09/07/2021 17:04 GMT+7

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch

TRƯỜNG TRUNG - MẬU TRƯỜNG - BỬU ĐẤU - BÙI LIÊM
TRƯỜNG TRUNG - MẬU TRƯỜNG - BỬU ĐẤU - BÙI LIÊM

TTO - Cho phép tắm biển và hoạt động thể thao trong nhà từ ngày 10-7 là hai nội dung được thống nhất trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch - Ảnh 1.

Đà Nẵng cho phép tắm biển trở lại từ ngày 10-7. Trong ảnh người dân và du khách tắm biển vào ngày 1-5 trước thời điểm dịch bùng phát - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại cuộc họp, ông Phan Văn Sơn, phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, đề xuất cho phép trở lại hoạt động tắm biển và thể thao trong nhà, ngoài trời vào ngày 10-7. Trong đó, đối với hoạt động tắm biển sẽ giữ nguyên khung giờ cho phép lần trước và nới thêm khoảng 30 phút vào buổi sáng, chiều.

Riêng hoạt động thể thao ngoài trời, trong nhà cho phép trở lại với điều kiện phòng dịch kèm theo (trừ hoạt động thể thao trong phòng kín như tập gym, yoga… vẫn phải dừng hoạt động).

Kết luận tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 9-7, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thống nhất đề xuất trên nhưng lưu ý các địa phương phải giám sát việc thực hiện khuyến cáo "5K".

Theo đó, từ 4h30 ngày 10-7, sẽ cho tắm biển buổi sáng từ 4h30 đến không quá 8h. Buổi chiều từ 16h30 đến không quá 19h.

Chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác. Đồng thời đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển.

Đà Nẵng vẫn chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách).

Đồng thời, ông Chinh cho biết TP vẫn sẽ cách ly 21 ngày đối với người từ vùng dịch tại các khách sạn và khu cách ly do thành phố bố trí (trước đó Bộ Y tế đề xuất cách ly 7 ngày đối với người từ TP HCM trở về các địa phương).

Ông Chinh giải thích việc cách ly người về từ vùng dịch tại khách sạn có thu phí là để giảm gánh nặng cho các khu cách ly tập trung của thành phố, đồng thời phù hợp với nhu cầu của người cách ly muốn được cách ly trong điều kiện tốt hơn.

"Nếu người dân không có nhu cầu đó (cách ly tại khách sạn - PV) thì vẫn cách ly tại các điểm do TP tổ chức. TP sẽ lập thêm một khu cách ly tập trung tại quận Ngũ Hành Sơn, các quận huyện khác cũng sẵn sàng kích hoạt lại các điểm cách ly tập trung"- ông Chinh nói.

Ông Chinh cũng giao Sở Du lịch tìm kiếm những khách sạn đủ điều kiện cách ly nhưng có giá dịch vụ vừa phải để người dân có sự lựa chọn và cảm thấy thoải mái khi về cách ly. Việc này làm theo tinh thần giới thiệu hết khách sạn này đến khách sạn khác chứ không thể tự ý lựa chọn vì lực lượng phòng chống dịch không thể dàn trải.

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch - Ảnh 2.

Cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại chân cầu Rạch Miễu - Ảnh: M. T.

Kịp thời phát hiện 2 ca mắc COVID-19 thông qua việc cấp 'giấy thông hành'

Ngày 9-7, ông Ngô Văn Tán, giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết nhờ test nhanh COVID-19 tại cầu Rạch Miễu, tỉnh đã phát hiện 3 ca mắc COVID-19 và kịp thời cách ly trước sớm, tránh lây lan.

Ba ca mắc COVID-19 được phát hiện ở điểm test nhanh tại chốt kiểm dịch cầu Rạch Miễu, gồm: 1 người về Ba Tri (ghi nhận chiều 8-7), 1 người về Bình Đại, 1 người về Chợ Lách. Tất cả bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bến Tre.

Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đang tích cực truy vết F1 liên quan đến các ca dương tính.

Bến Tre bắt đầu kiểm tra người đi vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 từ ngày 7-7.

Tỉnh Bến Tre triển khai 3 điểm test nhanh tại các cửa ngõ đi vào tỉnh Bến Tre gồm chốt cầu Rạch Miễu (Châu Thành), chốt Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) và chốt Phú Phụng (huyện Chợ Lách).

Trước đó, ngày 8-7 chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã kiểm tra công tác test nhanh COVID-19 tại cầu Rạch Miễu cho rằng qua kết quả thực tế 2 ngày triển khai điểm test nhanh cho thấy, dịch COVID-19 trong cộng đồng đã có.

"Do đó, việc đặt trạm test nhanh trước khi bà con vào tỉnh là việc làm đúng, kịp thời phát hiện ca dương tính ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng rất lớn", ông Tam nói.

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch - Ảnh 3.

UBND tỉnh An Giang quyết định tạm dừng tất cả bến phà, đò, bến khách sang sông từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Riêng bến phà Tân Châu - Hồng Ngự được hoạt động 24/24 giờ để phục vụ lưu thông hàng hóa và cấp cứu khác - Ảnh: BỬU ĐẤU

Kịp thời phát hiện 2 ca mắc COVID-19 thông qua việc cấp 'giấy thông hành'

Ngày 9-7, Văn phòng UBND tỉnh An Giang có công văn 3443 gửi các sở, ngành và các địa phương về việc tạm dừng hoạt động đối với các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, UBND tỉnh tạm dừng hoạt động đối với các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà cho đến khi có thông báo mới, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và xe chở bệnh nhân đi cấp cứu.

Tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông như: bến số 5 (thuộc xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang); bến số 17 và bến số 18 (thuộc xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp qua huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Tạm dừng hoạt động từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau tất cả bến đò dọc, bến khách ngang sông và bến phà trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Giao thông vận tải thông báo, yêu cầu các địa phương, các đơn vị và tổ chức liên quan thực hiện việc tạm dừng hoạt động nêu trên.

Đối với bến phà Tân Châu - Hồng Ngự vẫn hoạt động 24/24 giờ hằng ngày để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và những trường hợp khẩn cấp.

UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc thực hiện kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các bến đò dọc, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn theo đúng quy định và khuyến cáo của ngành y tế.

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch - Ảnh 4.

Chiều ngày 9-7, siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài, phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vẫn tạm thời đảm bảo nguồn cung - ảnh: BÙI LIÊM

Bình Phước hỏa tốc kích hoạt phương án đảm bảo nguồn cung

Chiều 9-7, thông tin từ Sở Công thương Bình Phước - cho hay cùng ngày đã ra công văn hỏa tốc đề nghị UBND cấp huyện, Cục Quản lý thị trường tỉnh kích hoạt ngay phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu ứng phó với các tình huống của dịch COVID-19, quản lý giá cả chặt chẽ, tránh đầu cơ, tăng giá.

Sở Công Thương đề nghị người dân không hoang mang, lo lắng dẫn đến việc đổ xô đến các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm tránh tình trạng tập trung đông người, mua hàng trong cùng thời điểm dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia mua sắm chấp hành nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

"Sở Công Thương cũng đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, siêu thị Co.op mart, chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh tăng cường lượng hàng hóa dự trữ, đặt biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Sẵn sàng phương án vận chuyển, cung cấp nhanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân nơi địa bàn có dịch COVID-19 khi Sở đề nghị tham gia điều tiết thị trường" - Sở Công tương tỉnh Bình Phước cho biết.

Cũng theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, qua kiểm tra, siêu thị Co.op mart Đồng Xoài, Co.op mart Đồng Phú đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các đơn vị này sẵn sàng tham gia bán hàng lưu động tại các địa điểm bị hạn chế về nguồn cung do tác động của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ bà con.

"Nguồn hàng của 2 siêu thị này được lấy từ các tổng kho lớn, được cung cấp bởi hệ thống thu mua riêng của Sài Gòn Co.op, không phụ thuộc nguồn hàng từ các chợ đầu mối lớn của TP.HCM" - Sở Công thương tỉnh Bình Phước thông tin.

Cũng theo Công thương tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 61 cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh phân bố đều trên địa bàn 11 huyện, thị, thành phố. Bên cạnh chợ truyền thống, nhiều địa bàn các xã cũng đã có mặt Bách Hóa Xanh tham gia phục vụ nhu cầu người dân.

Đối với nguồn hàng cung cấp qua hệ thống chợ, cửa hàng tạp hóa của tỉnh, mặc dù có tác động bởi nguồn cung từ các tỉnh, thành, nhưng các doanh nghiệp phân phối của tỉnh Bình Phước hiện vẫn chủ động được nguồn cung từ các đầu mối khác.

Mặt khác hiện nay các nhà cung cấp từ TP.HCM đã áp dụng biện pháp đặt hàng và vận chuyển trực tiếp không tập trung tại các chợ đầu mối. Các tiểu thương cũng đã chủ động trong tìm nguồn cung mới thay thế từ các tỉnh, thành khác nên áp lực về nguồn cung hàng hóa vào tỉnh chưa thật sự là trở ngại.

Ngoài ra, C.P Bình Phước cũng cam kết đảm bảo đầy đủ nguồn cung thịt heo, gà, trứng cho thị truờng Bình Phuớc trước mọi tình huống dịch bệnh COVID-19.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước) tính đến chiều cùng ngày, Bình Phước đã ghi nhận 15 ca dương tính COVID-19 và 3 ca nghi nhiễm COVID-19.

CDC Bình Phước đề nghị người dân hãy chấp hành tốt biện pháp 5K và hạn chế ra khỏi nhà trong vòng 15 ngày tới để tránh dịch bùng phát.

Đà Nẵng cho tắm biển và thể thao trong nhà, vẫn cách ly 21 ngày người từ vùng dịch - Ảnh 5.

Do chợ truyền thống Đồng Xoài, phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tạm thời bị phong tỏa nên các tiểu thương tràn ra các tuyến đường lân cận bán hàng - ảnh: BÙI LIÊM

An Giang yêu cầu 100% tài xế âm tính COVID-19 trước khi vào, kẹt xe ùn ứ hơn 2km An Giang yêu cầu 100% tài xế âm tính COVID-19 trước khi vào, kẹt xe ùn ứ hơn 2km

TTO - Hàng trăm xe tải kẹt kéo dài hơn 2km từ cầu Vàm Cống đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 TP Long Xuyên. Nguyên nhân do tỉnh An Giang bắt buộc các xe qua trạm này phải có kết quả âm tính COVID-19 trong 24 giờ.

TRƯỜNG TRUNG - MẬU TRƯỜNG - BỬU ĐẤU - BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên