Văn phòng giao dịch bất động sản mới lập ken kín một tuyến đường khu đô thị Golden Hill (Đà Nẵng) - Ảnh: TR.TRUNG
Theo bà Mai Thị Thùy Linh - trưởng Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Đà Nẵng, vừa qua sở đã tham mưu cho thành phố ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản.
Sở đã có văn bản khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch bất động sản và công văn chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản.
Ra "tối hậu thư" cũng không xử lý được
Tại Đà Nẵng có 4 khu vực tập trung nhiều kiôt giao dịch bất động sản nhất, hầu hết nằm tại các khu đô thị mới là khu vực nam quận Cẩm Lệ, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Chỉ tính riêng khu này, trung bình mỗi khu vực có 200-300 kiôt được dựng lên đặt tên "văn phòng giao dịch bất động sản", "sàn giao dịch bất động sản".
Khu vực "tăng trưởng" nhất là tại khu đô thị Golden Hill (huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu).
Từ sau tết đến nay có cả trăm "văn phòng giao dịch" dạng kiôt được dựng mới.
Tại các "sàn" này tuyệt nhiên không thấy xuất hiện các chứng chỉ hành nghề hoặc thông tin chứng minh hoạt động. Thông tin trên bảng giới thiệu cũng chỉ có số điện thoại và tên của người đứng quầy.
Tại kiôt mang tên "văn phòng giao dịch bất động sản T.D" - khu đô thị Golden Hill (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), một nam thanh niên tên T. tự giới thiệu: "Cứ nhìn tuần qua có bao nhiêu quầy mở như tôi là biết liền. Tôi có quầy bên Hòa Xuân nhưng tạm đóng qua đây mở được một tuần vì bên này đang giao dịch sôi động hơn".
Chúng tôi tỏ vẻ "quan ngại" vì không thấy chứng chỉ hành nghề, chứng minh thân thế thì T. phân trần: "Văn phòng tôi đây, số điện thoại tôi đây. Sổ đỏ ai mua thì tôi đưa xem, cho chụp lại".
T. thừa nhận mình không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vì chỉ giới thiệu khách "mấy lô của ông anh trong nhà".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nhường, phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thừa nhận tại các tuyến đường trên địa bàn có tình trạng chiếm dụng đất đai, vỉa hè để dựng lều quán, container, kiôt để kinh doanh bất động sản trái phép.
"Quận sẽ cho các đơn vị lấn chiếm 'tối hậu thư' trong vòng 24 tiếng kể từ ngày nhận thông báo phải tháo dỡ công trình vi phạm nhưng chưa xử lý hết được vì có quá nhiều kiôt phải... gửi thông báo" - ông Nhường cho biết.
Người mua rủi ro, Nhà nước mất thuế
Ông Thái Ngọc Trung, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết đã có văn bản gửi các quận, huyện trên địa bàn đề nghị "dẹp loạn" các kiôt giao dịch bất động sản đặt không đúng quy định.
Việc tồn tại các kiôt nêu trên gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời là nơi giao dịch bất động sản không tuân thủ theo các quy định và có nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.
Sở đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương kiểm tra xử lý tháo dỡ các kiôt không đúng theo quy định nằm trên địa bàn phụ trách và báo cáo kết quả xử lý về UBND TP Đà Nẵng, sở trước ngày 10-4.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lập - viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản (Đà Nẵng) - cho rằng các kiôt kinh doanh bất động sản này thường xây dựng tự phát, ít có sự giám sát của các cơ quan chức năng lại được các cá nhân môi giới độc lập, nhóm môi giới chưa được phép kinh doanh nhưng vẫn lấy tên "văn phòng môi giới" để đánh lừa người mua.
"Trong trường hợp được cấp phép xây dựng cũng cần xem lại chủ thể đang kinh doanh đã được cấp phép xây dựng kiôt là doanh nghiệp có đủ các yếu tố về thành lập sàn giao dịch theo hướng dẫn cụ thể tại điều 24 thông tư 11 năm 2015 của Bộ Xây dựng hay không?" - ông Lập kiến nghị.
"Trường hợp nếu chủ kiôt là một cá nhân được cấp phép xây dựng thì tất cả các thành viên đều phải có chứng chỉ hành nghề và phải đăng ký với cơ quan thuế" - ông Lập phân tích thêm.
Cũng theo ông Lập, khi giao dịch qua sàn thì người mua không phải mất nhiều thời gian bởi chỉ có những lô đất đủ tiêu chuẩn mới được đưa lên.
Ngoài việc các thủ tục pháp lý diễn ra nhanh gọn, thời gian ngắn, ít gặp rủi ro thì mọi giao dịch sẽ được Nhà nước kiểm soát. Việc này cũng giúp tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.
Lò "tin giả" từ "sàn giao dịch" trên Facebook
Ngoài hoạt động môi giới sôi động tại các kiôt "chui", còn có các "sàn giao dịch" trên Facebook được "cò" đất sử dụng rao vặt nhà đất lớn được nhiều người biết tới.
Lượng thông tin tải tính theo từng phút với đủ các giao dịch mua bán từ đất nền, nhà ở, căn hộ chung cư đến thuê nhà, thuê hàng quán kinh doanh...
Qua hình thức trực tuyến, khách hàng từ các địa phương trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thông tin địa ốc.
Đây cũng là nơi xuất phát các quyết định, công văn giả mạo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam liên quan đến các hoạt động đầu tư để thổi giá đất cát vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận