24/04/2018 19:08 GMT+7

Đà Nẵng còn bao nhiêu Vũ 'nhôm' và cán bộ bị thao túng?

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đó là một câu hỏi được đặt ra trong buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Hội Cựu chiến binh chiều 24-4.

Đà Nẵng còn bao nhiêu Vũ nhôm và cán bộ bị thao túng? - Ảnh 1.

Ông Trương Quang Nghĩa (trái) nghe một số ý kiến trong giờ giải lao - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trông chờ làm sạch bộ máy

Cuộc làm việc với Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng chiều 24-4 được ông Nghĩa cho biết là ưu tiên trong lịch làm việc bởi dịp 30-4 đang cận kề vì đây là để lắng nghe những "tâm tư" mới nhất, sau đợt làm việc đầy ưu tư với cán bộ quân đội cao cấp ở thành phố vào cuối năm 2017.

Ông Huỳnh Minh Chức, chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nói ngay rằng sự việc vừa qua một số cán bộ nguyên lãnh đạo TP bị khởi tố, bắt giam do sai phạm trong công tác quản lý đất đai, nhà công sản…làm cho cán bộ và nhân dân rất bức xúc.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao đất đai, nhà công sản là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển thành phố, mà lại biến thành tài sản riêng, lợi ích nhóm, lợi ích cho Vũ "nhôm"?

"Đây là hành vi tham nhũng rất tinh vi, dư luận quan tâm và muốn phải thu hồi hết lại để phục vụ cho sự đầu tư phát triển và xóa nghèo của thành phố. Nhưng một điều quan tâm hơn nữa là có còn những doanh nghiệp nào như Vũ "nhôm" nữa không? Có còn bộ phận cán bộ nào để doanh nghiệp chỉ đạo, thao túng không? Nếu còn cần phải loại bỏ ngay ra khỏi bộ máy công quyền" - ông Chức nói.

Theo ông Chức, qua lấy ý kiến nhân dân mong muốn Thành ủy phải làm mạnh hơn nữa và đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương, điều tra mở rộng vụ án làm trong sạch bộ máy củng cố niềm tin.

Ngoài ra, nhiều đại biểu mong muốn Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo siết chặt quản lý đất đai, thu hồi đất công sử dụng sai mục đích không hiệu quả. Đặc biệt là các dự án được cấp phép đã lâu không thấy triển khai gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất.  

Trả lời cho dân rõ đến nay đã thu hồi được bao nhiêu dự án, như lãnh đạo thành phố trước đây đã hứa.

Nếu công khai thì không ai đi tù

Đà Nẵng còn bao nhiêu Vũ nhôm và cán bộ bị thao túng? - Ảnh 2.

Công an thực hiện khám nhà ông Văn Hữu Chiến, nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vào ngày 18-4 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Nguyễn Thương, phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho rằng sự việc kỷ luật, khởi tố một loạt cán bộ vừa qua hiện công chức thành phố cũng đang có những "tâm tư dao động". 

Cụ thể theo ông Thương, nếu "sáng tạo" trong giải quyết các thủ tục liên quan thì việc trôi chảy nhưng có khả năng sai. Nhưng nếu cứ làm đúng quy trình thì nhiều việc trở nên ì ạch, chậm chạp. "Nhiều anh ký quyết định xong thì cũng run, sáng tạo thì sợ" - ông Thương nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa lại cho đó là sự bao biện bởi theo ông, là cán bộ thì phải hiểu rõ những quy tắc, quy định chứ không thể nói chuyện run. Theo ông Nghĩa, bản thân ông cũng có nghe tâm tư về sự việc bắt một số cán bộ chủ chốt của thành phố trước đây. 

Tuy nhiên dư luận chung là rất hoan nghênh với "lò" phòng chống tham nhũng đang bùng cháy.

 ""Lò" phòng chống tham nhũng hện nay không phải được nhóm mà đang bùng cháy với quyết tâm của Đảng. Nó đã trở thành nghị quyết mà Đảng xem đây là sự sống còn. Sự việc xử lý cán bộ ở thành phố ta cũng nhận được sự đồng thuận của nhân dân" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, qua thời gian 20 năm phát triển nóng, thành phố đã lộ rõ bất cập. Đó là những vấn đề nóng ở thành phố trong thời gian qua như việc mất lối xuống biển, quá tải giao thông ở trung tâm, định hướng phát triển thời gian dài dựa vào đất đai... Để giải quyết những vấn đề này,thành phố đang tăng cường phát huy cơ chế dân chủ. Đây chính là cơ hội lớn để mặt trận, đoàn thể phát huy vai trò giám sát.

Theo ông Nghĩa, thành phố cũng đã thấy những bài học rút ra sau 5 năm thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2014 trong việc xử lý thu hồi số tiền sai phạm đất đai. 

"Thời gian ấy nếu chúng ta không mãi cãi nhau mà thực hiện ngay kết luận thanh tra thì các doanh nghiệp cũng không có thời gian san nhượng các dự án. Bây giờ thì việc xử lý không thể nóng vội mà phải có cách thức phù hợp với Nhà nước pháp quyền" - ông Nghĩa trấn an.

Một trong những bài học rút ra là công khai, minh bạch để người dân và các tổ chức phản biện. Theo ông Nghĩa, nếu như việc bán sân vận động Chi Lăng hay một số dự án đất công sản ở Đà Nẵng được công khai để có sự giám sát thì có lẽ không ai đi tù.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên