. Hai bộ phim tâm lý So young (Thời thanh xuân)Tiny times (Tiểu thời đại) của hai đạo diễn lần đầu làm phim là nữ diễn viên Triệu Vy và nhà văn Quách Kính Minh cũng có mức doanh thu đáng kinh ngạc: 114 triệu USD và 77 triệu USD. Cả hai bộ phim này đều hoài niệm về những năm tháng thanh xuân của giới trẻ Trung Quốc thập niên 1990 hay những năm đầu thế kỷ 20.

Hàn Quốc không thiếu những bộ phim thu hút trên 10 triệu lượt người xem (so với mức dân số 50 triệu người). Bộ phim có doanh thu cao nhất Hàn Quốc năm nay là phim tâm lý cảm động về tình cha con có tên Miracle in cell No. 7(Ðiều kỳ diệu ở phòng giam số 7) thu hút hơn 13 triệu lượt người và đạt mức doanh thu 82 triệu USD. Bảy bộ phim nội địa khác nằm trong top 10 đều có mức doanh thu từ 30-60 triệu USD tại thị trường Hàn Quốc. Ðể có được một thị trường điện ảnh nội địa phát triển bậc nhất thế giới, điện ảnh Hàn Quốc phải mất gần 30 năm gầy dựng và có các chính sách bảo hộ nền điện ảnh của họ.

Thị trường điện ảnh VN có bước phát triển khá nhanh chóng trong vài năm gần đây. Hệ thống rạp chiếu cũng tăng liên tục. Năm ngoái tờ Hollywood Reporter đánh giá thị trường điện ảnh VN là một trong những nước có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất. Dù vậy, đến nay những bộ phim VN có mức doanh thu cao nhất như Long ruồi, Cô dâu đại chiến, Ðể Mai tính hay Mỹ nhân kế đều mới chỉ dừng ở mức 2-3 triệu USD (40-60 tỉ đồng). Ðiều này cho thấy tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt còn rất lớn. Và cùng với hệ thống rạp chiếu mọc lên liên tục như hiện nay, trong vài năm nữa mức doanh thu từ 5-7 triệu USD (khoảng 100-150 tỉ đồng) không phải là điều bất khả thi.

Vậy ai sẽ là đạo diễn chạm đến con số đáng mơ ước đó và đường đi nào để phim Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa như Trung Quốc, Hàn Quốc hay gần đây là Thái Lan làm được?

Ðể trả lời câu hỏi đó, các nhà sản xuất phim và đạo diễn cần có một chiến lược lâu dài để nghiên cứu và chinh phục thị hiếu khán giả hơn là cách làm phim "ăn đong" thị hiếu như hiện nay.

Theo dấu phim hài

Trong số các đạo diễn mát tay tại phòng vé, Victor Vũ và Charlie Nguyễn vẫn là hai cái tên nổi bật nhất. Nếu Victor Vũ chinh phục khán giả với lối làm phim mạnh về kịch tính và giỏi biến hóa ở các thể loại, thì Charlie Nguyễn mạnh về các mảng miếng hài trào lộng với một công thức sáng tạo. Họ đều là những đạo diễn nắm bắt thị hiếu khán giả giỏi và luôn biết cách chinh phục khán giả ở mỗi bộ phim mới. Cú sốc 16 tỉ đồng mất trắng với Bụi đời Chợ Lớn không làm Charlie Nguyễn gục ngã. Anh chuẩn bị trình làng bộ phim hài hành trình Tèo em, rất có thể sẽ trở thành một Lost in Thailand ở VN và đang chuẩn bị quay Ðể Hội tính - phần tiếp theo của Ðể Mai tính với "át chủ bài" Thái Hòa. Trong khi đó, Victor Vũ có đến hai bộ phim (Cô dâu đại chiến 2 Quả tim máu)chờ ngày trình chiếu.

Theo dấu phim hài, ngoài bốn bộ phim trên, từ nay cho đến cuối năm sẽ là những cuộc trình diện của nhiều phim hài khác như Tía ơi, Ðại náo học đường, Năm sau con lại về...

Hiện tại, cuộc ra mắt của hai bộ phim hài theo hai phong cách khác nhau: Tiền chùa của Thiện Ðỗ có hơi hướng hài châm biếm (dark comedy) trong khi Âm mưu giày gót nhọn của Hàm Trần thiên về hài lãng mạn (rom-com) sẽ cho thấy thị hiếu của khán giả Việt rõ hơn từ kết quả của doanh thu phòng vé.

Với những đạo diễn nội địa, điều đáng buồn là sau hơn 10 năm vẫn chưa xuất hiện một gương mặt mới nào sau Vũ Ngọc Ðãng và Nguyễn Quang Dũng, ngay cả khi hai đạo diễn này cũng đã có dấu hiệu xuống tay từ nhiều năm qua.

Muốn có một nền điện ảnh phát triển bền vững, chắc chắn phải có một thị trường phát triển bền vững, mà trong đó doanh thu từ phòng vé là câu trả lời chính xác nhất. Khi có những bộ phim giải trí thành công về doanh thu, các hãng phim mới có vốn đầu tư cho các dự án nghệ thuật để tham dự các liên hoan phim quốc tế mà không phải quá lo lắng về doanh thu của phim. Ðó là hướng đi của Trung Quốc hay Hàn Quốc trong nhiều năm qua.

Ở VN, thất bại của bộ phim giàu tính thể nghiệm như Ðường đua cho thấy ở thời điểm này các hãng phim tư nhân sẽ còn phải cân nhắc trong việc đầu tư cho các dự án còn kén khán giả. Trong khi đó, việc trao giải vàng cho bộ phim Scandal (Bí mật thảm đỏ) của Victor Vũ tại Liên hoan phim VN lần thứ 17 vừa qua cho thấy Hội Ðiện ảnh cũng bắt đầu chú trọng hơn đến thị trường điện ảnh Việt.

Châu Á - phim nội địa thắng thế

Điện ảnh khu vực châu Á đang có những bước tăng trưởng về doanh thu phòng vé đáng kinh ngạc, thậm chí sẽ vượt Bắc Mỹ chỉ trong vòng 20 năm nữa. Đó là những dự báo được đưa ra tại Liên hoan phim Busan mới đây. Nhìn vào bảng doanh thu phòng vé cũng có thể thấy rõ điều này. Thử nhìn vào bốn nước có nền điện ảnh lớn nhất châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý, trong số 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2013 tính đến thời điểm này, có tới 8, thậm chí 9 phim nhập khẩu từ Hollywood. Trong khi đó, nếu nhìn vào bảng doanh thu của phòng vé bốn nước có nền điện ảnh lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, tỉ lệ này là ngược lại với 7, 8 phim nội địa đứng trong top 10 và đều ở những vị trí hàng đầu.

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng nổi lên như một hiện tượng với nhiều bộ phim nội địa đạt doanh thu cao. Mùa hè 2013, bộ phim hài kinh dị Pee Mak Prakanong (Tình người duyên ma) của Thái Lan đạt doanh thu cao kỷ lục 33 triệu USD so với mức kinh phí chỉ khoảng 2 triệu USD.

L.Lê

* Bà Đinh Thanh Hương (tổng giám đốc Công ty CP phim Thiên Ngân):

Làm phim ở VN mạo hiểm cao

Sáu phim Việt đạt doanh thu không như kỳ vọng kể từ đầu năm 2013 đến nay khiến những người đầu tư, sản xuất phim như chúng tôi càng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn mỗi khi đưa một dự án phim vào sản xuất. Trước khi bắt đầu một dự án, chúng tôi luôn phải thực hiện nhiều khâu thẩm định như thẩm định kịch bản, lựa chọn tên phim, rồi mới cân nhắc chỉnh sửa và đưa vào sản xuất. Phim làm xong, chúng tôi lại thực hiện việc lấy ý kiến một số chuyên gia trong nghề, ý kiến của các nhóm khán giả để đo lường trước sự đón nhận từ công chúng khi phim ra rạp. Đó là những công việc cần thiết luôn phải làm. Tuy vậy thị hiếu của khán giả Việt cũng là một yếu tố khó có thể nắm bắt được chắc chắn vì nó luôn biến động và thẩm mỹ của khán giả không ngừng nâng cao. Chưa kể, thị trường điện ảnh Việt dù đang phát triển khá nhanh nhưng nhìn chung vẫn còn nhỏ và luôn chịu sức ép cạnh tranh từ những phim ngoại nhập về hằng tuần. Chúng tôi luôn phải giải bài toán: làm phim gì, làm thế nào, phát hành vào thời điểm nào...

Với Quả tim máu - bộ phim ly kỳ/hài hước do Victor Vũ đạo diễn, ban đầu chúng tôi dự định đưa ra rạp mùa Noel, nhưng một dự án phim Việt khác cũng chọn cùng thời điểm đó để khởi chiếu nên chúng tôi quyết định thay đổi thời điểm khởi chiếu sang dịp Valentine 2014. Thứ nhất là vì chúng tôi không muốn hai phim Việt phải cạnh tranh với nhau sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của cả hai, thứ hai là Quả tim máu cũng rất phù hợp cho dịp Lễ tình nhân với câu chuyện tình yêu mang màu sắc kỳ bí. Với một dự án khác là Kỹ nữ máu và tình yêu xanh, chúng tôi cũng quyết định tạm dừng sản xuất mặc dù đây là một kịch bản rất hay. Lý do là chúng tôi cần đánh giá lại hiệu quả thương mại và cần thêm thời gian tìm hướng đi mới cho phim.

Làm phim ở VN luôn phải chấp nhận mức độ mạo hiểm cao, nhưng không thể không làm vì nếu không nền điện ảnh nước nhà sẽ không thể phát triển. Nhưng để làm được những bộ phim thành công cả về doanh thu và chất lượng, nhận được sự đón nhận và phản hồi tốt từ công chúng - như bộ phim Âm mưu giày gót nhọn đang được công chiếu - đòi hỏi những nhà làm phim như chúng tôi phải luôn đi sát với thị trường, đi sát với khán giả và ngày càng có sự đầu tư công phu hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm.

C.K. ghi

* Bà Bích Liên (giám đốc Hãng phim Sóng Vàng):

Chọn phim hài là đương nhiên

Chúng tôi mới chỉ chọn thị trường tết để sản xuất phim nên việc chọn làm phim hài là đương nhiên bởi ngày tết ai cũng thích xem phim giải trí vui vẻ chứ chẳng ai thích xem đánh đấm hay ghê rợn. Sau Nhà có năm nàng tiên thì tết 2014 chúng tôi tiếp tục tung ra bộ phim hài mới Năm sau con lại về.

Trong thực tế sản xuất phim VN hiện nay thì làm phim lịch sử là khó nhất, vì thường chúng ta làm chưa tới. Phim tình cảm pha ít hài ra rạp cũng khó vì khán giả không tin vào câu chuyện khi diễn xuất của diễn viên mình chưa thật xuất sắc. Theo tôi, ba thể loại phim có thể tồn tại được ở thị trường Việt là phim hài, kinh dị và võ thuật. Trong đó, phim hài là sự lựa chọn an toàn nhất. Để có phim hài hút khán giả, nội dung phim phải là câu chuyện nhân văn, đạo diễn có tay nghề và dàn diễn viên hài phải có duyên chứ đừng bị “phô” quá.

H.Lê ghi

* Bà Ngô Thị Bích Hiền (giám đốc Công ty BHD tại TP.HCM):

Thị hiếu khán giả là một thách thức

Ngay từ đầu, BHD và những nhà đầu tư phim Lửa Phật đều thống nhất với nhau rất rõ: nếu hòa vốn đã là một thành công. Dẫu biết sẽ khó khăn nhưng chúng tôi vẫn làm, bởi chúng tôi mong muốn có sự đột phá mới trong thể loại. Doanh thu phim ở VN không cao như chúng tôi kỳ vọng, nhưng việc bán được phim Lửa Phật cho hơn 20 nước trên thế giới, việc mà cho đến nay chưa có một phim VN nào làm được, trong đó bao gồm cả thị trường khó tính Bắc Mỹ, với chúng tôi là một thành công lớn.

Tất nhiên việc sản xuất phim hài trong điều kiện hiện nay là một bài toán an toàn về tài chính nhưng trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi vẫn đang lên kế hoạch sản xuất các thể loại phim khác như kinh dị, hành động, tâm lý xã hội... Việc lùi lịch quay phim Quyên là do Nguyễn Phan Quang Bình dành thời gian vào một sô truyền hình lớn của công ty và do chúng tôi đang cân nhắc tỉ lệ quay tại châu Âu và VN sao cho hợp lý về tài chính. Với BHD, việc cân đối giữa thị hiếu khán giả và những mong muốn của mình cùng sự sáng tạo của những người nghệ sĩ luôn là định hướng của chúng tôi. Thị hiếu khó đo lường của khán giả vừa là rủi ro, vừa là một thách thức thú vị đối với chúng tôi.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên