Phóng to |
Những ngôi nhà hoang nằm cạnh sân bay A So là dấu tích ngôi làng cũ của người dân xã Đông Sơn, A Lưới - Ảnh: H.Khá |
Đất trắng
Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện A Lưới, toàn huyện hiện có 4.700 người nghi nhiễm chất độc dioxin, trong khi đó dân số của toàn A Lưới chỉ chưa đến 40.000 người. Như vậy, nếu tính bình quân ở A Lưới cứ 10 người thì có một người nghi nhiễm chất độc da cam. |
Hai bên đường dẫn vào Patang dẫu đất đai bằng phẳng nhưng chẳng có thứ cây gì mọc nổi quá đầu người. Ruộng lúa còi cọc. Cây trái trong vườn khô quắt. Phó bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn Hồ Giang Nghinh bảo: “Bây giờ mười phần khổ cũng đỡ đi ba bốn rồi, chứ trước kia cứ nuôi heo thì heo chết, trồng bắp thì bắp ra trái mà không có hạt”. Dẫu mang tiếng là ở núi rừng nhưng nơi đây tuyệt nhiên không tìm ra một bóng cây lớn nào, ngay cả đám cây hoang dại dưới chân cũng khô héo dần vì nhiễm độc.
Làng A Sam bên cạnh sân bay A So (xã Đông Sơn) mùa này nắng như thiêu đốt. Gió Lào từng cơn thổi khô khốc như muốn quật ngã con người. Vậy mà những đứa trẻ đen nhẻm vẫn vô tư vui đùa bên miệng những hố bom quanh làng như không có chuyện gì. Patang ám ảnh lòng người bởi sự khô cằn, nghèo khó. Nó ám ảnh bởi đứa bé đang nô đùa ngoài sân thiếu đi một bàn tay.
Nó ám ảnh bởi những cô cậu tuổi đã đôi mươi đáng ra phải là chàng trai tráng kiện thì lại nằm co quắp trên giường kể từ lúc lọt lòng... Và nó ám ảnh người ta hơn bởi những đôi mắt u buồn chất chứa lòng cha mẹ khi nhìn đàn con quằn quại bên nỗi đau da cam. Sau ngày giải phóng, những cư dân bản địa của xã Đông Sơn vốn bị chiến tranh đẩy lên tận vùng biên giới xã Hồng Thủy đã lần lượt trở lại làng. Những tưởng vậy là an cư, không ngờ 15 năm sau họ lại bồng bế nhau chạy trốn khỏi làng thêm một lần nữa bởi dioxin.
Ông Hồ Giang Nghinh nhớ lại: “Thời đó không ai biết quanh sân bay A So bị nhiễm độc dioxin. Dân chúng tôi từ Hồng Thủy về làm theo lời vận động của Đảng, Nhà nước nên cứ thấy chỗ nào bằng phẳng thì dừng lại dựng nhà. Hố bom nào sâu nhất, nước xanh trong nhất thì dành làm giếng nước uống chung cho cả xóm. Thậm chí ngay cả trụ sở xã, trạm y tế, trường mẫu giáo cũng được xây dựng ngay sát đường băng sân bay để tiện bề đi lại. Nhưng đâu chừng được vài năm thì trong làng bắt đầu sinh chuyện, hết con A Thế sinh ra không chân tay thì đến con ông Quỳnh Hanh đầu xóm sinh ra không có đầu, sống được vài giờ thì chết... Già làng tổ chức bày cúng trời đất mấy lần nhưng không được”.
Và rồi cuộc sống trong làng cứ u ám chết dần chết mòn cho đến đầu năm 2001, người làng Đông Sơn nhìn thấy một nhóm người với đầy đủ máy móc. Họ hì hục từ sáng đến tối ngoài sân bay A So, rồi họ vào trong làng mua gà, mua vịt, xuống hồ bắt cá... Mổ ruột lấy mỡ... rồi bỏ vào hộp nhựa... Họ làm chừng một tuần thì rút đi hết. Bẵng đi một thời gian cả chính quyền lẫn người dân A Lưới nhận được hung tin “khu vực quanh sân bay A So bị nhiễm dioxin nặng, vượt mức cho phép đến 26 lần”. Cả làng Đông Sơn choáng váng, nhiều người bắt đầu run sợ. Ngay lập tức, một cuộc di dời làng diễn ra. Tất cả chạy về phía chân núi, bỏ lại ngôi làng với những căn nhà chỏng chơ. Làng cũ giờ đã rệu rã, mục nát theo thời gian. Chỉ có danh sách về những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam ngày một dài thêm...
Ngăn độc cho A So?
Sau ngày cả làng A So bỏ chạy, một chiến dịch ngăn chặn sự lan truyền dioxin ở A So ra đời. Ông Quỳnh Thu, chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới, nhớ lại: “Lúc đó, khi đã xác định được nồng độ dioxin tồn dư cực lớn trong đất vùng sân bay thì không còn thời gian chờ đợi nữa. Biện pháp đầu tiên là tìm cách ngăn chặn trẻ em và trâu bò vào khu vực nguy hiểm trên”. Sau khi hàng rào thép gai được dựng lên, dự án trồng cây bồ kết ngăn độc của nhóm nhà khoa học Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng (Hội Khoa học lâm nghiệp VN) cũng được triển khai.
Bây giờ quanh sân bay A So, những dãy bồ kết xanh tươi trở thành hàng rào ngăn dioxin. Tuy nhiên tất cả giải pháp này mang tính thủ công, tạm thời. Hiện dân quanh vùng A So vẫn sống trong nỗi ám ảnh của loại chất độc này. Còn trên vùng đất xung quanh khu A (khu cực độc), đồi chỉ huy của quân đội Mỹ, hàng rào chỉ lớt phớt vài cây bồ kết vì chất độc còn quá nặng. Ngoài hàng rào ngăn độc ở khu vực A, tại các khu vực B, C Nhà nước đã hợp đồng với dân trồng cây keo tai tượng để phủ xanh đất thuộc sân bay A So. Tuy nhiên qua gần bảy năm triển khai, số cây trồng trên diện tích hàng chục hecta ở hai khu vực này đều chết gần hết. Một số vùng cây còn sống nhưng còi cọc, phát triển rất chậm. Trâu bò vẫn được thả rong trong vùng phơi nhiễm. Trẻ con vẫn vô tư đùa chơi giữa bãi đất bằng phẳng mà không hay biết ở đó có dioxin.
Giáo sư Phùng Tửu Bôi, người gắn bó với các dự án ngăn chặn dioxin ở A So, cho biết giải pháp lâu dài tẩy độc cho khu vực sân bay A So thì hiện tại chưa thể triển khai. “Vừa qua các chuyên gia ở các trường đại học của Mỹ và VN đã đi tham quan để tìm một giải pháp cho A So. Có thể sẽ xử lý bằng biện pháp vi sinh để phá vỡ khoảng 50% lượng chất độc đang tồn tại trong đất, chứ không thể tẩy độc bằng phương pháp xử lý nhiệt như ở sân bay Đà Nẵng vì không có nguồn kinh phí. Nhưng các biện pháp xử lý vi sinh này cũng đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ, đồng thời phải tìm cách huy động vốn cho dự án nhân đạo này”.
***
Như vậy, sau 50 năm, khi nạn nhân ở nước Mỹ còn bàng hoàng day dứt thì ở tại những làng quê VN như thế này - hậu quả chết người của chất độc da cam vẫn còn hiện diện...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Cô bé chân gỗ Kỳ 2: Không thể thay đổi sự thật Kỳ 3: Giữa hai thế giới Kỳ 4: Tẩy rửa sai lầm
------------------------------------
Đón đọc số tới: Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương
AFP ngày 29-7 trích phát biểu của tướng La Viện với Beijing News: “Cả Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có ba tàu sân bay vào năm 2014, nên Trung Quốc cũng không thể có ít hơn ba tàu sân bay...”. Tàu sân bay “quý báu” như thế nào mà thiên hạ phải tranh nhau có? Nhà báo Danh Đức sẽ tìm câu trả lời từ lịch sử 100 năm qua của tàu sân bay Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận