Ngày 20-10, hội thảo "Phát triển năng lực hệ thống trong công tác dinh dưỡng học đường tại Việt Nam" được Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, nhằm chia sẻ thực trạng về hoạt động dinh dưỡng học đường tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là nơi để học tập các kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản về hoạt động dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Thanh Dương - viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết công tác dinh dưỡng học đường là một trong các hoạt động của công tác dinh dưỡng; đây là hoạt động rất quan trọng trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe trẻ em và học sinh, nâng cao chất lượng công tác y tế học đường tại các trường học.
Ông Shohei Sasaki - bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản - cho biết tại Nhật Bản, dinh dưỡng học đường là nền tảng giúp học sinh có kiến thức, đảm bảo sức khỏe trong tương lai. Nhật Bản cũng đã có nhiều hoạt động để giải quyết các vấn đề về cải thiện dinh dưỡng ở Việt Nam.
Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Đó là thừa cân béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn, và tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao ở khu vực miền núi.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia - nêu thực trạng dinh dưỡng học đường tại Việt Nam hiện nay và đưa ra các giải pháp can thiệp.
Trong phần tham luận của mình, bà Nhung chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và học sinh Việt Nam tăng do chế độ ăn không hợp lý, thừa năng lượng, chất đạm, thiếu vi chất; trẻ ít hoạt động thể lực; trẻ thích ăn các thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm có nhiều đường; đặc biệt cha mẹ, ông bà thích trẻ em bụ bẫm.
Nhóm trẻ béo phì phải đối mặt với nhiều nguy cơ như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường. Năm 2013, Việt Nam đã có bệnh nhân đái tháo đường trẻ nhất khi mới 8 tuổi.
Theo khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội năm 2023, tỉ lệ học sinh lớp 5 bị thừa cân, béo phì ở khu vực nội thành từ 45,5% - 55,7%; ở khu vực ngoại thành con số này dao động từ 20% - 30%.
Bà Nhung cho biết theo khảo sát trên 600 bà mẹ, đa phần đều hiểu sai về dinh dưỡng: thừa cân thì nghĩ là bình thường, béo phì nghĩ là thừa cân, còn bình thường là suy dinh dưỡng.
Chia sẻ về chương trình dinh dưỡng học đường tại Nhật Bản, TS Yui Kojima - Đại học tỉnh Niigata - cho biết giáo dục dinh dưỡng quan trọng với tất cả thế hệ, đặc biệt là trẻ em. Ở Nhật Bản, hệ thống giáo viên dinh dưỡng được xây dựng vào năm 2006, đến hiện tại có hơn 7.000 giáo viên dinh dưỡng cấp tiểu học và trung học cơ sở.
"Mục đích của chương trình dinh dưỡng học đường nhằm phát triển thói quen ăn uống cho trẻ, giáo dục trẻ kiến thức, kỹ năng để trẻ có được cơ thể và sức khỏe tinh thần khỏe mạnh", bà Yui Kojima chia sẻ.
Giáo dục dinh đưỡng được triển khai thông qua môn học ở trường do giáo viên dinh dưỡng thực hiện. Đồng thời, chương trình này cũng được áp dụng tại các gia đình, địa phương.
Giáo viên dinh dưỡng có nhiệm vụ quản lý bữa trưa học đường, xây dựng thực đơn theo tiêu chuẩn dinh dưỡng, quản lý vệ sinh thực phẩm.
Chế độ dinh dưỡng học đường được đánh giá theo thể trạng của học sinh theo từng độ tuổi, khu vực để có thực đơn đa dạng, phù hợp với lượng kcal hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận