Người biểu tình chống ông Lula trên đại lộ Paulista ở thành phố Sao Paulo, tối 3-4 - Ảnh: REUTERS
Từ vài ngày qua, căng thẳng đã leo thang khi các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ cựu Tổng thống Lula da Silva - người được gọi ngắn gọn là Lula - nổ ra trên khắp Brazil.
Cho đến tối 3-4, trước thềm phán quyết cuối cùng của Tòa án tối cao liên quan đến việc ông Lula phải thi hành án tù do tội danh tham nhũng, hãng tin AFP phải mô tả rằng cả Brazil đang sôi sục và phân cực hơn bao giờ hết.
Tại thành phố Sao Paulo lớn nhất Brazil, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ việc bỏ tù cựu Tổng thống Lula, trong khi con số này tại Rio de Janeiro cũng lên tới vài ngàn. Những người tuần hành yêu cầu ông Lula thi hành án và bị cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Lula cũng diễn ra trên khắp đất nước Brazil.
Người biểu tình mang biểu ngữ có dòng chữ "Tham nhũng" chống ông Lula trên đại lộ Paulista ở thành phố Sao Paulo, ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS
Ông Lula phát biểu trong cuộc tuần hành do các đảng cánh tả tổ chức ở TP Rio de Janeiro, ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS
Căng thẳng lên cao đến mức bà Carmen Lucia - Chủ tịch Tòa án Tối cao, phải lên tiếng kêu gọi kiềm chế từ hôm 2-4: "Chúng ta đang sống trong thời đại không khoan dung và không khoan nhượng với bất kỳ cá nhân hay thể chế nào, vì thế đây là lúc chúng ta phải có sự thanh thản. Chúng ta cần có sự thanh thản để những khác biệt ý thức hệ không biến thành nguồn cơn của bất ổn xã hội và dẫn đến bối cảnh bạo lực".
Thế rồi tướng Eduardo Villas Boas - tổng tư lệnh quân đội Brazil, lại còn châm dầu vào lửa khi viết lấp lửng trên tài khoản Twitter vào tối thứ Ba (3-4) rằng quân đội "chú ý tới các sứ mệnh của lực lượng này" và quân đội, cùng với "tất cả các công dân tốt, bác bỏ sự trừng phạt và tôn trọng Hiến pháp, hòa bình xã hội và dân chủ".
Vị chỉ huy quân đội Brazil còn viết thêm rằng "trong tình hình hiện tại của Brazil, các thể chế và người dân đặt ra câu hỏi ai đang thực sự nghĩ cho hạnh phúc của đất nước chúng ta và các thế hệ tương lai của nước này, và ai chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân".
Tuyên bố này khiến không ít người lo ngại quân đội sẽ dựa vào tình thế bất ổn của xã hội để can thiệp và đưa đất nước Brazil trở lại thời kỳ bị cho là "độc tài quân sự" thời 1964-1985.
Những người ủng hộ cánh tả tuần hành ở TP Curitiba, ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Thực ra trong ngày hôm nay, Tòa án tối cao Brazil phải ra phán quyết chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nhóm luật sư của ông Lula đòi sử dụng Luật bảo thân (habeas corpus) cho phép không bắt giữ ông cho đến khi các luật sư không tìm ra giải pháp nào khác cứu thân chủ của mình.
Năm 2017, ông Lula bị kết tội tham nhũng và bị kết án 12 năm tù và 1 tháng tù giam với cáo buộc nhận căn hộ hạng sang từ công ty xây dựng OAS trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Theo luật hiện hành, ông Lula phải chấp hành án tù trong thời gian kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Liên bang Brazil quyết định vị cựu Tổng thống này sẽ không bị bắt giam cho đến khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 4-4.
Cựu tổng thống Lula từng được đông đảo dân nghèo Brazil mến yêu bởi ông đã thực hiện được chiến dịch chống đói nghèo - Ảnh: REUTERS
Hiện ông Lula cũng là một ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và nếu ông được tự do thêm nhiều tháng thì ông sẽ có cơ hội tranh cử và nếu chiến thắng tình thế có thể xoay chuyển.
Ông Lula da Silva, 72 tuổi, là nhà lãnh đạo cánh tả rất có ảnh hưởng với số đông người nghèo tại Brazil. Ông từng giữ 2 nhiệm kỳ tổng thống giai đoạn 2003-2010 và được nhiều người yêu mến nhờ cuộc chiến chống đói nghèo và bản thân ông xuất thân từ gia đình nghèo, làm công nhân...
Ông Lula phát biểu trong cuộc tuần hành do các đảng cánh tả tổ chức ở TP Curitiba, ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận