Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho rằng không thể ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nếu không có sự tham gia của nam giới.
Cứ 10 phụ nữ thì hơn 6 người từng bị bạo lực
Lập gia đình từ năm 18 tuổi, chị L.T.V. (35 tuổi, trú tỉnh Điện Biên) không nhớ nổi bao nhiêu lần chịu đựng sự đánh đập của chồng. Chị V. chia sẻ khi lấy chồng, cả hai vợ chồng đều còn rất trẻ, ngoài nương rẫy trồng ngô thì cả hai đều không có việc làm ổn định.
"Sau khi sinh đứa con đầu lòng, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn hơn. Chồng cũng từ đó sinh ra chán nản, rượu chè. Mỗi lần uống rượu say trở về nhà, anh trút lên vợ những lời lẽ không hay do vợ ở nhà trông con không làm ra tiền, không thể quán xuyến việc nhà. Chửi rủa chưa đủ, anh bắt đầu đánh đập. Cũng nghĩ vì con cái nên tôi cố gắng chịu đựng", chị V. nhớ lại.
Cho đến 3 năm trở lại đây, khi dự án ngăn chặn bạo lực với phụ nữ về đến tận bản làng nơi vợ chồng chị V. sinh sống, chị mới như được hồi sinh một lần nữa. Anh K. (chồng chị V.) không khỏi ân hận vì những hành động mình đã làm với vợ trong suốt thời gian qua.
Anh K. nói khi tham gia những lớp học, được các "thầy cô" giảng dạy anh mới biết mình không chỉ đang làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mà còn vi phạm pháp luật.
Sau đó, vợ chồng anh K. cũng được dự án tạo kế sinh nhai bằng chuyển đổi cây trồng, trồng cà phê tăng thu nhập. "Từ ngày đó, hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, kinh tế dần ổn định hơn. Bản thân tôi cũng không sa đà vào rượu chè suốt ngày nữa. Lúc đi làm về cũng phụ giúp vợ việc nhà, chăm con", anh K. nói.
Bạo lực trên mạng
Nhắc đến bạo lực, thường được nói đến là những hành vi bạo lực về thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Bên cạnh những hành vi bạo lực trong gia đình thì với sự phát triển của mạng xã hội, phụ nữ cũng trở thành mục tiêu bị bạo lực.
Chia sẻ câu chuyện từng là nạn nhân của bạo lực trên mạng xã hội, chị Bế Thị Băng (hoa khôi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019) vẫn nhớ như in những cảm xúc tiêu cực khi bị kỳ thị.
Mất đi một chân sau tai nạn khi còn trẻ, chị Băng đã vượt lên mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng. Chị muốn được sống như những người bình thường khác, mặc những chiếc váy đẹp, diện giày cao gót...
Thế nhưng thay vì nhận được sự động viên, ủng hộ của cộng đồng thì chị lại nhận về những lời miệt thị.
"Sao con bé kia cụt chân rồi còn mặc váy? Đã cụt chân rồi còn đi giày cao gót? Tàn tật thế kia thì ở nhà thôi còn ra ngoài đường làm gì?... Những lời nói đó sát thương rất lớn khiến tôi cảm thấy rất buồn.
Tôi luôn tự nghĩ tại sao người khuyết tật lại không thể sống bình thường như những người khác. Và tôi đã lựa chọn đứng lên, trên chiếc chân còn lại của mình. Tôi phải làm cho họ thay đổi cách nhìn về người khuyết tật", chị Băng tự hào nói.
Chị Băng cũng cho rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam vẫn còn là một vấn nạn. Để ngăn chặn bạo lực, không chỉ những người phụ nữ phải đứng lên bảo vệ mình mà cần sự tham gia tích cực của nam giới - những người gây ra bạo lực.
Nam giới phải tham gia ngăn chặn bạo lực
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng không thể ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nếu không có sự tham gia của nam giới. Tuy nhiên, ông Nam cho hay thực tế hiện nay việc truyền thông bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực giới chưa có sự tham gia của nam giới và trẻ em trai.
Ông Nam chia sẻ từng tham gia diễn đàn về bình đẳng giới nhưng 100% là trẻ em gái tham gia mà không có trẻ em trai được mời đến sự kiện.
Rất nhiều chương trình múa, hát cũng chỉ có trẻ em gái mà không có trẻ em trai. "Chúng ta phải tuyên truyền từ thế hệ trẻ em về bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực giới thì mới có thể thay đổi từ nhận thức đến hành vi", ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm với ông Nam, TS Trần Kiên, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cũng cho rằng nam giới cần tích cực tham gia thúc đẩy ngăn chặn bạo lực giới.
"Chúng tôi đã tổ chức những nhóm hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nam giới có hành vi gây bạo lực. Họ là nguyên nhân gây bạo lực, vì vậy cần phải hỗ trợ họ nhận thức được hành vi vi phạm, từ đó giúp họ thay đổi hành vi của mình", ông Kiên nói.
Hơn 90% người bị bạo lực không tìm sự giúp đỡ
Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ 2 năm 2019 công bố năm 2020, có đến 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15 - 64 cho biết từng phải chịu các hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần trong đời.
Một nửa trong số những phụ nữ bị bạo lực lựa chọn giữ im lặng, và hơn 90% người bị bạo lực giới không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Đừng thờ ơ
Hơn 10 năm hỗ trợ tư vấn miễn phí pháp lý bạo lực gia đình, ông Tạ Quang Tòng (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho hay thực tế chưa nhiều phụ nữ chịu bạo lực tìm đến pháp lý để bảo vệ mình.
"Nếu chúng ta còn coi hành vi bạo lực lên phụ nữ là điều bình thường thì không thể thay đổi hành vi này. Bạo lực là hành vi đáng lên án, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng và xã hội.
Đơn cử như tôi đã từng tư vấn nhiều trường hợp vợ chồng xảy ra đánh nhau nhưng tổ dân phố, hội phụ nữ dân phố... không có sự can thiệp mà coi đó là chuyện nội bộ gia đình.
Chính sự thờ ơ của chính quyền địa phương làm gia tăng hành vi bạo lực trong gia đình. Vì vậy, để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, cần có sự vào cuộc của cả xã hội, cộng đồng và chính quyền địa phương", ông Tòng bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận