19/03/2019 10:35 GMT+7

Tác giả Việt thêm 'cửa' ra sách điện tử

PHẠM LINH
PHẠM LINH

TTO - Thị trường xuất bản vừa có thêm một cú hích quan trọng khi một nền tảng xuất bản điện tử vừa ra mắt, cho phép các tác giả tự thiết kế, chỉnh sửa, đăng tải tác phẩm mới.

Tác giả Việt thêm cửa ra sách điện tử - Ảnh 1.

Với iPub, mỗi tác giả sở hữu một kênh xuất bản, chủ động nắm bắt doanh thu, số lượng tác phẩm bán ra, nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc - Ảnh: DUYÊN PHAN

Công ty sách Sống (Alpha Books) mới ra mắt nền tảng iPub nhằm hỗ trợ, kết nối xuất bản điện tử (trên ứng dụng web, Android, iOS).

Trước đó, ở Việt Nam đã có các ứng dụng đọc xuất bản phẩm điện tử như Waka, sachweb... nhưng chủ yếu cập nhật ebook từ sách giấy, thay vì hỗ trợ nền tảng để các tác giả trực tiếp đăng tải bản thảo.

Vì vậy, iPub là nền tảng xuất bản điện tử đầu tiên cho phép các tác giả tự thiết kế, chỉnh sửa, đăng tải tác phẩm.

Xuất bản ở đây, tác phẩm sẽ được đăng tải trong vòng 72 giờ. Nếu tác giả đồng thời xuất bản sách giấy thì sẽ theo quy trình trước đây, mất khoảng ba tháng để tác phẩm ra mắt.

iPub sẽ giúp việc xuất bản sách được tối ưu hóa, bớt khâu trung gian, đưa tác phẩm đến độc giả nhanh nhất, đồng thời giúp các đơn vị làm sách đo lường thị trường để có được số lượng in hợp lý.

Ông NGUYỄN CẢNH BÌNH (đồng sáng lập iPub)


Tăng cơ hội tiếp cận độc giả

Ông Nguyễn Cảnh Bình - đồng sáng lập iPub - khẳng định nền tảng này sẽ rút ngắn quy trình xuất bản, minh bạch chi phí và lợi nhuận của tác giả, tăng cơ hội đưa tác phẩm đến với độc giả. Qua cổng thông tin này, tác giả có thể tiếp cận trực tiếp tới độc giả, quản lý được chi phí thực tế phải bỏ ra, doanh thu và lợi nhuận trên từng đầu sách.

Trên nền tảng iPub, tác giả có thể kêu gọi vốn từ cộng đồng hoặc cùng iPub xuất bản ngay đồng thời cả sách điện tử và sách giấy.

Thời gian đầu, iPub miễn phí sử dụng nền tảng cho các tác giả. iPub phát triển một số tính năng giúp xử lý tự động thiết kế bìa, dàn trang chế bản để tác giả lựa chọn. Nền tảng iPub còn hỗ trợ tác giả marketing, PR, phân phối sách đến tay độc giả.

Trước khi sản phẩm đưa lên nền tảng, phía Công ty sách Sống sẽ thẩm định bản thảo để loại trừ các tác phẩm vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục. Ngoài ra, các tác phẩm đều có thể được đăng tải.

Giải thích thêm về ý tưởng thành lập iPub, ông Bình nói theo ước tính, chỉ 20% số bản thảo gửi đến các đơn vị làm sách được xuất bản. Nguyên nhân chủ yếu là không khả thi về thương mại. "Số còn lại không đến tay độc giả và là sự lãng phí lớn" - ông Nguyễn Cảnh Bình nói.

Hơn nữa, theo ông, các cây viết trẻ xuất hiện ngày càng nhiều cùng sự phát triển nhanh của công nghệ, Internet, mạng xã hội nhưng việc tiếp cận với đơn vị phát hành còn khó khăn, quy trình rườm rà, mất thời gian.

Tác giả phải chờ đợi khá lâu và không biết chắc chắn đứa con tinh thần của mình có được in hay không. Khi xuất bản sách giấy thì khó biết số lượng in, bán và phản hồi của độc giả.

Nền tảng này còn mang lại nhiều tiện lợi cho độc giả (hiện iPub đang miễn phí đọc một số đầu sách).

Chỉ bằng những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính hoặc thiết bị đọc sách chuyên dụng, độc giả có thể dễ dàng thanh toán online để mua sách. Sách điện tử giúp độc giả thuận lợi tra cứu, tìm kiếm nội dung.

Một thế hệ nhà văn mới?

Ông Đồng Phước Vinh - giám đốc Công ty sách điện tử trẻ Ybook (Nhà xuất bản Trẻ) - nhận định xuất bản điện tử là hướng đi tất yếu khi công nghệ di động phát triển mạnh và phổ cập rộng rãi.

Các tính năng như tìm kiếm, ghi chú, đánh dấu, tra cứu nhanh, lưu trữ... của xuất bản điện tử cung cấp cho độc giả những tiện ích mà sách giấy không có.

Nhưng vấn nạn hiện nay là sách lậu điện tử tràn lan khiến thị trường này phát triển èo uột, tác giả không muốn tham gia.

"Các tác giả sẽ quan tâm tham gia khi thị trường sách điện tử hợp pháp phát triển mạnh, có doanh thu tốt" - ông Vinh trăn trở.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú lạc quan hơn khi mong muốn xuất bản điện tử sẽ thay đổi cục diện văn học Việt Nam đương đại, tạo ra thế hệ nhà văn mới.

"Xuất bản điện tử như iPub đề cao tương tác giữa người viết và người đọc, bỏ qua nhiều khâu trung gian không cần thiết. Không cứ các nhà văn chuyên nghiệp mà bất cứ ai có khả năng viết đều có cơ hội để giới thiệu tác phẩm đến công chúng" - ông Tú nêu quan điểm.

Tuy nhiên, tác giả của Xác phàm cho rằng trong khi xuất bản điện tử đang đi theo hướng kinh tế chia sẻ tương tự như Grab, Uber... thì hệ thống pháp luật nước ta lại chưa theo kịp, gây nhiều bất cập.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt thì cho rằng xu hướng trực tiếp xuất bản sách điện tử đáp ứng được nhu cầu thực tế của tác giả trẻ và mới - những người chưa thật sự có nhiều cơ hội gây chú ý với các đơn vị xuất bản.

"Mặt tích cực nhất của xuất bản sách điện tử là có thể tạo ra một làn sóng những người viết bước ra ánh sáng, cũng như hạn chế được rất nhiều tự ti của những người mới bắt đầu viết.

Nhưng cơ hội bán được sách điện tử phụ thuộc vào sự vận động của tác giả với những mối quan hệ xung quanh" - nhà thơ Phong Việt nói.

Hơn nữa, theo anh, với mỗi ấn bản điện tử, tác giả phải bỏ ra chi phí không ít, và lợi nhuận thu về ở thời điểm này là khó khả thi.

"Nhưng có thể xem đây là một bước đi đầu tiên trước khi tác giả mới có những tác phẩm vững chắc và tạo tiếng vang hơn với người đọc trong tương lai" - anh bày tỏ.

Ông Chu Văn Hòa - cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - cho biết trong Luật xuất bản 2012 và nghị định 195 đã đề cập đến xuất bản điện tử.

Tuy nhiên, ông Hòa thừa nhận đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản để làm nền móng cho phát triển ngành xuất bản điện tử ở Việt Nam.

Ông Hòa cũng cho biết cơ quan quản lý luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà xuất bản mở nền tảng xuất bản điện tử.

"Các nhà xuất bản chỉ cần nộp hồ sơ đề nghị, sau đó Cục Xuất bản, in và phát hành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và cấp giấy phép".

Theo ông Hòa, quy trình xuất bản các ấn phẩm trên nền tảng điện tử về cơ bản giống như sách giấy. Lãnh đạo các nhà xuất bản đăng ký với cục và tự chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm, đồng thời phải gửi file sản phẩm lưu chiểu.

Sinh viên vẫn chuộng đọc sách in hơn sách điện tử Sinh viên vẫn chuộng đọc sách in hơn sách điện tử

TTO - Thế giới ngày nay có thể đang ngày càng “số hóa”, song có một địa hạt vẫn đủ sức chống chọi để giữ bản sắc và đó chính là thói quen đọc sách in.

PHẠM LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên