Thứ 7, ngày 25 tháng 6 năm 2022
Đã trả gấp đôi mức lương tối thiểu, vì sao vẫn muốn lùi thời điểm tăng lương?
TTO - Hiện nay phần lớn doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn muốn lùi thời điểm tăng lương tối thiểu, vì sao?

Người lao động đang rất trông chờ được tăng lương - Ảnh: VŨ THỦY
Việc 8 hiệp hội đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu sang năm 2023 đang tạo ra nhiều tranh luận trái chiều, khi cả công nhân và doanh nghiệp đều đang chịu sức ép tăng giá.
Lương tối thiểu tăng thì doanh nghiệp tăng lương
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân - chủ tịch công đoàn một công ty tại KCX Linh Trung 2 (TP.HCM) - cho biết hiện nay mức lương thấp nhất mà công ty đang trả cho lao động tuyển mới là 5,22 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp như chuyên cần, tiền trông con…
Về mức lương thực tế của người lao động, bà Vân cho biết hiện nay lương cơ bản của người lao động công ty bà dao động từ 7,8 - 8 triệu/tháng. "Mặc dù mức lương cơ bản trong hợp đồng là 5,22 triệu nhưng khi cộng các khoản phụ cấp, thu nhập bổ sung thì cũng ở vào mức 7 triệu đồng", bà nói thêm.
Theo bà Vân, trước đại dịch công ty đều đặn tăng mức lương khoảng 200.000 đồng/tháng hằng năm. Hai năm nay, khi Nhà nước không điều chỉnh lương tối thiểu thì công ty cũng không tăng nên công nhân cũng rất mong chờ đợt tăng lương lần này.
"Giá cả tăng cao, chi tiêu ngày càng đắt đỏ nên khi nghe nói điều chỉnh lương tối thiểu, công nhân công ty tôi đang rất xôn xao. Bởi vì họ biết là công ty sẽ tăng lương, còn tăng bao nhiêu thì chưa biết. Họ không hiểu và cũng không quan tâm mức tăng 6% như Hội đồng Tiền lương quốc gia kiến nghị Thủ tướng là như thế nào", bà Vân chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp đều đã trả mức lương trên mức lương tối thiểu vùng, thậm chí gấp đôi và đang hỗ trợ thêm cho người lao động trước những tác động của dịch COVID-19. Nhưng việc tăng lương này sẽ là động thái khiến họ sẽ phải tính toán tăng lương tiếp.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - giám đốc điều hành Economica Vietnam, trên thực tế, mức lương tối thiểu đang rất thấp so với nhu cầu chi tiêu của người lao động.
Tuy nhiên, việc Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm gửi tín hiệu rất mạnh đến thị trường, buộc các doanh nghiệp phải có động thái để tăng lương dù nhiều doanh nghiệp đã trả cao hơn mức lương tối thiểu.
Không thể trông chờ mãi vào nhân công giá rẻ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, một trong những đơn vị cùng gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng xin lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng - cho rằng ngành công nghiệp gỗ cũng như nhiều ngành khác đang chịu áp lực nặng nề của dịch COVID-19, cộng thêm xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Cụ thể, chi phí nguyên liệu gỗ tăng lên khoảng 30% với gỗ nhập khẩu. Có những nơi cá biệt tăng gấp 3-5 lần, đơn cử như một container chở đồ mộc từ Việt Nam đi bờ Tây của Mỹ trước có giá là 3.000 - 4.000 USD thì nay đã tăng lên tới 12.000-15.000 USD.
Mặc dù chi phí được chia sẻ giữa người mua và người bán, nhưng vẫn là gánh nặng lớn, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn do chi phí tăng, ông Hoài cho hay ngành cũng đang bị thiếu hụt nhân công, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM là những nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp chế biến gỗ.
Theo ông, trước đây ngành gỗ đã thiếu nhân công thì sau đại dịch với làn sóng di cư của công nhân, việc thiếu càng trầm trọng hơn. Do đó, doanh nghiệp luôn cố gắng đưa ra các chính sách để thu hút người lao động, cải tiến công nghệ, thiết bị, giảm bớt thâm dụng lao động, giữ chân người lao động.
"Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong ngành đã trả lương gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí là gấp ba lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ có ý nghĩa để đóng bảo hiểm.
Đặc biệt là khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cạnh tranh lao động rất lớn, nên không chỉ tăng lương mà còn có các chính sách chăm lo đời sống người lao động, cải thiện công nghệ, tăng năng suất, làm thêm ca giúp người lao động tăng thu nhập".
Ông Hoài dẫn chứng thêm, tại Bình Dương hiện nay, mức lương ngành gỗ trả cho lao động trung bình là 7-8 triệu đồng/người, có nơi là 10 triệu đồng/người.
Với quan điểm, chủ trương phát triển ngành gỗ là "win - win, các bên cùng có lợi", ông Hoài cho rằng không thể trông chờ vào nhân công giá rẻ, và cũng không chấp nhận ngành tăng trưởng mà đời sống người lao động không được cải thiện, nên việc tăng lương là yêu cầu thực tế đặt ra, nhưng cần phải có sự chuẩn bị nguồn lực tốt hơn trong bối cảnh doanh nghiệp vừa mới phục hồi sau đại dịch, còn nhiều khó khăn.
-
TTO - Tối nay, 25-6, cô gái đến từ Tây Ninh: Nguyễn Thị Ngọc Châu đã vượt qua 40 nhan sắc khác đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn - SECC, quận 7, TP.HCM, để đội lên đầu chiếc vương miện.
-
TTO - Nói với hàng trăm nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 chiều 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ nhà đầu tư an tâm trước diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán thời gian qua và kêu gọi tiếp tục đầu tư.
-
TTO - Theo chính quyền Ukraine, đợt oanh tạc vào miền bắc nước này xuất phát từ nước láng giềng Belarus và diễn ra ngay trước thềm một cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Belarus ngày 25-6.
-
TTO - Tính từ 16h ngày 24-6 đến 16h ngày 25-6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 657 ca nhiễm mới trong nước (tăng 4 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 512 ca trong cộng đồng).
-
TTO - Ngày 25-6, Công an TP.HCM đã làm việc với 3 người là trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi). Ông Tân, bà Nhi, bà Hà đang bị nhiều người tố giác, đề nghị khởi tố.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận