Phóng to |
Ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Đăng Nam |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết:
"Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai" |
- Phải thừa nhận rằng trong thành tích chung của Đà Nẵng hơn 10 năm qua có sự đóng góp quan trọng của một bộ phận dân nhập cư. Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Theo tính toán, đến năm 2030 dự tính Đà Nẵng sẽ có quy mô dân số 2,5 triệu người. Hiện nay mới có gần 1 triệu, như vậy còn cần tới hơn 1 triệu dân, trong đó có dân nhập cư.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý dân cư thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề bất cập, nên mới đây thường trực HĐND TP đã ban hành nghị quyết số 23 ghi rõ: “Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ”.
Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy.
* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nghị quyết trên là sai luật, vi phạm quyền công dân?
- Trước những vấn đề mới, nhạy cảm nảy sinh trong cuộc sống, chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe ý kiến từ cả hai phía. Quyền công dân bao gồm nhiều quyền, trong đó có quyền cư trú, quyền đi lại, quyền được bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, đảm bảo việc học hành, có việc làm, có nhà ở... Nếu chỉ đặt vấn đề bảo đảm một quyền cư trú không thôi, cụ thể ở đây là quyền được nhập cư một cách riêng lẻ, tách rời, còn các quyền khác không được giải quyết đồng bộ thì trật tự đô thị sẽ bị đảo lộn và gây ra nhiều hệ lụy.
Làm gì có chuyện muốn có văn minh đô thị mà lại không cần xác định quy mô dân số, mật độ dân số trong nội thành. Muốn nhập cư vào bao nhiêu cũng được tất yếu sẽ dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, bệnh viện quá tải, 5-7 người một giường bệnh, trường học quá tải, tội phạm hoành hành.
Luật cư trú quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Tại khoản 3, điều 6 Luật cư trú quy định: giao trách nhiệm cho UBND các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ.
Trong khi đó, điều 12 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có quy định: HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương có thẩm quyền “phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương” và tại điều 18 của luật này quy định: HĐND TP trực thuộc trung ương có thẩm quyền “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị”.
Như vậy, HĐND TP Đà Nẵng thực hiện cả hai Luật cư trú và Luật tổ chức HĐND và UBND. Về nguyên tắc, hai luật này đều có giá trị pháp lý ngang nhau. Như vậy không có gì là trái luật cả.
* Đã có ý kiến nói rằng chính quyền Đà Nẵng đang lựa chọn công dân cho TP mình?
- Không có chuyện TP Đà Nẵng tự lựa chọn công dân cho mình. Nghị quyết 23 của HĐND TP có hai phần và ghi rất rõ: thứ nhất là hạn chế, tạm dừng nhập cư đối với một số người chứ không phải dừng nhập cư với tất cả mọi người và thứ hai là tạm dừng nhập cư vào nội thành chứ không phải tạm dừng nhập cư toàn TP. Nếu anh tha thiết với Đà Nẵng thì mời anh ra vùng ngoại ô sinh sống và có thể vào nội ô làm việc. Và để giải quyết bài toán đi lại của người dân TP, chính quyền Đà Nẵng đã đầu tư hạ tầng giao thông rất nhiều, xây cầu, mở đường vành đai... TP đã tính đến chuyện làm tàu điện ngầm nối nội ô với ngoại ô. Giải pháp của chính quyền TP nhằm để giãn mật độ dân cư trong nội thị Đà Nẵng vốn đã quá cao như hiện nay.
* Thưa ông, hiện các quận huyện trên địa bàn đã tạm dừng đăng ký nhập cư theo tinh thần của nghị quyết 23, trong khi trung ương chưa có ý kiến?
- Đúng, hiện chúng tôi đang tạm dừng chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên về hướng dẫn bổ sung việc thi hành Luật cư trú cũng như Luật tổ chức HĐND và UBND theo hướng chi tiết hơn, rõ ràng hơn. HĐND TP đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đề nghị về vấn đề này.
* Nhưng nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất mà HĐND TP Đà Nẵng đưa ra thì sao?
- Tôi tin cấp trên sẽ đồng tình vì với Hà Nội và TP.HCM thì quy định 5m2/đầu người, trong khi Đà Nẵng thì không hề nói đến. Ít ra Chính phủ phải cho Đà Nẵng ngang với hai đô thị trên (5m2/đầu người) vì Đà Nẵng là TP loại 1. Trong trường hợp cấp trên yêu cầu hủy nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng, chúng tôi sẽ phải chấp hành nhưng những hệ lụy về sau mà Đà Nẵng đã nhìn thấy rõ như sẽ kẹt xe, quá tải trường học, bệnh viện... thì cấp trên phải chịu trách nhiệm.
Bạn có ý kiến gì về chính sách của Đà Nẵng đối với dân nhập cư như trên? Hãy gửi ý kiến về cho chúng tôi theo email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận