24/03/2019 11:04 GMT+7

Dạ đàm tùy lục: Để người đời soi lại tâm mình

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Mùa xuân năm nay, quyển Dạ đàm tùy lục, bản dịch của Châu Hải Đường, chuyển ngữ 141 truyện yêu hồ chí dị của Hòa Bang Ngạch (Trung Quốc, đời Thanh) được phát hành.

Dạ đàm tùy lục: Để người đời soi lại tâm mình - Ảnh 1.

Khác với suy nghĩ ban đầu của nhiều người, loại truyện này không đơn giản chỉ thuần giải trí. Nói như tâm sự của Vương Sĩ Trinh khi đọc Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh - vị tiền bối trong thể loại văn chương này của Trung Quốc - thì "Chuyện đời đã chán không buồn nhắc/ thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời" (Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ/ Ái thính thu phần quỷ xướng thi). 

Ấy là khi người ta đối diện với đời thực đang có nhiều nỗi đa đoan chán ngán, thường muốn theo câu chữ mà thoát khỏi thế gian, tìm xem những ghi chép về cảnh giới của hồn ma bóng quế, tinh hồ kiếp quỷ có gì thú vị...

Nay, đọc qua hơn trăm truyện của Hòa Bang Ngạch, ngẫm nghĩ lại thấy có câu chuyện Hiếu nữ là ấn tượng. Chuyện ấy thế này:

Ở ngoài cửa Sùng Văn của kinh đô có khu phố chuyên nghề trồng hoa cảnh. Nhà nọ có một thiếu nữ phụng dưỡng cha già bị hen suyễn, hằng năm đến kỳ lại trở nặng, càng lúc càng trầm trọng. Năm ấy cha bệnh nặng quá, không trở dậy được, chỉ nằm trên giường rên rỉ. 

Cô gái hết lòng thuốc thang, kêu thầy đến cũng không chữa được. Lúc ấy có bà hàng xóm tụ tập một đoàn đi hành hương đến núi Nha Kế. Cô gái nọ nghe được, hỏi rằng: Sao phải đến núi hành hương? Bà già nói: Có người vì đau ốm, có người muốn cầu con... thường vì muốn được như tâm nguyện nên đến cầu thánh Mẫu trên núi, rất linh. 

Nghe vậy cô gái hỏi: Từ đây đến núi Nha Kế bao nhiêu dặm? Bà lão nói: Hơn một trăm dặm. Cô lại hỏi: Một dặm là bao nhiêu dài? Bà lão nói: Ba trăm sáu chục bước.

Cô gái ghi nhớ trong lòng. 

Đến tối khi người cha ngủ yên, cô lẻn ra sân, tay cầm nén hương, thầm ghi nhớ số dặm đường đến núi Nha Kế, rồi vừa đếm bước đi vòng quanh sân, vừa khấn thầm: 

"Con là một đứa con gái thân thể yếu đuối, cha già bệnh nặng, trong nhà lại không có một ai, nên không thể lên núi hành hương được. Bây giờ con xin ở nơi đây, tính toán số dặm đường, số bước chân, kính cẩn mỗi bước bái lạy một vái, cũng như coi mình đến trước núi báu, đích thân bái vọng thánh tượng, phù hộ cho cha con được lành bệnh nặng, trường thọ khỏe mạnh. Con nguyện từ nay sẽ thêu hình Phật, ăn chay trường, trọn đời đảnh lễ bái Phật". 

Cứ như vậy, hễ có thời gian rảnh rỗi là cô gái ra sân đi quanh, nhất bộ nhất bái, đến hơn nửa tháng.

Về núi Nha Kế, nơi đây có miếu thờ thần Sơn Đỉnh Bích Hà Nguyên Quân, nổi tiếng linh ứng khắp cả kinh kỳ. Mỗi năm đến kỳ lễ là xe ngựa tấp nập đổ về. 

Nơi đây có nghi thức "thắp nén hương đầu", tức là khi trời chưa sáng, sứ giả trong cung vua và đại thái giám đích thân vào điện, thắp nén hương đầu tiên cúng thần, sau đó bá tánh mới được thắp. 

Năm đó, thái giám họ Ngụy phụng ý chỉ của hoàng thái hậu đến thắp nén hương đầu, khi mở cửa vào điện thì thấy đã có nhang thắp trước rồi. Ngụy thái giám cả giận, trách người thủ nhang rằng, tại sao nhang của hoàng thái hậu chưa thắp, mà đã cho ai thắp trước. 

Người thủ nhang kinh hãi trình bày, như đã thấy đó, khi Ngụy thái giám đến cửa còn chưa mở, nên không rõ tại sao lại có ai vào đốt nhang trước được. 

Thái giám thấy chuyện này cũng lạ, nên quay về và hẹn hôm sau đến sớm hơn để thắp "nén hương đầu", không quên dặn người thủ nhang coi cửa cẩn thận. 

Người thủ nhang sợ phạm tội, đêm sau kêu thêm người cùng trực canh, mới canh tư, Ngụy thái giám đã đến, vừa bước vào cửa điện, lại thấy trên bát hương đã thắp đủ hương hỏa, có một người con gái đang quỳ lạy dưới đất. 

Tất cả mọi người đều kinh hãi. Người con gái kia nghe thấy tiếng người thì giật mình đứng dậy, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Mọi người ai cũng cho là ma. Ngụy thái giám nói: "Lẽ nào trước mặt thần mà ma quỷ dám công nhiên xuất hiện, nhất định là có nguyên do gì khác". Bèn dâng nén hương thứ hai. 

Rồi thái giám xuống trước cửa đền, tập hợp tất cả khách hành hương lại, đem câu chuyện vừa qua kể cho mọi người nghe, đặc biệt kể rõ vóc dáng cô gái từ tuổi tác đến dung mạo, áo quần. 

Khách hành hương ai cũng ngạc nhiên, cuối cùng, có một bà lão, sau khi nghe Ngụy thái giám mô tả cô gái, thì cúi đầu ngẫm nghĩ, rồi bảo: "Lẽ nào là đứa con gái hàng xóm nhà con, vì từng lời ngài nói đều giống hệt nó". 

Ngụy công hỏi: "Đó là đứa con gái thế nào, mà có thể biến hóa như thế?" Bà lão nói: "Con bé ở khu phố Hoa Viện, vốn rất hiếu thảo". Ngụy thái giám nghe thế vỗ đùi bảo: "Thế thì chẳng có gì kỳ quái cả".

Rồi ông phi ngựa về cung báo cáo hoàng thái hậu. Sau lại bí mật tìm đến nhà người con gái ấy, vào thăm, thấy quả đúng là cô gái gặp trên điện thờ bữa trước. 

Ông thử hỏi han, cô gái tình thực đáp: "Con tuy không ra khỏi cửa, nhưng cứ thấy tựa hồ như thân trải qua nơi ấy. Bệnh tật của cha già nay được khỏi hẳn, cũng là nhờ Bồ Tát linh ứng phù trì". 

Ngụy thái giám cảm thán nói: Lòng chí thành có thể cảm động đến thần linh, đúng là lòng hiếu thảo tột bực. Ông bèn nhận cô gái làm nghĩa nữ, coi như con đẻ của mình, cha già của cô lại an hưởng thêm được ba chục năm no ấm. Cô gái sau lấy chồng giàu có, cũng là nhờ một tay Ngụy thái giám lo cho.

Câu chuyện dù hư hư thực thực, nhưng câu nói của Ngụy thái giám lại rất đáng cho người đời lưu ý: "Lòng chí thành cảm động đến thần linh". 

Tất nhiên là lưu ý với những ai còn ý thức được giá trị mỗi người ở giữa cõi đời, chứ còn những ai thân đang nơi chùa to tượng lớn mà tâm tập trung phân lô bán nền, thì không cần bận tâm đến mấy chuyện này vậy.

Tác giả Việt thêm "cửa" ra sách điện tử Tác giả Việt thêm 'cửa' ra sách điện tử

TTO - Thị trường xuất bản vừa có thêm một cú hích quan trọng khi một nền tảng xuất bản điện tử vừa ra mắt, cho phép các tác giả tự thiết kế, chỉnh sửa, đăng tải tác phẩm mới.


LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên