22/08/2020 08:41 GMT+7

Đà Nẵng vẫn phòng dịch nghiêm ngặt

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG
LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch theo nhận định của các chuyên gia y tế, nhưng lãnh đạo địa phương này vẫn quán triệt tâm thế không lơ là, chủ quan.

Đà Nẵng vẫn phòng dịch nghiêm ngặt - Ảnh 1.

Người dân mua sắm thực phẩm tại siêu thị Big C Đà Nẵng ý thức giãn cách, đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC

Hôm qua 21-8, ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) kiêm phó trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Đà Nẵng - đã rời Đà Nẵng cùng một số chuyên gia y tế, ngay sau Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Các ông đã có bốn tuần sát cánh cùng Đà Nẵng chống dịch.

Chỉ còn bệnh nhân nặng

Theo ông Khoa, dịch ở Đà Nẵng đã được kiểm soát tốt; các ca bệnh phát hiện mới những ngày gần đây đều là F1 của bệnh nhân, đã ở trong các khu cách ly, không ghi nhận thêm ca mắc ngoài cộng đồng. 

Về điều trị thì vẫn còn những bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong, nhưng đây đều là bệnh nhân có bệnh nền rất nặng, có người đã chạy thận 10-15 năm, bị ung thư giai đoạn cuối… Vì vậy, mặc dù rất nỗ lực để cứu từng ca bệnh nhưng có lúc các y bác sĩ phải "bó tay".

Ông Khoa khẳng định "bộ chỉ huy tiền phương" chống dịch tại Đà Nẵng đã sắp xếp các công việc còn lại rất ổn thỏa trước khi rời Đà Nẵng. 

"Chúng tôi về lại Hà Nội sẽ phải cách ly 14 ngày và sẽ làm việc tiếp với bộ phận thường trực chống dịch qua các phương tiện trực tuyến, nhưng tôi cho rằng công việc ở Đà Nẵng sẽ ổn do đội ngũ chuyên môn còn lại ở Đà Nẵng gần như đủ: Bệnh viện Bạch Mai với gần 30 y bác sĩ đến hỗ trợ, đội Bệnh viện Chợ Rẫy gần 20 người. Đội giám sát dịch và xét nghiệm còn các chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang vẫn đang ở Đà Nẵng", ông Khoa cho biết.

Phương án được tổ chức là theo hướng không rút cùng lúc mà rút dần, tùy theo năng lực đảm đương của địa phương. Chỉ đến khi Bệnh viện Đà Nẵng hết phong tỏa, được quay trở lại phục vụ người dân thì tất cả y bác sĩ hỗ trợ mới về nhà.

Tiếp tục thực hiện nghiêm phòng chống dịch

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-8, ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng - cho biết dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng thành phố vẫn quán triệt nghiêm tinh thần không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh. 

Trong những ngày tới vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16 hiện hành và dứt khoát không ai được phép mang tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng".

"Còn quá sớm để nói trước điều gì, vì thành phố mới "thong thả" được một hai ngày. Kịch bản tốt nhất là sau khi khống chế được dịch, chúng ta chuyển từ trạng thái thực hiện chỉ thị 16 sang thực hiện chỉ thị 19. Vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch" - ông Chinh nhấn mạnh.

Trước khi thực hiện chỉ thị 16 hồi cuối tháng 7, Đà Nẵng đã có vài ngày thực hiện chỉ thị 19 nên về cơ bản nhiều người dân Đà Nẵng cũng đã hình dung được bối cảnh tình hình mới. Cụ thể như việc giãn cách người với người được quy định 1m, cửa hàng được phép mở cửa trở lại (trừ các dịch vụ không thiết yếu), cửa hàng ăn uống được phép bán mang đi...

Nhận định các chợ là điểm nóng, nhiều nguy cơ nên những ngày qua cơ quan chức năng Đà Nẵng đã cho lấy mẫu xét nghiệm tất cả tiểu thương tại các chợ. 

Tại chợ Bắc Mỹ An, ngoài các tiểu thương được lấy mẫu xét nghiệm thì các chủ cửa hàng buôn bán quanh chợ cũng được ưu tiên xét nghiệm trước. Lãnh đạo phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết trong những ngày sắp tới dù thành phố có chuyển trạng thái từ chỉ thị 16 sang 19 thì ở đây vẫn tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát đo thân nhiệt ra vào chợ, đồng thời tổ chức giãn cách ra vào chợ một cách triệt để. Ngoài ra, do đây là địa bàn có rất đông người nước ngoài sinh sống nên ngành y tế vẫn sẽ tiếp tục lấy mẫu cho tất cả người nước ngoài ở đây.

Do tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, Đà Nẵng đã cho phép một số công trình được khởi động lại sau khi đáp ứng các tiêu chí như: dự án có sử dụng thiết bị, máy móc là chủ yếu, ít sử dụng nhân công, xa khu dân cư, đảm bảo các điều kiện giãn cách.

9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 21-8, ông Nguyễn Thanh Long - quyền bộ trưởng Bộ Y tế - cho hay tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây.

Ông Long chia sẻ 9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả tại cuộc họp.

1. Sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng, ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan trung ương và địa phương...

2. Xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm nguồn lực.

3. Cấp ủy, chính quyền các địa phương hành động quyết liệt, áp dụng nhuần nhuyễn giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực.

4. Ngành y tế đã huy động lực lượng nhân viên y tế rất lớn "chưa có trong tiền lệ", bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên để phối hợp dập dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

5. Thiết lập được ngay "bộ chỉ huy tiền phương" (bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế) tại Đà Nẵng và kho trang thiết bị tiền phương trong khu vực này.

6. Phương châm "bốn tại chỗ", huy động sức dân, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các "tổ COVID" dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.

7. Công suất xét nghiệm của Việt Nam được nâng lên rất nhanh; việc truy vết, cách ly F1 rất kịp thời.

8. Đảm bảo duy trì tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân...

9. Chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.

T.LIÊM

Quảng Nam: hết cách ly xã hội, không lơ là, chủ quan

dịch quảng nam

Người bán, người mua ở chợ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đều tuân thủ đeo khẩu trang - Ảnh: ĐỨC TÀI

Tại buổi họp trực tuyến với các địa phương hôm qua 21-8, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết thời gian qua tỉnh đã vào cuộc quyết liệt nên hiện cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Từ 6 địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16, đến ngày 22-8 chỉ còn 3 địa phương gồm: TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Dù tỉnh đã kiểm soát tốt nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên tuyệt đối các địa phương không được lơ là, chủ quan.

Nếu đủ 28 ngày mà tỉnh không có ca dương tính nào phát sinh mới thì sẽ nghiên cứu, cân nhắc, lúc đó không thực hiện chỉ thị 19 ở một số địa phương nữa mà thay bằng những biện pháp phòng chống dịch tương ứng. "Để tiếp tục kiểm soát tốt hơn, ngăn chặn, dập dịch thì chúng ta phải quyết liệt hơn nữa, nhất là những địa phương còn có ca dương tính với COVID-19" - ông Tân nói.

Ông Tân yêu cầu việc lấy mẫu xét nghiệm phải thực hiện nhanh, nhất là các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Việc quan trọng, theo ông Tân, là chỉ đạo các trung tâm y tế bổ sung các đường dây nóng của trạm y tế xã, phường, thị trấn để kịp thời khai báo y tế các trường hợp ho, sốt, khó thở.

"Tôi yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt phòng chống dịch ở các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Quản lý thật chặt những người từ Đà Nẵng trở về, phải được lấy mẫu xét nghiệm những người trở về từ ngày 1-7. Tất cả các chốt chặn phải kiểm soát thật nghiêm, nhất là người từ Đà Nẵng trở về" - ông Tân nói.

Huyện Thăng Bình được kết thúc cách ly xã hội từ ngày 20-8. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 21-8, tại chợ thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), nhiều gian hàng, kiôt bắt đầu mở cửa buôn bán trở lại. Nhưng bà Lương Thị Tý (51 tuổi, ngụ thị trấn Hà Lam) cho biết khách đến quầy thực phẩm của bà chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Võ Văn Hoàng - trưởng ban giám sát chợ thị trấn Hà Lam - cho biết khu vực chợ có khoảng 250 gian hàng và đã có khoảng 180 gian hàng quay trở lại buôn bán.

LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI

Quảng Trị: siết chặt nhóm nguy cơ cao

Ông Hà Sĩ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết lúc 16h chiều 21-8, tỉnh đã quyết định dỡ bỏ phong tỏa tạm thời khu vực tầng 6, tòa nhà G, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Hiện các khu vực dân cư bị phong tỏa còn lại đang được cơ quan y tế của tỉnh kiểm tra, đánh giá mức độ nguy cơ cũng như thực hiện các bước phun thuốc khử trùng làm sạch môi trường. "Khi đạt yêu cầu về y tế rồi tỉnh sẽ dựa trên đề xuất của sở y tế để dỡ bỏ phong tỏa với những khu này", ông Đồng nói.

Về việc phòng chống dịch sau khi hoàn thành thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại TP Đông Hà, ông Đồng cho biết tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để cân đối giữa phòng chống dịch bệnh và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

"Dù hết giãn cách xã hội nhưng tỉnh vẫn giám sát chặt chẽ những người trong diện F1, F2 và nhóm từ ngoài tỉnh về. Người dân vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc sản xuất kinh doanh vẫn cần được tạo điều kiện để người dân đảm bảo cuộc sống", ông Đồng cho hay.

QUỐC NAM


Quảng Ngãi: đón 700 người từ Đà Nẵng về

gian cach tai quang ngai

Các cửa hàng tại Quảng Ngãi duy trì bán qua mạng, chờ lệnh nới lỏng của chính quyền - Ảnh: TRẦN MAI

Chiều qua 21-8, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với tất cả các đơn vị tham gia chống dịch bàn việc nới lỏng giãn cách xã hội. Đa số ý kiến đồng tình với việc nới lỏng bởi sau 13 ngày giãn cách tỉnh không ghi nhận ca mắc mới.

Tuy nhiên, các ý kiến của cơ quan chức năng tỉnh đều rất thận trọng bởi trong hôm nay (22-8) tỉnh sẽ đón khoảng 700 công dân từ Đà Nẵng trở về và sẽ được cách ly tập trung; ngoài ra còn hơn 7.100 người từ vùng dịch trở về trước đó và những người "đi đường mòn lối mở" trở về tỉnh được các tổ COVID-19 cộng đồng phát hiện sẽ được xét nghiệm, khai báo y tế.

"Khi nào có kết quả xét nghiệm âm tính 3 nhóm công dân trên thì tỉnh sẽ tính toán đến chuyện nới lỏng giãn cách. Trong trường hợp có người cho kết quả dương tính sẽ tiếp tục giãn cách" - ông Đặng Ngọc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định.

Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế, nhiều chủ quán ăn, cà phê... đang chờ đợi lệnh nới lỏng giãn cách để buôn bán trở lại. Hiện tại nhiều dịch vụ cà phê, thức ăn vẫn chỉ bán mang về và giao tận nơi.

TRẦN MAI

Phó thủ tướng: Đà Nẵng nên cân nhắc phương án thi cùng các địa phương vào cuối tháng 8 Phó thủ tướng: Đà Nẵng nên cân nhắc phương án thi cùng các địa phương vào cuối tháng 8

TTO - Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thi tốt nghiệp THPT tại TP Đà Nẵng trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ chiều 21-8.

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên