Ảnh minh họa. Nguồn: reuters.com
Theo kết quả một nghiên cứu do Công ty quản lý đầu tư từ thiện CCLA (Anh) công bố ngày 10/10, rất ít doanh nghiệp quan tâm yếu tố sức khỏe tinh thần của nhân viên, mặc dù có 'những bằng chứng rõ ràng' cho thấy việc đề ra các mục tiêu trong vấn đề này có thể giúp tiết kiệm tài chính.
Báo cáo Tiêu chuẩn về nhà đầu tư mới của CCLA đánh giá 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cho thấy chỉ 15% doanh nghiệp đề ra các mục tiêu về sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Theo bà Amy Browne - người phụ trách tại CCLA, mặc dù trong môi trường làm việc quốc tế có thể không thiếu các sáng kiến về sức khỏe tinh thần dành cho nhân viên, song hầu hết các doanh nghiệp toàn cầu chưa thực sự gắn vấn đề sức khỏe tinh thần vào các hệ thống và quy trình quản lý chính thức.
Bà nhấn mạnh: 'Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy việc cải thiện sức khỏe tinh thần của một tổ chức giúp tiết kiệm tiền'.
Ông David Atkin - người đứng đầu mạng lưới các tổ chức tài chính quốc tế mang tên Principles for Responsible Investment (Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm) do Liên hợp quốc bảo trợ - nhận định kết quả nghiên cứu của CCLA cho thấy tiêu chuẩn về sức khỏe tinh thần của nhân viên "vẫn còn là vấn đề chưa được các doanh nghiệp chú trọng".
Theo CCLA, trong một báo cáo công bố năm 2020, Deloitte - một trong 4 công ty kế toán lớn của thế giới - cho biết vấn đề sức khỏe tinh thần của nhân viên tại nơi làm việc đã khiến các doanh nghiệp tư nhân mỗi năm hao hụt trung bình 1.652 bảng Anh (tương đương 1.900 USD) cho mỗi nhân viên.
CCLA cho rằng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra trên toàn thế giới, 82% số doanh nghiệp đã nhận thấy rõ mối liên quan giữa việc nhân viên có sức khỏe tinh thần tốt và được trả lương công bằng với kết quả tài chính tốt của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chưa đến 1/3 số doanh nghiệp có một chính sách chính thức trong vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận