05/04/2018 11:32 GMT+7

Đã quyết số phận cựu tổng thống Brazil: vào tù

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tòa án Tối cao Brazil vừa ra phán quyết đối với số phận của cựu Tổng thống Lula da Silva: ông phải thực thi bản án hơn 12 năm tù sau phiên tòa năm 2017.

Đã quyết số phận cựu tổng thống Brazil: vào tù - Ảnh 1.

Cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva trở về nhà của ông ở TP Sao Bernardo do Campo, Brazil tối 4-4 sau các cuộc diễn thuyết với người ủng hộ - Ảnh: REUTERS

Với số phiếu sít sao 6/5, các thẩm phán của Tòa án tối cao Brazil đã bác bỏ yêu cầu của nhóm luật sư của ông Lula đòi sử dụng Luật bảo thân (habeas corpus) cho phép không bắt giữ ông cho đến khi các luật sư không tìm ra giải pháp nào khác cứu thân chủ của mình.

Cuộc thảo luận tại tòa khá căng thẳng kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ và phán quyết đưa ra được gọi là "phán quyết của thế kỷ" bởi động chạm đến một trong những lãnh đạo chính trị được dân nghèo yêu mến ở Brazil. 

 Sau phán quyết, đã có không ít tiếng hét phẫn nộ của những người bên cánh tả ủng hộ ông Lula bởi trong giai đoạn cầm quyền năm 2003 -2010, ông từng được gọi là "cha già của dân tộc" - người đã đầu tư thực thi cuộc chiến chống đói nghèo ở Brazil.  

Năm 2017, ông Lula bị kết tội tham nhũng và bị kết án 12 năm tù và 1 tháng tù giam với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ công ty xây dựng OAS trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo luật hiện hành, ông Lula phải chấp hành án tù trong thời gian kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Liên bang Brazil quyết định vị cựu Tổng thống này sẽ không bị bắt giam cho đến khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Hiện ông Lula cũng là một ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và nếu ông được tự do thì ông sẽ có cơ hội tranh cử và nếu chiến thắng tình thế có thể xoay chuyển.

Ông Lula da Silva, 72 tuổi, là nhà lãnh đạo cánh tả rất có ảnh hưởng với số đông người nghèo tại Brazil. Ông từng giữ 2 nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010 và được nhiều người yêu mến nhờ cuộc chiến chống đói nghèo và bản thân ông xuất thân từ gia đình nghèo, làm công nhân...

Từ vài ngày qua, căng thẳng đã leo thang khi các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối và ủng hộ cựu Tổng thống Lula da Silva - người được gọi ngắn gọn là Lula - nổ ra trên khắp Brazil.

Cho đến tối 3-4, trước thềm phán quyết cuối cùng của Tòa án tối cao liên quan đến việc ông Lula phải thi hành án tù do tội danh tham nhũng, hãng tin AFP phải mô tả rằng cả Brazil đang sôi sục và phân cực hơn bao giờ hết.

Tại thành phố Sao Paulo lớn nhất Brazil, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ việc bỏ tù cựu Tổng thống Lula, trong khi con số này tại Rio de Janeiro cũng lên tới vài ngàn. Những người tuần hành yêu cầu ông Lula thi hành án và bị cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Lula cũng diễn ra trên khắp đất nước Brazil.

Căng thẳng lên cao đến mức bà Carmen Lucia – Chủ tịch Tòa án Tối cao, phải lên tiếng kêu gọi kiềm chế từ hôm 2-4: "Chúng ta đang sống trong thời đại không khoan dung và không khoan nhượng với bất kỳ cá nhân hay thể chế nào, vì thế đây là lúc chúng ta phải có sự thanh thản. Chúng ta cần có sự thanh thản để những khác biệt ý thức hệ không biến thành nguồn cơn của bất ổn xã hội và dẫn đến bối cảnh bạo lực".  

Thành công từ chương trình giúp dân nghèo

Chương trình trợ cấp tiền cho các hộ nghèo (Bolsa Família) do Tổng thống Lula khởi xướng năm 2003, sau 10 năm đã đưa 36 triệu người dân nước này thoát khỏi tình trạng bần cùng.

Đây là chương trình chống đói nghèo được đánh giá có quy mô lớn bậc nhất thế giới và trở thành một mô hình được một số nước quan tâm nghiên cứu áp dụng.

Trong khuôn khổ chương trình trên, các gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 140 real (60 USD) trở xuống sẽ được nhận tiền trợ cấp hàng tháng.

Số tiền mỗi gia đình được nhận phụ thuộc vào số con cũng như đặc điểm của hộ gia đình.

Để được nhận sự hỗ trợ tài chính này, các gia đình phải thực hiện cam kết cho con tới trường và tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ cho chúng.

Với 194 triệu dân, Brazil từng hi vọng sẽ trở thành nước đang phát triển đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ thứ nhất của Liên Hiệp Quốc là loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn.  

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên