17/12/2016 09:55 GMT+7

Đa dạng bộ sách giáo khoa là đòi hỏi khách quan

  MAI THẮNG
MAI THẮNG

TTO - Sau bài báo “Tỉnh, thành nào cũng có sách giáo khoa riêng, có nên không?”, tôi nghĩ không nên.

Bởi vì giáo dục là quy chuẩn của mỗi quốc gia, mà đã là quy chuẩn thì không phải địa phương nào cũng có sách giáo khoa cho riêng mình. Nếu 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có một bộ sách giáo khoa riêng thì sẽ loạn, ấy là chưa kể sự “cạnh tranh kiến thức” giữa các tỉnh thành với nhau.

Có thể nói với một bộ sách giáo khoa hiện nay của Bộ GD-ĐT đang giảng dạy không còn phù hợp với tất cả đối tượng người dạy và người học nữa. Bởi lẽ giáo viên và học sinh ở các vùng miền khác nhau, không chỉ không đồng đều về trình độ nhận thức và chuyên môn giảng dạy, mà còn khác nhau về “văn hóa tiếp thu”, khác nhau về điều kiện giảng dạy.

Một thực tế là học sinh ở nông thôn, miền núi hiểu biết văn hóa, truyền thống, kinh tế - xã hội, danh lam thắng cảnh ở xã, huyện, tỉnh mình không nhiều bằng hiểu kinh tế - xã hội, danh lam thắng cảnh, truyền thống ở “cấp trung ương”, vì học sinh chỉ được tiếp thu một nội dung đã thống nhất trong một bộ sách giáo khoa.

Chúng ta đang áp dụng một bộ sách giáo khoa cho tất cả các đối tượng ở miền núi, miền xuôi, nông thôn, đô thị là sự “lệch pha” trong giáo dục. Điều ấy không chỉ thiếu sinh động mà còn mang tính áp đặt, trong khi trình độ nhận thức của đối tượng người học ở miền núi khác miền xuôi, nông thôn khác đô thị thì không lẽ gì chỉ có một bộ sách giáo khoa lại áp dụng cho mọi đối tượng.

Nói như vậy không có nghĩa là mỗi tỉnh thành phải có một bộ sách giáo khoa riêng, song trước nhất phải hướng vào biên soạn những văn hóa, giá trị truyền thống... tại quê hương nơi học sinh đang sống, để học sinh hiểu về giá trị văn hóa làng xã nơi mình sinh ra, sau đó mới đến biên soạn chương trình giáo dục chung.

Vì biên soạn “văn hóa làng xã” địa phương vào sách giáo khoa chính là nền tảng cốt lõi để xây dựng nhân cách văn hóa vùng miền. Nói cách khác, trước khi đưa giáo dục cấp trung ương, hiện đại cho học sinh học, trước hết phải giáo dục văn hóa làng xã để “tạo dựng” tinh thần yêu nước từ gốc cho người học.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chúng ta đang ưu tiên cho phát triển giáo dục, đưa giáo dục hiện đại lan tỏa đến mọi vùng miền trên cả nước. Để rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí cho miền núi theo kịp miền xuôi, nông thôn sánh vai đô thị, thì sự cần thiết phải đa dạng hóa bộ sách giáo khoa là đòi hỏi khách quan của nền giáo dục hiện đại hiện nay.

MAI THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên