Phóng to |
Trần Dũng Thanh Huy sẽ tiếp tục trung thành với đề tài trẻ em - Ảnh: Hải Vân |
1. 16g30 ở Sài Gòn là giờ gì? Là giờ tan tầm, kẹt xe, đường phố náo loạn vì tiếng còi kèn, chen chúc, xô đẩy trong dòng người chật như nêm? Không! Ðó là thời khắc sinh nhai, nơi cuộc chiến thực thụ của lũ trẻ bụi đời làm nghề bán giấy dò số bắt đầu diễn ra.
Năm trăm đồng cho một tờ giấy dò, tiền lời chỉ đủ mua một ổ bánh mì nguội lót bụng cho bữa tối nhưng lũ trẻ phải trả giá bằng máu, phải "choảng" nhau đến nhừ xương và chạy bạt mạng khắp các hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Hình ảnh đôi mắt ầng ậng nước vì tức tưởi của cậu bé Khoai trong phim 16g30 mãi ám ảnh người xem, như lời đạo diễn Ðào Bá Sơn: "Cái nhìn ấy đến diễn viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ có được".
Vậy mà Trần Dũng Thanh Huy - đạo diễn của 16g30 - lại bắt đúng được khoảnh khắc ấy để xây dựng một câu chuyện rất đời, nơi tình người trong những hoàn cảnh tăm tối là phông nền chính, lấn át cả luật giang hồ bất thành văn của đám trẻ lề đường. Ðám đá cuội tự vệ nhọn hoắt trong tay Khoai như tan chảy khi nhận ổ bánh mì được đối thủ đưa vội vàng... 16g30 ngày mai, mọi thứ sẽ lại bắt đầu!
2. Gia tài làm phim của Huy 9X rõ ràng là còn ít ỏi, thế nhưng điều dễ dàng nhận ra là tuy Huy làm phim ít nhưng phim nào cũng có "chất", và phim nào cũng xoay quanh một nhân vật chủ đạo: trẻ em. Nếu bộ phim (tạm xem) là đầu tay của Huy, Ðường bi (Path of the marble) - á quân giải phim hay nhất của Dự án làm phim 48g cùng ba giải phụ khác tại TP.HCM năm nay - đã mang dáng dấp của "nhân vật" này thông qua hình ảnh cậu bé sống trong khu chung cư cũ nát, phải chứng kiến bao chuyện hỉ, nộ, ái, ố của một xã hội thu nhỏ thì đến 16g30, Huy đã khắc họa thành công cuộc sống mưu sinh khó nhọc của những đứa trẻ bụi đời.
Hỏi Huy vì sao lại chọn đề tài xưa như Trái đất này để làm phim, mặt chàng trai đỏ bừng: "Vì em từng chứng kiến một cậu bé bị bố mẹ đánh dã man như thế nào khi không mang được tiền về nhà. Chứng kiến một đám nhóc giang hồ ở Q.5 xử nhau ra sao chỉ vì tranh chấp "địa bàn" bán mấy tờ giấy dò số. Chứng kiến luôn cảnh một nhóc tì bán giấy dò bị dân chơi số đề đánh thẳng tay vì thua độ... Em biết mình phải làm điều gì đấy".
Một năm ròng đi xin tài trợ, đến đâu cũng bị lắc đầu vì đề tài...chán quá, không mới và đủ hấp dẫn với người bỏ tiền nhưng Huy không bỏ cuộc! Hơn ba tháng ăn dầm nằm dề ở khu Bình Thạnh, Q.8, những xóm nước đen, ổ số đề... đến mấy cô bán cà phê lề đường cũng thuộc tên, Huy cùng êkip của mình mới có được những thước phim hoàn chỉnh trình chiếu vỏn vẹn trong mười mấy phút đồng hồ.
Vui nhất là sau khi nài nỉ những diễn viên nhí có tiếng tham gia dự án mãi không được, Huy "tóm" luôn cậu em ruột của mình, bắt phơi nắng cho đen, mỗi ngày đi học về đều phải đọc kịch bản và tập khóc... ầm nhà để nhập vai cho giống.
Nhiều lời khen đã dành cho nỗ lực của Huy. Nhưng đó là việc "đã qua", còn hiện giờ chàng 9X đang bắt tay viết một kịch bản khác, một đề tài trinh thám để đổi không khí cho lạ. "Nhưng nếu có điều kiện, em sẽ lại bắt tay làm phim về con nít. Ðã nhất là được làm phim về tụi nhỏ, có khi là trẻ con nhà giàu. Nhà giàu cũng khóc mà, tụi trẻ "quý tộc" cũng có nỗi niềm riêng..." - Thanh Huy nói vội trước khi chạy đến phim trường của đạo diễn Minh Cao, làm chân phụ việc để học hỏi thêm nhiều điều quý giá cho nghề mình đã chọn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận